09:19 20/09/2019

Bến Tre: Một số hộ chăn nuôi chậm khai báo, giấu dịch để tiêu thụ lợn

Chiều 20/9, tại cuộc họp trực tuyến về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm do UBND tỉnh Bến Tre tổ chức, lãnh đạo một số huyện cho biết đã xuất hiện tình trạng một số hộ chăn nuôi chậm khai báo, giấu dịch, để tiêu thụ lợn ra thị trường.

Chú thích ảnh
Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tại ổ dịch mới. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập đề nghị, ngành chăn nuôi, thú y phối hợp cùng chính quyền địa phương nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh lây lan; kịp thời phát hiện, xử lý nhanh các ổ dịch xảy ra; kiểm soát, hướng dẫn người chăn nuôi xử lý đàn lợn bị bệnh, không để xảy ra tình trạng vứt xác lợn chết ra sông, gây ô nhiễm môi trường, phát tán dịch bệnh. 

Đồng thời, cán bộ thú y kịp thời xét nghiệm và thông báo cho người chăn nuôi những đàn lợn âm tính để người dân bán, lưu thông chứ không nên để thương lái lợi dụng ép giá người chăn nuôi.

Theo ông Võ Văn Út - Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam, khi xảy ra dịch, người dân chậm khai báo hoặc giấu dịch để bán lợn cho thương lái. Mặc dù, huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trong việc khai báo lợn bệnh để được hỗ trợ tiêu hủy nhưng do thông tin giá lợn ngoài thị trường tăng so với giá nhà nước hỗ trợ nên người chăn nuôi che giấu để bán lợn.

Việc chống dịch tả lợn châu Phi gặp khó khăn dù trước đó huyện đã xây dựng kịch bản chống dịch. Địa phương thiếu lực lượng hỗ trợ tiêu hủy vì đa phần thành viên tham gia lực lượng đi tiêu hủy trong nhà có chăn nuôi lợn nên sợ mang mầm bệnh về nhà. 

Ngoài ra, tiêu hủy lợn bệnh đối với những hộ chăn nuôi ở vùng sâu rất khó khăn vì xe kobe (đào hố chôn) không đến được tận nơi nên phải hố bằng đào tay. Do đó, thời gian tiêu hủy kéo dài, tốn nhiều công sức.

Ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng cho biết, thời gian qua, các công văn, hướng dẫn chỉ đạo phòng, chống dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều thay đổi liên tục; hướng dẫn mang tính vùng miền, chưa phù hợp với vùng chăn nuôi đồng bằng phía nam, dẫn đến khó triển khai thực hiện. 

Giai đoạn đầu khi thực hiện xử lý ổ dịch thì tiến hành tiêu hủy hết đàn lợn nên dễ và nhanh kiểm soát được. Sau đó, thực hiện theo công văn 5169/BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ tiêu hủy con bệnh, chết, xét nghiệm dương tính nhưng hướng dẫn không cụ thể, rõ ràng… nên cơ quan tham mưu gặp khó khăn khi cụ thể hóa văn bản này. Do đó, nhiều địa phương khó áp dụng. Tiêu hủy lợn bệnh tái diễn nhiều lần tại một hộ dẫn đến dịch kéo dài; lực lượng xử lý ổ dịch thiếu, tốn kinh phí nhiều hơn.

Tính đến ngày 20/9, tại Bến Tre, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 62 xã, phường với trên 16.130 con lợn của 446 hộ đã bị tiêu hủy, chiếm gần 2,4% tổng đàn (680.528 con). Ở Bến Tre lúc đầu bệnh xảy ra chủ yếu trên lợn nái, sau đó dần dần đến lợn thịt, lợn con; trong đó, số lợn thịt chiếm 79%. Dịch xảy ra chủ yếu tại  tập hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, chủ yếu là nhóm hộ chăn nuôi dưới 50 con, chiếm tỷ lệ đến 80% số hộ nuôi có lợn bị bệnh, tiêu hủy. 

Ông Trần Quang Thái dự báo, dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lây lan, khó kiểm soát; dễ dẫn đến tình trạng người dân vứt xác lợn chết ra sông.

Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)