04:11 04/04/2014

Bầu cử Tổng thống Afghanistan và các ứng cử viên sáng giá

Bất cứ ai trở thành Tổng thống Afghanistan sau cuộc bầu cử sắp tới, đều phải gánh trọng trách nặng nề trong việc ổn định tình hình và duy trì hòa bình trong thời điểm quá độ sau khi phương Tây rút quân.

Bất chấp bạo lực tiếp tục leo thang, Afghanistan vẫn quyết tâm tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống theo lịch vào ngày 5/4. Khoảng 11 triệu công dân Afghanistan đủ điều kiện đi bầu Tổng thống – cuộc bầu cử quan trọng nhất tại đất nước này kể từ khi chính quyền Taliban bị đánh đổ năm 2001 – song ước tính số cử tri đi bỏ phiếu chắc chỉ nhiều hơn con số 4,6 triệu trong cuộc bầu cử năm 2009, bởi những lo sợ về an ninh tại các điểm bỏ phiếu.


Có 8 ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Afghanistan, song có 3 ứng cử viên sau đây được cho là sáng giá hơn cả:


Ông Abdullah Abdullah.


Tiến sĩ Abdullah Abdullah sinh năm 1960, vốn là ngoại trưởng trong chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai, song đã từ chức năm 2005, do bất đồng. Bốn năm sau, ông Abdullah dấy lên chiến dịch chính trị chống lại ông Karzai trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2009. Sau đó, ông rút khỏi cuộc bầu cử vòng hai, lên tiếng khiếu nại về sự gian lận trong bầu cử.


Ông Abdullah ủng hộ việc Mỹ tiếp tục giúp Afghanistan đào tạo lực lượng an ninh và chống khủng bố. Tuy nhiên, vì không thuộc cộng đồng đa số người Pashtun, nên ông Abdullah cần phải giành được thắng lợi ngay trong vòng đầu, nếu không sắc tộc Pashtun sẽ đoàn kết ủng hộ ứng cử viên người Pashtun trong vòng bầu cử tiếp theo.


Ứng cử viên Ashraf Ghani Ahmadzai.


Ứng cử viên Ashraf Ghani Ahmadzai, sinh năm 1949, hiện là Hiệu trưởng trường đại học tổng hợp Kabul. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường đại học Columbia (Mỹ) và từng làm Cố vấn về chính sách kinh tế tại Ngân hàng thế giới (WB). Được nuôi dưỡng và trưởng thành trong một gia đình người Pashtun có ảnh hưởng tại Afghanistan, Tiến sĩ Ghani đã làm Cố vấn đặc biệt cho Phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc và sau đó làm Bộ trưởng Tài chính trong Chính phủ của Tổng thống Karzai từ tháng 6/2002-12/2004. Tuy nhiên, ông bị cáo buộc lạm dụng quyền con người và vi phạm tội ác chiến tranh dọc các ranh giới sắc tộc tại Afghanistan trong những thập niên qua.


Tiến sĩ Zalmai Rassoul, sinh năm 1942, cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Karzai song cũng là đối thủ đáng gờm của ông. Tuy nhiên, Tổng thống Karzai vẫn ủng hộ ứng cử viên Rassoul với hy vọng sẽ có một người kế nhiệm triển vọng.Ông Rassoul là một trong số ít quan chức thuộc nội các của Tổng thống Karzai không vướng vào các cáo buộc tham nhũng. Tháng trước, ứng cử viên Qayum Karzai (anh trai Tổng thống Karzai) đã rút lui khỏi cuộc đua và kêu gọi những người ủng hộ bỏ phiếu cho Tiến sĩ Rassoul. Thuộc sắc tộc người Pashtun, song không kết hôn, ông Rassoul được coi là trường hợp “bất thường” ở Afghanistan.


Tiến sĩ Zalmai Rassoul.


Mô hình bầu cử Tổng thống tại Afghanistan giống như của Pháp, thường diễn ra hai vòng. Nếu không ứng cử viên nào đạt hơn 50% số phiếu bầu, cuộc bầu cử vòng hai sẽ được tổ chức cho hai ứng cử viên hàng đầu ganh đua tiếp. Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng 5 và Tổng thống Hamid Karzai sẽ chính thức từ chức. Nhiều nhà quan sát cho rằng đất nước Afghanistan sẽ có tân Tổng thống sớm nhất là vào tháng 7 hoặc tháng 8.


Theo giới phân tích, bất cứ ai trở thành Tổng thống Afghanistan sau cuộc bầu cử sắp tới, đều phải gánh trọng trách nặng nề trong việc ổn định tình hình và duy trì hòa bình trong thời điểm quá độ sau khi phương Tây rút quân.


Trong 6 tháng đầu năm 2013, hơn 1.300 người Afghanistan đã thiệt mạng và hơn 2.500 người bị thương trong các cuộc tấn công do các nhóm chống đối Chính phủ, đặc biệt là do Taliban tiến hành.Trong những tháng đầu năm nay, các cuộc tấn công liên quan đến chiến dịch bầu cử càng gia tăng. Phục hồi kinh tế, tiếp tục tái thiết đất nước sau những thập niên chiến tranh liên minh là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Trong khi đó, tệ nạn ma túy đang góp phần gây bất ổn tại Afghanistan. Bất chấp những nỗ lực ngăn chặn và phá bỏ, tổng diện tích trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan trong năm 2012 ước tính lên tới 154.000 hécta, tăng 18% so với năm 2011.



Minh Lý (P/v TTXVN tại New Delhi)