01:16 10/01/2019

Bế mạc Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 10/1, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. Ảnh: Trọng Đức /TTXVN

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau một ngày làm việc nghiêm túc, xem xét kỹ lưỡng những nội dung phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 30. Đây là phiên họp đầu tiên để triển khai chương trình công tác năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đồng thời hoàn thiện 3 dự thảo nghị quyết để ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 chỉ còn hơn 1 tuần chuẩn bị cho Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến trong hai ngày là 20-21/2/2019), sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên họp thứ 32 (dự kiến từ ngày 11-15/3/2019), với rất nhiều nội dung quan trọng cần nghiên cứu sâu, xem xét kỹ lưỡng. 

Thời gian chuẩn bị cho hai phiên họp này ngắn, vì vậy Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai những công việc theo kế hoạch, tránh chậm trễ trong việc chuẩn bị các nội dung của phiên họp hoặc phải rút nội dung ra để dồn phiên họp sát vào kỳ họp của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội theo dõi đôn đốc việc chuẩn bị, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung cho phiên họp tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã đi qua hơn nửa chặng đường với nhiều kết quả ấn tượng. Để góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ của năm 2019, yêu cầu cần phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là tồn tại về tiến độ gửi báo cáo và chất lượng chuẩn bị cho các nội dung; nỗ lực cải tiến cách thức chuẩn bị và tiến hành để đảm bảo rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả phiên họp. Mỗi phiên họp tiến hành không quá 5 ngày.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh địa giới hành chính hai xã của huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.

Việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2.  Xã Thường Thới Tiền hiện là trung tâm huyện lỵ của huyện Hồng Ngự với tiềm năng và vị trí thuận lợi về giao thông thủy bộ cấp quốc gia và quốc tế, khu vực đô thị xã Thường Thới Tiền cũng là đô thị trung tâm huyện Hồng Ngự. Xã Thường Phước 2 là xã thuần nông nhưng có một phần đất tiếp giáp khu hành chính huyện Hồng Ngự (thuộc xã Thường Thới Tiền).

Theo Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đối chiếu với các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp phù hợp với Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Đồng Tháp; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền thị trấn, phát huy vai trò là đô thị trung tâm của huyện Hồng Ngự, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo quy hoạch được phê duyệt.

Sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương gồm sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Kênh Giang với toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Văn Đức.

Sáu phường thuộc thị xã Chí Linh được thành lập gồm: Thành lập phường Hoàng Tiến thuộc thị xã Chí Linh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hoàng Tiến; thành lập phường An Lạc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã An Lạc; thành lập phường Đồng Lạc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Đồng Lạc; thành lập phường Tân Dân trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Dân; thành lập phường Cổ Thành trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Cổ Thành; thành lập phường Văn Đức trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Văn Đức (sau khi đã sáp nhập xã Kênh Giang vào Văn Đức); thành lập thành phố Chí Linh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của thị xã Chí Linh.

Sau khi sáp nhập hai xã, thành lập sáu phường và thành lập thành phố Chí Linh, thành phố Chí Linh có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường và 5 xã. Tỉnh Hải Dương có 12 đơn vị hành chính cấp huyện và  2 thành phố; 264 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 220 xã, 31 phường và 13 thị trấn.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)