05:12 28/05/2019

Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV: Khắc phục tình trạng dự án kéo dài, đội vốn

Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, thủ tục quá phức tạp, chưa quy trách nhiệm cho người đứng đầu... là những bất cập trong việc giải ngân cũng như sử dụng vốn đầu tư công.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) để làm rõ hơn vấn đề này.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu tại tổ, sáng 22/5/2019. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tình trạng các dự án đội vốn kéo dài diễn ra đã nhiều năm nhưng vẫn không được khắc phục. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?

Tôi cho rằng cơ quan tư vấn lập các thiết kế đã không làm tốt nhiệm vụ của mình, thậm chí không phải chịu trách nhiệm gì khi có vấn đề xảy ra. Trên thực tế, nhiều đơn vị đã lập ra rất nhiều dự án để hưởng thù lao, còn trong quá trình triển khai nếu có xảy ra vấn đề thì cũng không bị quy trách nhiệm gì.

Hay như, nếu quá trình khảo sát thiết kế không đúng thì rõ ràng sau này các đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát đó phải chịu trách nhiệm. Còn nếu như đưa ra các phương án tư vấn thiết kế tốt nhưng người phê duyệt dự án lại chọn phương án khác mà phương án đó sau này phát sinh thì cơ quan đơn vị chọn phương án thiết kế đó phải chịu trách nhiệm. Và nếu như thiết kế đúng, khảo sát đúng, phê duyệt dự án đúng nhưng quá trình thi công lại phát sinh thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm.

Một vấn đề nữa là, cần phải cho các nhà thầu được tham gia vào quá trình khảo sát các phương án triển khai, để từ đó nhà thầu có thể lường trước và có các phương án hạn chế tối đa những thay đổi, phát sinh... khi triển khai dự án.

Nếu làm tốt các việc đó, tôi cho rằng việc phải điều chỉnh các dự án sẽ ít đi nhiều. Nếu để xảy ra tại khâu nào thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Việc không quy trách nhiệm như ông vừa nói liệu có phải là kẽ hở trong pháp luật hiện nay?

Rõ ràng, đó là lỗ hổng lớn nhất khi không truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng này. Chính vì vậy, những cơ quan tư vấn, thậm chí cơ quan phê duyệt cứ làm cho xong để có dự án xếp hàng được nhận vốn. Thậm chí, những cơ quan này còn đưa ra thiết kế rất nhanh và có thể ứng vốn ban đầu thấp để dự án được phê duyệt một cách nhanh nhất. Tôi cho rằng, đây là lỗ hổng lớn nhất trong hệ thống pháp luật.

Thực tế, đã có một số công trình giao thông sử dụng vốn ODA bị đội vốn cao gấp nhiều lần so với dự kiến. Ông nhìn nhận vấn đề này như nào?

Theo tôi, hạn chế, nhược điểm trong các dự án sử dụng vốn ODA, đặc biệt là ODA song phương thường có tình trạng đội vốn do quá trình khảo sát ban đầu không kỹ dẫn đến thi công phát sinh và phải điều chỉnh. Việc này không chỉ làm cho vốn tăng lên mà còn khiến thời gian hoàn thành dự án kéo dài và không được đưa vào sử dụng theo kế hoạch.

Nguyên nhân rất cơ bản của tình trạng này do trong quá trình xây dựng các dự án thường không có sự chủ động của đơn vị sử dụng vốn mà phụ thuộc quá nhiều vào đối tác cung cấp vốn. Và trong các hợp đồng ký kết, nhà cung cấp vốn thường có những điều khoản bất lợi về phía chúng ta.

Ví dụ, khi nhận các nguồn vốn ODA song phương thì kèm theo đó là những điều kiện bất lợi như: nhà thầu, thường phải đấu thầu cho các nước trong giới hạn của đơn vị cấp vốn; rồi sử dụng thiết bị kỹ thuật, nguyên vật liệu của những nước đó bán cho mình, thậm chí phải sử dụng đội ngũ chuyên gia của nước đó với chi phí rất cao. Tất cả những yếu tố đó làm cho những dự án ODA vay với mức lãi suất có vẻ thấp nhưng tổng chi phí lại trở thành cao.

Theo ông, cần phải làm gì để tránh được các điều khoản bất lợi khi đi vay vốn ODA?

Việc phải huy động vốn ODA là việc rất cần thiết vì chúng ta đang trong quá trình thiếu vốn và cần đầu tư nhiều. Do đó, cần phải thay đổi cách thức, trước hết là phải tăng vai trò và trách nhiệm của những đơn vị nhận vốn ODA, tránh tình trạng nhận được vốn rồi thì không quan tâm đến việc sử dụng đồng vốn đó có hiệu quả hay không.

Như vậy, trong quy định phải tăng phần tự vay, tự trả chứ không phải nhận vốn xong, còn trách nhiệm trả thuộc về Nhà nước. Khi tăng phần tự vay, tự trả thì những đơn vị nhận vốn sẽ có trách nhiệm hơn trong việc thiết kế các dự án, thỏa thuận các điều khoản để làm sao ít bất lợi nhất cho người sử dụng vốn.

Bên cạnh đó, đối với những dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện 100% Nhà nước phải tự vay, tự trả phải tăng cường vai trò của những cơ quan trong nước trong việc thiết kế các dự án để giành quyền chủ động hơn. Từ đó, có thể đưa ra những thiết kế chính xác, không có sự sai lệch trong quá trình triển khai, đặc biệt là quá trình thỏa thuận những điều khoản vay vốn, tránh việc lệ thuộc vào điều khoản bất lợi như thời gian vừa qua.

Theo ông, Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này cần phải sửa đổi như nào để khắc phục những hạn chế hiện nay?

Tôi cho rằng, Luật Đầu tư công (sửa đổi) cần phải xác định rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị khi sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải đơn giản hoá các khâu trong quy trình thực hiện dự án, bởi hiện nay khâu này có nhiều điểm quá phức tạp.

Ngoài ra, việc lựa chọn dự án nào sẵn sàng đưa vào để giải ngân cũng là một vấn đề cần phải tính đến, bởi hiện nay có nhiều dự án đã được phê duyệt, được cấp vốn rồi nhưng không giải ngân được. Do đó, phải thay đổi quy trình lựa chọn các dự án đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Thành Trung (TTXVN (Thực hiện))