08:16 17/08/2020

Bầu cử Mỹ: Liệu ông Trump và đội cố vấn đang ‘lạc quan thái quá’ trước ‘mùa thu khắc nghiệt’?

Bất chấp đại dịch COVID-19 lây lan mạnh từ mùa xuân xuyên qua mùa hè, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tự cho mình điểm số cao trước kỳ bầu cử vào tháng 11 tới.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) cùng Phó Tổng thống Mike Pence (phải) và Cố vấn cấp cao Jared Kushner tại một cuộc họp báo về COVID-19 tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images

Đại dịch thời mùa hè được đánh dấu bởi những trì trệ trong xét nghiệm, thiếu nguồn cung ứng vật tư y tế và sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hệ quả là những thay đổi, sụp đổ ở khắp nước Mỹ: Đóng cửa trường học, hủy mùa giải bóng bầu dục ở các trường đại học - một sự kiện mà giới chức Mỹ từng kỳ vọng sẽ đánh dấu sự trở lại nhịp sống bình thường sau 6 tháng bước vào đại dịch.

Nhưng bên trong Nhà Trắng, những cố vấn chính trị hàng đầu của ông Trump lại ngày một tự tin về cách thức phản ứng trước dịch bệnh. Khi khủng hoảng COVID-19 chuyển sang giai đoạn mùa thu, một viễn cảnh lạc quan đang thành hình ở Nhà Trắng, bất chấp việc nước Mỹ phải đối mặt với số ca nhiễm mới tăng, số lượng các ca xét nghiệm chưa có bước tiến, còn con số tử vong vì SARS-CoV-2 thường xuyên ở mức 1.000 ca/ngày. 

Giới cố vấn, phụ tá của ông Trump giờ tin tưởng hơn về cái mà họ cho là bước tiến triển có thể kiểm soát được: Đó là các biện pháp trị liệu mới, việc đưa ra những hướng dẫn, khuyến cáo y tế tới từng bang, sự hậu thuẫn ồ ạt của chính quyền đối với nghiên cứu, phát triển vaccine và các biện pháp bảo đảm tất cả các bệnh viện đều có đủ vật tư y tế, máy thở để chống dịch.

Quan chức trong bộ máy cũng hài lòng hơn trước hai thay đổi đến từ cá nhân ông Trump: Tổng thống Mỹ đeo khẩu trang nhiều hơn sau nhiều tháng lần lữa, từ chối, cùng với đó là việc ông nối lại các cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh. 

Một cựu quan chức trong chính quyền đánh giá, Nhà Trắng đang cố gắng để dư luận cảm nhận được khả năng kiểm soát của chính quyền. Một mục tiêu then chốt chính là việc chứng tỏ chính quyền coi COVID-19 là mối quan tâm hàng đầu sau bước đi vội vã ép buộc chính quyền các bang mở cửa trở lại khi vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí đề ra, kế đến là cố tình nói giảm mức độ lây lan của đại dịch trong nhiều tháng. 

“COVID-19 là trọng tâm chính của Nhà Trắng hiện nay. Các số liệu của chúng tôi cho thấy lo lắng của người dân có dấu hiệu hiệu để chìm xuống đại dịch vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Nhưng khi công chúng bắt đầu phản ứng trước nhiều bước đi nới lỏng, chúng tôi buộc phải thay đổi theo”, một quan chức trong chính quyền Mỹ nói. 

Chú thích ảnh
 Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại trung tâm y tế tại Houston, bang Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Thế nhưng mô tả màu hồng của Nhà Trắng cùng với những dự báo phóng đại của ông Trump - như việc quả quyết virus sẽ tự biến mất, hoàn toàn trái ngược với thực tế. Số ca mắc mới tại nhiều bang như Texas, Georgia, Florida, Louisiana và Maryland liên tục tăng.

Nhiều gia đình vẫn chưa thể gửi con đến trường học, vẫn phải làm việc tại nhà. Năng lực xét nghiệm COVID-19 giảm 17% so với thời điểm cuối tháng 7. Người dân phải đợi tới cả tuần mới nhận được kết quả, cản trở việc xác định và cô lập cá nhân nhiễm virus hoặc truy vết số này. 

Chính quyền Tổng thống Trump đang bước vào những ngày tháng mùa thu, mùa đông mà ở đó nước Mỹ có thể phải đối diện với tình cảnh khó khăn, ngặt nghèo hơn, khi sự lây lan của COVID-19 trung với thời điểm cúm mùa - một sự kết hợp nguy hại mà giới chức y tế nước này từ lâu đã lo ngại. 

“Mùa thu có lẽ sẽ đặc biệt khắc nghiệt”, Gregg Gonsalves, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Y Yale nhận định. Ông cũng cho rằng chính quyền đã lãng phí phần lớn quãng thời gian mùa hè, đẩy nước Mỹ vào tình thế không cải thiện được bất cử điểm gì về khả năng, sức mạnh chống dịch so với thời điểm tháng 6. 

Nhiều người cũng đổ lỗi cho chính quyền xem nhẹ mối đe dọa của SARS-CoV-2. Họ cho rằng những tháng ngày thụt lùi và thất bại sẽ tiếp tục theo sang mùa thu. Nguyên nhân nằm ở chỗ Nhà Trắng nhất quyết không chịu tạo lập một chiến lược rõ ràng về cuộc chiến chống đại dịch, dù đã dành không biết bao nhiêu thời gian để hiệu chỉnh thông điệp. 

Theo một cố vấn giấu tên nằm ngoài Nhà Trắng, chính quyền đã không làm được gì nhiều để làm rõ thông điệp trước công chúng hay xây dựng niềm tin. Cá nhân ông Trump bất lực trong việc tạo ra một sắc thái mà ở đó người ta nhận thấy chính phủ đang chiến đấu quyết liệt trước đại dịch và tạo nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn. “Phong cách lãnh đạo của ông Trump không phải lúc nào cũng phù hợp với cách tiếp cận đa diện”, người này nói. 

Hoài Thanh (Politico)