07:07 14/07/2014

Bê bối an toàn thực phẩm Trung Quốc - Kỳ 1: Từ dầu bẩn tới sữa độc

Trong những năm gần đây, số vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm gia tăng chóng mặt ở Trung Quốc. Dường như ngày nào cũng có thể tìm thấy các vụ bê bối thực phẩm trên báo chí, không lớn thì nhỏ.

Trong những năm gần đây, số vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm gia tăng chóng mặt ở Trung Quốc. Dường như ngày nào cũng có thể tìm thấy các vụ bê bối thực phẩm trên báo chí, không lớn thì nhỏ. Vì lợi nhuận, không chỉ những người buôn bán làm ăn nhỏ lẻ mà một số tập đoàn xuất khẩu sản phẩm ra thế giới cũng làm ra các sản phẩm độc hại, coi thường sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

 

Kỳ 1: Từ dầu bẩn tới sữa độc

 

Người Việt Nam thường nói “ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây” để thể hiện sự ngưỡng mộ với đồ ăn Trung Quốc. Nhưng giờ đây, chắc chắn người nước ngoài khi đến Trung Quốc sẽ phải đắn đo khi hàng ngày đọc trên báo chí những thông tin cho thấy rất có thể một bữa cơm sẽ bao gồm những thứ không nhiễm độc thì bị làm giả: gạo nhiễm độc, thịt bò giả, trứng gà giả, giá đỗ nhiễm độc, bánh nhuộm màu, dầu ăn bẩn, thịt lợn phát sáng, sữa bẩn…
Thậm chí, một số người làm trong nghề kinh doanh nhà hàng ăn uống ở Trung Quốc còn dùng mọi thủ đoạn để thu lãi cao nhất, như dùng nguyên vật liệu rẻ tiền trong chế biến đồ ăn, thức uống bán cho người tiêu dùng. Một trong những vụ bê bối “bẩn thỉu” nhất, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, là vụ dùng dầu ăn bẩn được lấy từ cống rãnh để xào nấu thức ăn.

 

Một cơ sở sản xuất dầu bẩn ở Trung Quốc.


Vụ dầu ăn bẩn bị phanh phui đầu tiên ở Trung Quốc là vào năm 2000, khi một người bán rong trên đường phố bị phát hiện bán dầu ăn lấy từ các cống rãnh rác thải của nhà hàng. Về sau, một loạt vụ tương tự bị phóng viên phát hiện. Truyền thông chính thống và chính quyền bao biện rằng đó chỉ là những vụ “nhỏ lẻ”, liên quan đến một số xưởng sản xuất nhỏ và phi pháp. Tuy nhiên, sự thật không phải thế. Lọc dầu ăn từ cống rãnh nước thải đã trở thành một ngành công nghiệp dầu bẩn quy mô lớn. Trong các vụ trên, công an các tỉnh như Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam đã phát hiện ra nhiều địa điểm bốc mùi dùng để lọc dầu ăn bẩn ẩn sâu trong rừng. Họ đã tập tan được một mạng lưới lọc dầu ăn bẩn và bán lẻ trên khắp 14 tỉnh.


Chủ các cơ sở sản xuất dầu bẩn thú nhận mua chất thải trong bếp ăn các nhà hàng và “tinh lọc” dầu ăn bằng cách vớt váng dầu nổi lên trên. Điều tra thêm từ các vụ nhỏ lẻ, công an đã lần tới được các công ty sản xuất quy mô lớn. Các nhà máy sản xuất dầu bẩn quy mô có thể bán từ 400 đến 500 tấn dầu bẩn mỗi tháng, có khi lên tới 700-800 tấn vào thời gian cao điểm. Với số lượng dầu bẩn khổng lồ như vậy, người ta không khỏi rùng mình khi nghĩ đến số lượng người ăn phải các món ăn nấu bằng loại dầu cặn bã này.


Sở dĩ tiểu thương Trung Quốc bán dầu ăn bẩn do nó được các nhà hàng mua khá nhiều vì giá thành rẻ. Dầu ăn bẩn có giá từ 895 đến 937 USD mỗi tấn. Trong khi nếu mua dầu ăn tử tế, họ có thể tốn tới 1.560 USD. Mờ mắt trước khoản lợi nhuận, các nhà hàng cứ điềm nhiên xài dầu ăn bẩn, còn sức khỏe của người tiêu dùng thì “sống chết mặc bay”. Ước tính, cứ 10 bữa ăn tại các nhà hàng xoàng xĩnh và các quán ăn đường phố rẻ tiền ở Trung Quốc thì có một bữa ăn được nấu bằng dầu bẩn.


Sở dĩ, các nhà hàng ngang nhiên dùng dầu ăn bẩn là vì nhìn bằng mắt thường, khó ai có thể phân biệt được đâu là dầu bẩn, dầu sạch. Kể cả khi mang dầu đi xét nghiệm các chỉ số cũng khó mà phát hiện ra, điều đó cho thấy thủ đoạn của những gian thương này tinh vi đến mức độ nào.


Vậy dầu bẩn này nguy hiểm thế nào? Tất nhiên là nó rất độc, có thể gây tiêu chảy và đau bụng. Ăn dầu bẩn lâu dài có thể bị ung thư gan và dạ dày cũng như gây chậm phát triển cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Xét nghiệm một số mẫu dầu bẩn cho thấy có chất Polycyclic aromatic hydrocarbon (PAH), một chất gây ô nhiễm hữu cơ nguy hiểm có thể gây ung thư nếu dùng lâu dài. Dầu bẩn cũng chứa cả Aflatoxins, một hợp chất có khả năng gây ung thư cao. Các bác sĩ cho biết dầu thực vật và động vật trong dầu bẩn sẽ bị ôi, ô xy hóa và phân hủy, sản sinh ra các chất độc khác như asen. Dầu bẩn sẽ gây chướng bụng khó tiêu, mất ngủ và nhiều triệu chứng khác.


Ngoài các vụ bê bối thực phẩm kể trên mà dầu ăn bẩn là một điển hình khiến dư luận Trung Quốc chấn động, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn của Trung Quốc còn coi thường cả tính mạng của trẻ em khi sản xuất sữa bột công thức trộn melamine để tăng độ đạm. Vụ sữa nhiễm melamine phanh phui năm 2008 đã khiến cả thế giới bàng hoàng.


Ngày 10/9/2008, xuất hiện thông tin 14 trẻ em bị bệnh ở tỉnh Cam Túc trong giai đoạn hai tháng trước đó. Tất cả đều uống cùng một nhãn hiệu sữa của tập đoàn Tam Lộc. Hai ngày sau, tập đoàn này thừa nhận sữa bột công thức của mình có hóa chất công nghiệp độc hại melamine. Dây chuyền sản xuất bị ngừng lại. 19 người bị bắt, Phó chủ tịch Tam Lộc đã phải xin lỗi người dân.


Không chỉ Tam Lộc, 22 công ty sản xuất các loại sữa cũng dùng melamine trong sản phẩm. Tổng cộng 53.000 trẻ nhỏ đã bị mắc bệnh do uống sữa nhiễm melamine, số trẻ bị chết lên tới 6. Đến ngày 21/10/2008, gần 6.000 trẻ vẫn phải nằm viện trên khắp Trung Quốc do bị các bệnh liên quan đến thận. Thậm chí, 1.500 con chó nuôi lấy lông ở một trang trại Trung Quốc cũng chết vì suy thận sau khi được cho ăn thức ăn nhiễm melamine. Tam Lộc đã phải bồi thường cho 300.000 người bị ảnh hưởng và tuyên bố phá sản.


Nguyên nhân vụ sữa nhiễm bẩn xảy ra bắt nguồn từ tăng trưởng ngành sữa nhanh chóng nhưng không bền vững. Khi nhu cầu sữa tăng vọt, ngành sữa phải vật lộn để kịp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Họ mua sữa theo một hệ thống cung ứng sữa yếu kém và nghiệp dư từ hàng ngàn nông dân quy mô nhỏ. Những nông dân này vì lợi nhuận đã dùng thức ăn chăn nuôi chất lượng thấp để nuôi bò. Họ bán sữa thông qua các thương lái tự do không bị kiểm soát. Hệ thống cung ứng này bị ví là “hệ thống nông trại thời trung cổ” trong thế kỷ 21.


Khi buộc phải sản xuất nhiều sữa, các công ty đã gây áp lực cho toàn hệ thống của mình, buộc phải sản xuất nhiều sữa hơn với giá rẻ hơn. Tam Lộc và nhiều công ty khác đã trộn thêm melamine vào sữa để tăng độ đạm mà giá thành lại rẻ hơn nhiều so với đạm thật, bất chấp melamine bị coi là “sát thủ” của thận.


Kể từ sau vụ sữa melamine, hầu như năm nào Trung Quốc cũng xảy ra các vụ bê bối thực phẩm với nhiều mức độ khác nhau. Giờ đây, nhắc đến truyền thống ẩm thực, nhiều người Trung Quốc đã không còn dám tự hào nữa. Thay vào đó, họ gần như đã mất niềm tin vào ngành thực phẩm trong nước.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Người Trung Quốc tẩy chay hàng nội