10:07 17/10/2012

Bế mạc ngày hội vùng dân tộc Chăm

Tối 16/10, tại Khu di tích tháp PôKlong Girai, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ bế mạc “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận 2012”...

Tối 16/10, tại Khu di tích tháp PôKlong Girai, tỉnh Ninh Thuận đã diễn ra Lễ bế mạc “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận 2012”.

Trong 5 ngày, từ 12 đến 16/10 các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi. Hơn 800 nghệ nhân, diễn viên, tuyên truyền viên, huấn luyện viên và vận động viên là người dân tộc Chăm của 6 tỉnh, thành phố tham gia các hoạt động tại Ngày hội.

Các hoạt động diễn ra xuyên suốt trong Ngày hội gồm: Liên hoan tuyên truyền, trưng bày giới thiệu sách; Chiếu phim tư liệu về văn hóa Chăm; Triển lãm đặc sắc văn hóa vùng đồng bào Chăm; Triển lãm đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam; Triển lãm ảnh cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Liên hoan nghệ thuật và trình diễn trang phục dân tộc Chăm; Hội thảo "Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Chăm trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế"; Thi đấu các môn thể thao và tham gia Chương trình du lịch, tham dự Lễ hội Ka Tê của đồng bào Chăm Bàla môn tại Ninh Thuận...


Biểu diễn nghệ thuật Chăm tại lễ bế mạc. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN



Các tỉnh, thành tham gia Ngày hội còn tổ chức các gian hàng, giới thiệu các sản phẩm là hình ảnh, hiện vật và các món ăn truyền thống mang tính đặc trưng riêng của cộng đồng người Chăm ở địa phương

Các giá trị văn hóa được các dân tộc Chăm đến từ mọi miền của Tổ quốc đưa đến Ngày hội thật đặc sắc, tái hiện đầy đủ và lan tỏa sâu rộng trong không gian văn hóa Chăm, với tiếng kèn Saranai réo rắt, tiếng trống Baranưng bập bùng, các điệu múa truyền thống, sắc màu cùng trang phục đặc sắc của các nghệ sỹ chuyên nghiệp, không chuyên; các trò chơi dân gian sống động, cùng sự khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân nghề dệt, nghề gốm đặc trưng, một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc và không kém phần huyền bí đã được giới thiệu đến công chúng.

Đây không chỉ là dịp để giao lưu, tăng cường tình đoàn kết, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, quảng bá, giới thiệu về dân tộc Chăm, mà còn là dịp để có thêm những nghiên cứu, hoạt động thiết thực, góp phần chăm lo đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm.

Các lễ hội đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, lao động sản xuất được duy trì, phát huy trong cộng đồng. Diện mạo đời sống văn hóa, kinh tế tại các làng Chăm đã có những chuyển biến tích cực, hòa nhịp cùng với sự phát triển của đất nước. Các hoạt động Lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, trang trọng, vui tươi và để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân và đông đảo du khách.


Đức Ánh