06:15 01/06/2018

Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV: Giải pháp điều chỉnh Luật Quy hoạch

Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh Luật Quy hoạch thời điểm này là cấp thiết nhưng cần tính đến các giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Cần thiết phải điều chỉnh

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: Điều chỉnh Luật Quy hoạch lúc này là một sự cấp thiết bởi từ trước đến nay, lộ trình quy hoạch còn mang tính chất vụn vặt, thậm chí chưa gắn kết được với các lĩnh vực. “Trên góc độ quy hoạch nói chung, chúng ta chưa tìm được một tiếng nói liên hợp của tất cả các lĩnh vực, các dự án luật, trong đó quy hoạch được đặt là vấn đề trọng yếu”, đại biểu Khuê nói.

Theo đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, trong thực tiễn, có những quy hoạch chung được lập ra chồng chéo với các quy hoạch riêng lẻ, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành gây nên tình trạng “quy hoạch đè trên quy hoạch”, chưa thể hiện gắn kết chung. Từ đó, quy hoạch trong thực tiễn đã vướng phải những khó khăn và là bước phát sinh cho các yếu tố: “Xin, cho, bẩm, báo”, thậm chí có những quy hoạch vô tình tự triệt tiêu, không tạo ra đòn bẩy cho gắn kết của các lĩnh vực.

Đại biểu cho rằng, điều cơ bản nhất Luật Quy hoạch cần giải quyết hiện nay là điều chỉnh quy hoạch cần nhìn trên phương diện quản lý quy hoạch một cách khoa học, thể hiện được sự gắn kết, phối hợp để đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, quy hoạch phải là chìa khóa cho bước phát triển tiếp theo của vùng, ngành, lĩnh vực.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Báo Tin tức

Đảm bảo quy hoạch ổn định, lâu dài

Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Luật Quy hoạch ra đời phải là luật gốc của tất cả các loại quy hoạch; với các nguyên tắc: đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tính ổn định, bền vững, cùng với đó đảm bảo có thứ bậc trong quy hoạch, từ cấp quốc gia, ngành, vùng, tỉnh.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, trong Luật Quy hoạch có nội dung quy hoạch tỉnh. Trong nội hàm về quy hoạch tỉnh cũng tích hợp cả các quy hoạch mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Việc này sẽ dẫn đến sự chồng chéo, lãng phí tiền của, thậm chí không triển khai trong thực tiễn được.

Về vấn đề tình trạng điều chỉnh quy hoạch phổ biến hiện nay, đại biểu cho rằng, trong Luật Quy hoạch còn quy định vấn đề điều chỉnh quy hoạch mang tính chất định lượng, “Khi nào được điều chỉnh, căn cứ vào tiêu chí nào. Đưa ra khái niệm “ảnh hưởng không lớn”, vậy nhưng thế nào là không lớn?”, đại biểu Sinh nói.

Đại biểu cho rằng, vì có nội dung điều chỉnh quy hoạch trong Luật có tính chất định lượng như vậy dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch một cách không có căn cứ, thậm chí có lợi ích nhóm cho việc đó, điều chỉnh quy hoạch méo mó, đường sá giao thông tắc, trẻ em không có trường học, không có chỗ vui chơi. Đại biểu đề nghị, cần xem lại công tác quản lý quy hoạch khi xây dựng quy hoạch. Bên cạnh đó, điều chỉnh quy hoạch cần có tiêu chí, đặc biệt là không được ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và nền sản xuất của xã hội.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu một số ví dụ về quy hoạch cụ thể ở phường Thống Nhất, thành phố Đồng Nai; Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh; Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội và cho rằng, việc quy trách nhiệm và chế tài xử phạt đã được quy định rõ trong Luật Quy hoạch. Chắc chắn pháp luật phải dần dần đi vào điều chỉnh từ những hành vi cụ thể để đảm bảo quy hoạch ổn định, lâu dài- đại biểu nêu.

Thu Phương (TTXVN)