10:18 13/10/2016

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Tranh luận hay “tranh loạn”?

Bê bối tình dục. Đe dọa tống tù. Thù hằn. Quỷ dữ. Khó có thể hình dung những thứ đó lại xuất hiện trong một cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống Mỹ. Trong thực tế, nó đã xuất hiện và dù sự xuất hiện đó ai cũng biết trước nhưng không thể tránh khỏi cơn sốc.

Có thể nói hai ngày cuối tuần qua là những ngày bùng nổ nhất trong lịch sử chính trường Mỹ. Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump bị người ta “khai quật” những bình luận tục tĩu về phụ nữ trong các đoạn ghi âm bị rò rỉ, gây ra một làn sóng công kích từ các nghị sĩ Cộng hòa, đồng thời dọn sẵn đường cho đối thủ là ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton công kích. Bản thân bà Clinton cũng bước vào cuộc tranh luận thứ hai với một vụ rò rỉ thư từ bí mật của giám đốc chiến dịch tranh cử.

Căng thẳng giữa hai ứng cử viên xuất hiện ngay từ giây phút đầu tiên khi hai ứng cử viên không bắt tay nhau như lần trước. Các tranh luận về chính sách giữa hai ứng cử viên thường xuyên bị bẻ lái thành các cuộc công kích cá nhân. Sở dĩ ông Trump phải chớp từng cơ hội để công kích đối thủ là vì muốn làm cử tri quên đi những đoạn ghi âm được báo The Washington Post công bố trước đó. Trong đó, ông Trump đã khoe khoang với người dẫn chương trình “Access Hollywood” Billy Bush rằng ông có thể “cưỡng hôn” phụ nữ, sờ mó chỗ kín của họ vì ông là người nổi tiếng.

Bà Clinton và ông Trump tranh luận lần hai tại St. Louis, Missouri ngày 9/10.
Ảnh: THX/ TTXVN

Và ông Trump cần một điều gì đó để che giấu sự bẽ mặt khi những gì ông đã nói vào năm 2005 bỗng nhiên phản lại ông. Nếu ông bị sa vào bê bối tình dục, ông cũng sẽ kéo đối thủ xuống vũng lầy đó. Ông quyết định mang lại chuyện năm 1998, những ngày đầu tiên của vụ bê bối giữa Monica Lewinsky và chồng bà Clinton khi đó là Tổng thống Bill Clinton. Ông đã mời hẳn ba phụ nữ từng cáo buộc ông Bill tấn công tình dục ngồi lên hàng ghế đầu để xem cuộc tranh luận.

Theo nhiều chuyên gia, nhà phân tích, giây phút đáng được gọi là “bom hạt nhân nổ trên chính trường Mỹ” là khi ông Trump gọi bà Clinton là “quỷ dữ”, một người tâm trí chứa đầy sự thù hằn và nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ chỉ định công tố viên điều tra, tống giam bà. Bà Nicole Hemmer, giáo sư trợ giảng tại Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia, nhận định cuộc tranh luận đêm 9/10 không thể được gọi là tranh luận khi mà một ứng cử viên thề bỏ tù đối thủ nếu thắng cử. Bà nói: “Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một cuộc tấn công gay gắt như vậy không chỉ đối với một ứng cử viên mà đối với cả nhà nước pháp quyền”.

Ông Jim Jacobs, giáo sư luật thuộc Đại học New York, nhận định: “Đó là điều trái ngược với phương thức hoạt động của Bộ Tư pháp. Việc tổng thống gọi điện cho Bộ trưởng Tư pháp để yêu cầu điều tra một người nào đó là trái luật. Tôi chưa bao giờ thấy tổng thống nào làm vậy. Hoặc nếu điều này từng xảy ra thì đó hẳn là một bê bối”.

Tất cả những điều này đều không bình thường, nếu không muốn nói là chưa từng xảy ra trong lịch sử tranh luận tổng thống Mỹ. Điều bình thường là phản ứng của bà Clinton trước “mồi nhử” của ông Trump, đó là không cắn câu, vẫn thể hiện thái độ nồng ấm với khán giả và nhắc lại chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, khi một điều bình thường được đặt cạnh một điều không bình thường, cả cuộc tranh luận vẫn toát lên sự kỳ cục, giống như toàn bộ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ từ đầu năm tới nay.

Sau khi xem toàn bộ màn tranh luận, người ta có thể thấy hơn 90 phút đó chỉ là cuộc “tranh loạn” giữa hai ứng viên mà đáng lẽ ra, họ phải để tâm tới những lo ngại thực sự của cử tri, chứ không chỉ lo công kích cá nhân đối thủ. Mặc dù hai bên cũng có những trao đổi về các vấn đề nghiêm túc như đạo luật chăm sóc sức khỏe, vấn đề Syria nhưng thứ đọng lại trong người xem chỉ là những điều xấu xí.

Có người nhận định mùa bầu cử Mỹ năm nay giống như một vở kịch dài kỳ trên truyền hình. Có người chỉ mong chiến dịch tranh cử mau chóng kết thúc để tất cả có thể bắt đầu hàn gắn, hòa thuận với nhau như một đất nước đoàn kết.

Giây phút nhân văn và đẹp đẽ nhất trong cuộc tranh luận lại không phải do hai ứng cử viên tạo ra. Giây phút đó thuộc về một khán giả tên Karl Becker - người đã đề nghị từng ứng cử viên nói một điều gì đó tốt đẹp về đối phương. Đề nghị này đã khiến cả ông Trump và bà Clinton không giấu nổi sự ngần ngại lúc đầu, như thể họ có nghĩ nát óc cũng không biết đối phương có điểm gì tốt đẹp trong mắt họ. Dẫu vậy, bà Clinton đã trả lời trước, nói rằng bà tôn trọng các con của ông Trump, còn ông Trump cho biết ông tôn trọng bà Clinton ở chỗ bà là một đấu sĩ, không bao giờ từ bỏ.

Chính câu hỏi tích cực đó đã khiến cho màn “tranh loạn” của hai ứng cử viên có một cái kết tốt đẹp bất ngờ và người ta cho rằng Karl Becker mới là người thắng cuộc.
Thùy Dương