04:22 04/04/2012

Bầu cử Quốc hội Hy Lạp: Kinh tế quyết định chính trị

Vũ đài chính trị Hy Lạp đang được kỳ vọng sẽ có những đổi mới sau cuộc tổng tuyển cử sớm diễn ra vào ngày 8/4/2012. Tuy nhiên, sự "đổi mới” sau sự kiện chính trị này sẽ đưa Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay hay sẽ càng làm cho những xáo trộn xã hội trở nên sâu sắc hơn?...

Vũ đài chính trị Hy Lạp đang được kỳ vọng sẽ có những đổi mới sau cuộc tổng tuyển cử sớm diễn ra vào ngày 8/4/2012. Tuy nhiên, sự "đổi mới” sau sự kiện chính trị này sẽ đưa Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay hay sẽ càng làm cho những xáo trộn xã hội trở nên sâu sắc hơn? Với các nhà phân tích, “kịch bản tiêu cực” vẫn là đáp án được nhiều điểm hơn.

Kinh tế lao đao

Thỏa thuận hoán đổi nợ với các chủ nợ tư nhân giúp Hy Lạp giảm được 100 tỷ euro trong núi nợ khổng lồ trị giá hơn 350 tỷ euro cùng gói cứu trợ chung thứ hai trị giá 130 tỷ euro (170 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn được dự báo chưa đủ “mạnh” để đưa nền kinh tế kiệt quệ này thoát khỏi tình cảnh vỡ nợ.

Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối các chính sách "thắt lưng buộc bụng" , tại Aten ngày 20/3/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tất nhiên, không thể phủ nhận sự hỗ trợ về tài chính từ các chủ nợ trong và ngoài nước đã giúp Aten đẩy lùi những khó khăn kinh tế, thậm chí tránh được nguy cơ phá sản. Song, vấn đề của Hy Lạp hiện nay là tăng trưởng kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, Hy Lạp phải ổn định được hệ thống tài chính quốc gia, giảm thiểu nguy cơ gây tổn hại tới nền kinh tế của toàn châu Âu. Lý thuyết là vậy, song người ta lo ngại rằng Hy Lạp trong nhiều năm tới sẽ không thể vay thêm được tiền để ổn định kinh tế đi đến tăng trưởng mà chỉ hoàn toàn lệ thuộc vào sự “hảo tâm” của các quốc gia láng giềng. Đó là chưa kể nếu chính phủ mới sau bầu cử của Hy Lạp không đảo ngược được thành tích kém cỏi trong thực hiện cải cách cũng như thực hiện đúng những cam kết của mình, các đối tác trong khu vực có thể sẽ cắt viện trợ bất cứ lúc nào. Đã thế, các biện pháp kinh tế khắc khổ có thể còn phản tác dụng khi tình hình xã hội đang trở nên bất ổn do tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng, chính phủ liên tiếp phải đối mặt với các cuộc biểu tình nhằm chống lại việc thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” này.

Hiện Hy Lạp đang bước vào năm suy thoái thứ 5. Sau gói cứu trợ thứ nhất, suy thoái, thất nghiệp, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp không hề giảm. Năm 2008, nợ công của Hy Lạp là 263 tỷ euro, năm 2011 đã lên tới 355 tỷ euro, GDP giảm từ 233 tỷ euro xuốngcòn 218 tỷ euro và thất nghiệp tăng từ 8% lên 18%. Tình hình kinh tế và xã hội tại nước này đang là yếu tố lớn nhất khiến người dân không mặn mà với cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra, thậm chí ngày càng nhiều người quay sang ủng hộ cho các đảng phái phản đối việc cải tổ tài chính. Các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất cho biết có tới gần 30% cử tri đã quyết định sẽ không đi bỏ phiếu hoặc không hề “thích” cái ngày phải đi làm “nghĩa vụ công dân” ấy.

Rạn nứt chính trị và nguy cơ bùng nổ xã hội

Chính phủ liên minh kỹ trị của Thủ tướng lâm thời Lucas Papademos thành lập vào tháng 11/2011 (gồm đảng Xã hội - PASOK, đảng Dân chủ mới - ND theo đường lối bảo thủ và đảng Nhân dân) dự kiến tồn tại để hoàn tất cuộc đàm phán với EU và IMF về gói cứu trợ thứ hai. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ này và công bố kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử sớm vào tháng 4, PASOC và ND lại phải chứng kiến sự tụt hạng trong các cuộc thăm dò ý kiến. PASOK chỉ giành được hơn 13% sự tin tưởng của cử tri, trong khi ND giành được hơn 19% (giảm 10% so với trước khi gói cứu trợ thứ hai được bỏ phiếu thông qua tại quốc hội). Trong khi tổng thể các đảng cánh hữu chỉ đạt được gần 32% số cử tri ủng hộ, các đảng cánh tả vươn lên giành khoảng 37%.

Từ kết quả trên, có thể dễ dàng nhận thấy rằng những quyết định để đổi lấy gói cứu trợ thứ hai từ các định chế tài chính quốc tế đã mang lại những “phản ứng ngược” cho ND và PASOK trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới. Mặc dù cho đến nay lãnh đạo ND – ông Antonis Samaras - vẫn được coi là nhân vật nhận được sự ủng hộ cao nhất trong các cuộc thăm dò dự luận (ông Samaras khẳng định sẽ tuân theo kế hoạch đã đề ra, song cũng chỉ trích những tác động của các biện pháp kinh tế khắc khổ đối với nền kinh tế Hy Lạp và đưa ra tín hiệu rằng có thể tìm cách đàm phán lại một số phần của gói cứu trợ kinh tế). Các nhà phân tích cho rằng ND không chắc sẽ giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, điều này có thể dẫn tới khả năng hoặc phải tổ chức bầu cử nữa hoặc phải xây dựng một liên minh khác đầy rắc rối với đối tác PASOK (ủng hộ các điều kiện kinh tế khắc khổ). Nếu một liên minh như vậy được hình thành thì khó có thể thuyết phục các nhà cho vay rằng Hy Lạp sẽ tuân theo chương trình đã được đề ra. Thậm chí nếu ND và PASOK thành lập một liên minh cam kết tuân theo kế hoạch về gói cứu trợ kinh tế mới, họ có thể sẽ phải chịu sức ép ngày càng lớn từ phía dân chúng đòi thay đổi kế hoạch này.

Các nhà phân tích cho rằng nếu những đánh giá thăm dò ý kiến nêu trên phản ánh đúng thực tế và được tái hiện tại cuộc bầu cử tới đây, thì một chính phủ liên minh mới ra đời sẽ chỉ có thể trông chờ vào một đa số tối thiểu (151-154 ghế trong tổng số 300 ghế tại quốc hội). Điều này chắc chắn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho Hy Lạp trong việc thông qua và thực thi các chính sách kinh tế - xã hội.

Thực trạng chính trị trên đã phần nào phản ánh sự bất ổn tiềm ẩn trong xã hội Hy Lạp. Những rối loạn liên tiếp xảy ra trong những ngày qua tại thủ đô Aten chính là một hồi chuông cảnh báo ngân dài. Nếu tình trạng này tiếp diễn, Hy Lạp không chỉ tiếp tục gánh chịu khó khăn kinh tế, mà còn phải chứng kiến sự bùng nổ xã hội không thể kiểm soát.

Lý Phương Hoa