11:14 02/11/2018

Bên lề Quốc hội: Cơ hội gia nhập thị trường lớn khi tham gia CPTPP

Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tham gia Hiệp định CPTPP sẽ đem lại cơ hội phát triển tốt cho nền kinh tế của Việt Nam; giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều thị trường xuất nhập khẩu.

Cơ hội phát triển tốt cho doanh nghiệp

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, CPTPP góp phần thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tăng mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn và thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển; gia tăng động lực và tốc độ phát triển kinh tế, cũng như thúc đẩy cải cách thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên khi CPTPP mở rộng thành viên.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) khẳng định, CPTPP là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu cho biết, tác động của CPTPP đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam được thể hiện đầu tiên chính là không gian thị trường được mở rộng. Các quốc gia khi tham gia vào Hiệp định này được hưởng mức độ ưu đãi rất cao khi mọi rào cản thuế quan được dỡ bỏ; phần lớn, thuế xuất nhập khẩu vào thị trường trong nước đều bằng 0. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên của CPTPP, đặc biệt trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động đang có lợi thế như dệt may, giày dép, túi xách, nông sản, thuỷ sản....

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ hội nhiều hơn trong việc đa dạng hóa thị trường và đối tác. Các doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn cho việc phát triển, điều này thể hiện rõ trong việc thu hút đầu tư cũng như thuận lợi trong việc nhập khẩu các thiết bị công nghệ cao, có điều kiện tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Một trong những lợi thế quan trọng đối với doanh nghiệp là với nhiều cam kết khi gia nhập CPTPP, Việt Nam sẽ lấy đó là động lực thúc đẩy những cải cách, thể chế trong nước theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn. Theo đại biểu tỉnh Thái Bình, lợi thế đó sẽ tạo ra một hệ sinh thái tốt hơn đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong nước trong tương lai.

Đồng tình với quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Hiệp định này không thuần túy về mặt thương mại. Đó là hiệp định toàn diện và tiến bộ, không chỉ bàn về thuế quan mà còn bàn về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động và đầu tư vào thị trường dịch vụ. Đại biểu khẳng định, Hiệp định CPTPP tiến bộ ở chỗ quan tâm rất nhiều đến doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều đó thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta, phù hợp với tinh thần của hiệp định CPTPP.

"Tôi nghĩ rằng cần cung cấp thông tin nhiều và rộng đến các doanh nghiệp trong nước để họ nhận thấy cơ hội và thách thức khi chúng ta ra nhập vào CPTPP", đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Hiệp định CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), việc gia nhập CPTPP sẽ tạo ra những thách thức lớn, khi các doanh nghiệp trong nước phải đối đầu với sự cạnh tranh gay gắt trên sân nhà. Hiện nay, một số hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có quy mô nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ sản xuất thấp. Những sản phẩm về tài chính không có lợi thế cạnh tranh (như bảo hiểm, logistics...). Khi hàng hóa được nhập khẩu vào thị trường trong nước bởi nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới sẽ tạo ra sự cạnh tranh đặc biệt gay gắt về chất lượng sản phẩm. Ông Vũ Tiến Lộc phân tích, những rào cản về quy tắc xuất xứ như vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sẽ là thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam.

"Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, phải vượt qua được những rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật của những nền kinh tế tham gia vào CPTPP, đó cũng là một thách thức rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam", đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định.

Để tận dụng được cơ hội, vượt qua được thách thức do CPTPP đem lại, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu các nội dung của Hiệp định CPTPP là rất quan trọng trong việc nắm bắt cơ hội hợp tác, đầu tư và tháo gỡ rào cản bởi các quy định của Hiệp định. Theo ông Dương Trung Quốc, thách thức cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tự thay đổi chính mình, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới.

"Vấn đề còn lại là năng lực của chúng ta như thế nào, bước đi ra sao và có giải pháp nào để khắc phục những hạn chế, phát huy thế mạnh để bước vào sân chơi mới", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định, để vượt qua thách thức, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị được tâm thế sẵn sàng; chủ động tìm hiểu kỹ về CPTPP và những thông tin về lộ trình giảm thuế, để có thể hướng vào thị trường nào phù hợp với sản phẩm của mình. Theo đại biểu, việc tổ chức lại sản xuất, đổi mới công nghệ, số hóa các quy trình sản xuất và kinh doanh, cơ cấu loại nguồn nguyên vật liệu và tăng cường liên kết các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị để có thể bảo đảm được giá thành tốt chính là những hoạt động cần làm trong thời gian tới của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia hiến kế cho Chính phủ trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp -  yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp khi gia nhập CPTPP.

Đỗ Bình (TTXVN)