10:06 22/10/2014

Bên lề quốc hội

Theo Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của Chính phủ trong năm 2015, cả 63 tỉnh, thành phố phải phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội): Khó hoàn thành phổ cập mầm non

Theo Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của Chính phủ trong năm 2015, cả 63 tỉnh, thành phố phải phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Nhưng mục tiêu này khó có khả năng thực hiện được. Đến thời điểm này mới chỉ có 18 tỉnh, thành hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đây cũng là những tỉnh, thành có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hoặc Nhà nước tài trợ rất lớn. Ở những tỉnh, thành khó khăn, nếu không có đầu tư thích đáng thì không bao giờ thực hiện được. Bởi hiện tại, những nơi này cơ sở vật chất và thiết bị thiếu trầm trọng, việc huy huy động 100% trẻ mầm non 5 tuổi tới lớp rất khó.

Ngoài ra, còn có vấn đề nữa tôi cũng rất băn khoăn là: Để có Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH cùng có đề xuất tất cả các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đưa về Bộ LĐTB&XH quản lý. Nhưng trong Luật Giáo dục đại học lại ghi trường CĐ và ĐH mới trực thuộc giáo dục đại học; như vậy là có mâu thuẫn. Vì vậy cần có ý kiến mạnh mẽ từ Quốc hội và Chính phủ để không lẫn lộn hai luật này. Việc đưa trường CĐ Sư phạm về Bộ LĐTB&XH cũng cần xem xét kỹ. Trường CĐ Sư phạm là “cỗ máy cái” để đào tạo giáo viên cho ngành giáo dục, vì vậy trực thuộc Bộ LĐTB&XH là không phù hợp, cần được bàn kỹ hơn để đi đến thống nhất.


Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): Nâng cao năng suất lao động

Thời gian qua, nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng số liệu liên quan đến việc làm không có nhiều biến động là chưa phản ánh đúng, cần phải có đánh giá thực chất hơn. Bên cạnh đó, cần phải làm rõ hơn tăng trưởng kinh tế với các chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp và mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội.

Số lao động được giải quyết việc làm mới vào khoảng 1,6 triệu người. Số liệu này chưa có sự thống nhất. Năm 2010, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số việc làm tăng thêm là 1,3 triệu lao động, trong khi Bộ LĐTBXH là 1,61 triệu. Năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo có 1,3 triệu lao động có việc làm mới, Bộ LĐTBXH báo cáo là 1,5 triệu lao động. Năm 2013, số liệu này của hai bộ báo cáo lần lượt là 1,4 triệu và 1,5 triệu lao động. Năm nay Bộ LĐTBXH báo cáo đạt 1,5 triệu lao động mới. Về mặt số liệu Chính phủ cần xem xét có nên dùng chỉ tiêu tạo việc làm mới như cách tính thế này hay không.

Về năng suất lao động, theo báo cáo của tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương. Năng suất lao động của chúng ta thấp là đúng. Hiện, 47% lao động của chúng ta trong khu vực nông nghiệp. Mà năng suất lao động khu vực nông nghiệp bằng 1/3 khu vực công nghiệp và bằng 1/4 khu vực dịch vụ ở các nước, tỷ trọng lao động làm trong nông nghiệp rất thấp, nhưng tỷ trọng giá trị nông nghiệp của họ rất cao. Năng suất lao động được ILO tính theo phương pháp tổng GDP chia cho tổng lao động đang làm việc. Chia như vậy thì năng suất lao động của Việt Nam thấp là đương nhiên. Do đó, phương pháp tính năng suất lao động nên tính toán lại để có số liệu cụ thể hơn.

Nhìn chung, qua quá trình đi giám sát thì đời sống của người dân đã từng bước được cải thiện, nhất là ở lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, giao thông. Chúng ta phải tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu không tái cơ cấu lại nguồn nhân lực thì không thể tái cơ cấu được năng suất lao động. Năng suất lao động là một chỉ tiêu hiệu quả, chất lượng để đánh giá năng lực của nền kinh tế.

TS Lê Quốc Phương- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương):
Kinh tế khởi sắc, tạo tiền đề cho 2015

Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2014 đã khởi sắc hơn so với vài năm gần đây, đặc biệt kể từ năm 2011. Mặc dù khó khăn còn nhiều nhưng đã le lói tia hy vọng cho năm tới. Tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến đạt khá hơn. So với những năm gần đây, lần đầu tiên GDP có thể đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. GDP ước tính cả năm tăng trưởng 5,8% (hiện là 5,6%). Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh. Dự kiến cả năm CPI tăng dưới 5% là sự thành công.

Tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm khá tốt, tương đối mạnh. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt được 12- 14%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Nếu như vài năm vừa rồi, tình hình thu ngân sách rất gay go thì năm nay có dấu hiệu tích cực, trong đó có sự góp sức của cộng đồng doanh nghiệp. Sản lượng dầu thô năm nay cũng khai thác nhiều hơn khiến việc thu ngân sách cũng đỡ khó khăn hơn.

Bên cạnh kết quả đạt được thì nền kinh tế cũng còn nhiều thách thức. Bội chi ngân sách còn cao; nợ công rất đáng lo ngại; tổng cầu tăng chậm. Tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm và có dấu hiệu tăng mạnh trong vài tháng cuối năm cũng chưa phải là dấu hiệu bền vững. Thị trường bất động sản có khá hơn nhưng phục hồi chậm. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Thị trường chứng khoán có khởi sắc nhưng vẫn chưa ổn định. Xuất khẩu tuy có tăng nhưng vẫn chủ yếu là gia công, xuất nguyên liệu thô; chủ yếu tập trung vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp phá sản vẫn tiếp tục cao. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa được cải thiện nhiều, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính.

Về kế hoạch năm 2015, tôi cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ với mục tiêu GDP sẽ tăng khoảng 6,2%; tốc độ tăng CPI khoảng 5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%... Để làm được điều này, Việt Nam cần tiếp tục làm mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Tiến trình tái cơ cấu kinh tế cần phải được thực hiện quyết liệt, trong đó có việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sao cho hiệu quả. Nếu không tái cơ cấu kinh tế thì tăng trưởng vẫn cứ ì ạch. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Xuân Phong - XM - Minh Phương (thực hiện)