08:11 01/08/2019

Bến Tre gặp khó trong xử lý lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi

Xã Tân Lợi Thạnh là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, với tổng đàn khoảng 27.000 con. Đây là địa phương thứ hai của huyện Giồng Trôm công bố dịch tả lợn châu Phi vào ngày 9/7/2019.

Tính đến ngày 31/7, xã có trên 786 con lợn (của 28 hộ chăn nuôi) bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, trên địa bàn xã còn 2 ấp (ấp 9 và ấp 5) chưa có ổ dịch. 

Chú thích ảnh
Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tại ổ dịch mới. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Ông Nguyễn Thành Kiếm, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi Thạnh cho biết, địa phương đang gặp khó khăn trong xử lý lợn bị bệnh dịch tả châu Phi. Cụ thể, việc tiêu hủy lợn bằng cách đào hố, chôn lấp không hiệu quả do số lượng lợn lớn, hố chôn bị ngập nước mưa nên vài ngày lợn bị trương sình, bốc mùi hôi thối gây hoang mang trong người dân do lo ngại ô nhiễm môi trường, lây cho lợn khác.

Ngoài ra, xã cũng gặp khó trong việc tìm kiếm, vận động nhân công tham gia tiêu hủy lợn bệnh. Vì hầu như gia đình nào ở địa phương cũng chăn nuôi lợn, nên khi xảy ra dịch rất khó huy động, thuê nhân công đến tiêu hủy lợn bệnh do sợ lây lan cho lợn nhà. Kể cả thương lái cũng không muốn tham gia bắt lợn để xử lý ổ dịch vì sợ người chăn nuôi “né”. 

Chủ tịch UBND xã Tân Lợi Thạnh cũng cho biết, tất cả mọi phương tiện, dụng cụ hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh đều phải thuê rất tốn kém. Từ cái cân đến nhân công tham gia bắt lợn đều phải trả tiền nên kinh phí rất lớn. Đến nay, dịch xảy ra trên địa bàn chưa được 1 tháng nhưng kinh phí để xử lý ổ dịch khoảng 80 triệu đồng.

Lãnh đạo xã Tân Lợi Thạnh cũng băn khoăn khi trước đây có công văn chỉ đạo, dịch xảy ra thì nhanh chóng tiêu hủy số lợn bệnh và cả số lợn trong cùng một chuồng vì sợ các con còn khỏe ủ bệnh. Do đó, khi địa bàn có dịch, xã chỉ đạo dập dịch, tiêu hủy lợn cả ngày lẫn đêm. 

Thế nhưng, ngày 22/7 lại có công văn chỉ đạo, việc dập dịch “chậm lại”, chỉ tiêu hủy lợn bệnh, còn lợn khỏe thì để theo dõi. Tuy nhiên, hộ chăn nuôi lo lắng vì lỡ như lợn khỏe nhưng ủ bệnh vài hôm sau phát bệnh, rồi lây lan trong đàn thì xử lý thế nào? Trong khi đó, nếu chết con nào, tiêu hủy con đó rất tốn kém, vì mỗi lần xử lý một con lợn nái là 500.000 đồng. Nếu mỗi ngày đều có lợn chết và chôn thì sẽ hết tài sản. 

Ông Nguyễn Thành Kiếm cũng cho rằng, không nên “theo dõi” dịch mà nên xử lý một lần khi trong chuồng có con bị bệnh dịch tả lợn châu Phi vì nếu để “theo dõi” thì sẽ lây lan dịch sang những đàn lợn khác. 

Huyện Giồng Trôm là địa phương đầu tiên của tỉnh Bến Tre xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi vào ngày 27/6/2019. Tính đến cuối tháng 5/2019, đàn lợn của huyện còn khoảng 93.500 con, lớn thứ ba của tỉnh Bến Tre. Tính đến ngày 31/7, toàn huyện có 8 xã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn bị tiêu hủy gần 2.000 con.

Theo Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Văn Bé Sáu, do địa hình của huyện kênh rạch chằng chịt, diện tích đất bình quân/hộ dân thấp, nên nếu thực hiện chọn địa điểm tiêu hủy lợn theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường về khoảng cách nguồn nước (30m), nhà ở của hộ dân rất khó để thực hiện. Ngoài ra, nếu xảy ra ổ dịch lớn thì địa phương sẽ gặp khó về quỹ đất để tiêu hủy, chôn lấp.

“Ngành chăn nuôi nên có hướng dẫn thống nhất phương án xử lý lợn bị bệnh nếu không dễ dẫn đến nguy cơ người dân vứt lợn ra sông, gây ô nhiễm, lây lan nguồn bệnh diện rộng”, ông Võ Văn Phê, Bí thư Huyện ủy huyện Giồng Trôm đề xuất.

Theo ông Phan Trung Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre, trước đây, theo hướng dẫn trong Công văn số 3708/HD-BNN-TY ngày 28/5/2019 về hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu trong một ô, chuồng có lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi chết thì bắt buộc phải tiêu hủy hết các con lợn còn lại; nếu nuôi trang trại có cách biệt riêng lẻ thì ô, chuồng nào có lợn khỏe mạnh thì giữ lại nuôi. 

Ngày 22/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ban hành Công văn số 5169/BNN-TY hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, nếu trong cùng một ô, chuồng có lợn được xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì bị tiêu hủy, còn lợn khỏe mạnh thì được phép giữ lại, nếu xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì cho bán trong phạm vi huyện. 

Theo ông Phan Trung Nghĩa, mục đích của văn bản là để tiêu thụ được lợn khỏe mạnh, không phải tiêu hủy tốn kém kinh phí, không gây lãng phí xã hội. Do đó, cần cân nhắc tiêu hủy lợn khỏe mạnh.

Do đó, ngành thú y của tỉnh cũng đã hướng dẫn cán bộ thú y nếu hộ nào muốn hủy lợn vì lo lắng dịch bệnh thì cần có văn bản xác minh của cán bộ chuyên môn. Nếu lợn bệnh chết, lợn có dấu hiệu bệnh thì tiêu hủy; đối với lợn khỏe thì cách ly để nuôi hoặc bán để hạn chế tiêu hủy, tốn kinh phí. Phương án chôn từ từ sẽ giảm áp lực về quỹ đất, đối với những nơi khó khăn về diện tích đất thì có thể tiêu hủy bằng cách đốt.

Ông Nghĩa cũng cho biết, đối với kinh phí hỗ trợ tiêu hủy lợn, ngành chăn nuôi sẽ làm việc với Sở Tài chính để thống nhất lại phương án hỗ trợ. 

Như vậy, tính đến ngày 31/7, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 6 huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre, gồm: Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Ba Tri và Thành phố Bến Tre. Tổng số đàn lợn bị tiêu hủy gần 2.800 con. Theo đánh giá của ngành chăn nuôi và thú y, khả năng dịch bệnh có chiều hướng lây lan rộng.

Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)