11:07 05/11/2014

Bên lề QH: Tiếp tục vay, lấy gì mà trả?

"Nên thực tế một tí, nợ công nhiều, nếu tiếp tục vay tiếp thì không biết lấy gì mà trả. Chủ trương xây sân bay Long Thành là về lâu dài. Dự án này nên tạm thời dừng, 10 đến 20 năm nữa mới nên đặt ra", đại biểu Trịnh Ngọc Thanh (Hà Nội) nêu ý kiến.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh): Cân nhắc thời điểm đầu tư, xây dựng

Những năm sau này, khi đất nước ta phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì về lâu dài phải có một sân bay nâng tầm khu vực và quốc tế như sân bay Long Thành. Vì vậy, Quốc hội nên đồng ý về mặt chủ trương đầu tư, xây dựng sân bay Long Thành.

Quyết định về chủ trương đầu tư để có kế hoạch và quy hoạch với 5.000 ha dự kiến xây dựng sân bay. Đừng để cho dự án chưa thấy đâu cả, nhưng báo chí đã phản ánh có bao nhiêu dự án xung quanh đấy rồi, đã phân lô, giao bán nền. Nếu không quy hoạch sử dụng đất thì sau này việc đền bù, giải tỏa mặt bằng sẽ trở thành sân bay đắt nhất hành tinh. Bên cạnh đó cũng để sớm ổn định đời sống của người dân ở khu vực này.

Tuy nhiên theo tôi, thời điểm quyết định đầu tư xây dựng ít nhất phải là sau năm 2030, khi chúng ta có của ăn của để rồi. Hiện nay, còn rất nhiều việc cần phải làm như an sinh xã hội, đường sắt, trường học, bệnh viện. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh khiêm nói một câu rất hay là “Biển Đông ngàn dặm dang tay giữ”, mình không chỉ đầu tư phát triển, mà còn phải có những nguồn lực nhất định để đầu tư bảo vệ Tổ quốc, tập trung tiềm lực cho quốc phòng, đánh bắt khai thác hải sản vừa bảo vệ Tổ quốc vừa bảo vệ ngư trường, vừa tăng trưởng kinh tế.


Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội): Nên xã hội hóa nguồn vốn

Bất cứ một dự án nào thì tính khả thi của nó phải phản ánh được hiệu quả kinh tế cũng như tính khả thi về nguồn vốn. Tuy nhiên Chính phủ đưa vấn đề này ra tương đối cấp bách, trong khi dự án chưa nêu được tất cả các vấn đề, đặc biệt là tính khả thi và sử dụng nguồn vốn. Vì vậy Quốc hội nên xem xét kỹ dự án trọng điểm quốc gia này.

Về nguồn vốn, với vị trí của Long Thành mà chúng ta xây dựng dự án tốt sẽ không phải lo nhiều về nguồn vốn nhiều ngân sách. Vì hiện nay riêng về đầu tư ODA thì Nhật Bản xung phong rồi; nhưng việc đầu tư từ ODA cũng gây ra nợ công rất lớn. Nếu xã hội hóa dự án này dưới hình thức đầu tư BT, đặc biệt là hình thức PPP (hợp tác công - tư) thì sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư quốc tế rất cao và khả thi.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội): Nhất trí thông qua về chủ trương

Nếu gắn dự án sân bay quốc tế Long Thành vào trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì không phải riêng tôi mà nhiều đại biểu sẽ nói là không nên xây dựng. Tuy nhiên, nếu như dừng lại không quyết định chủ trương trong thời gian này, thì đương nhiên các cơ quan có thẩm quyền phải lùi lại các công tác khác. Để đến thời điểm kinh tế phục hồi rồi thì sẽ không theo kịp được các nước đâu.

Vì vậy, tôi ủng hộ Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng cảng Hàng không Long Thành. Thông qua về chủ trương để làm cơ sở cho các cơ quan khác tiếp tục thực hiện quy định pháp luật đối với một dự án trọng điểm quốc gia. Vì quyết định chậm thì công tác tiếp theo sẽ chậm, từ đó không bảo đảm lợi thế trong thời gian tới.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội): Tiếp tục vay, lấy gì mà trả?

Nợ công hiện nay là 85 tỷ USD, một người dân đang phải gánh 937 USD. Dự kiến, năm 2016 chúng ta đạt trần nợ công. Vốn cho dự án định vay Chính phủ rồi trả nợ sau; nhưng nếu không triển khai được thì vẫn là Chính phủ chịu chứ ai chịu. Vì vậy nên thực tế một tí, nợ công nhiều, nếu tiếp tục vay tiếp thì không biết lấy gì mà trả.

Chúng ta cũng đừng tính cua trong lỗ với trung chuyển quốc tế vì chúng ta làm sao làm kịp được với Hong Kong (hiện là 800 triệu khách). Hiện nay chúng ta thua tất cả các sân bay xung quanh như sân bay Singapore, Malaysia… Còn nếu nói sân bay nội địa quá tải thì có thể nâng cấp đường sắt lên 160 - 200 km/giờ, như thế sẽ rẻ hơn rất nhiều so với làm đường băng.

Vì vậy chủ trương này là về lâu dài. Dự án này nên tạm thời dừng, 10 đến 20 năm nữa mới nên đặt ra.

Xuân Phong