09:11 05/09/2012

Bầu cử Mỹ: Khai mạc đại hội toàn quốc đảng Dân chủ

Bốn ngày sau đại hội của đảng Cộng hòa, ngày 4/9, Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ đã khai mạc tại thành phố Charlotte, bang North Carolina.

Bốn ngày sau đại hội của đảng Cộng hòa, ngày 4/9, Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ đã khai mạc tại thành phố Charlotte, bang North Carolina.


Tổng thống đương Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden được chờ đợi đề cử làm đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử ghế tổng thống và phó tổng thống nhiệm kỳ hai vào tháng 11 tới trước cặp liên danh vừa được đề cử của đảng Cộng hòa Mitt Romney và Paul Ryan.


Xây dựng một nền kinh tế vì người lao động


Những người ủng hộ Tổng thống Barack Obama tại đại hội ngày 4/9. Ảnh: AFP/TTXVN


Phóng viên TTXVN có mặt tại đại hội đưa tin Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ sẽ diễn ra trong ba ngày từ 4-6/9 với sự tham gia của 5.963 đại biểu đại diện cho các chi nhánh của đảng Dân chủ từ 50 bang, thủ đô Washington (Oasinhtơn) và 5 vùng lãnh thổ thuộc Mỹ; cùng hàng chục nghìn quan khách, trong đó có khoảng 15.000 phóng viên trong và ngoài nước.


Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ năm 2012 là đại hội có thành phần tham dự đông nhất, đa dạng nhất trong lịch sử 180 năm qua.


Cũng như đại hội của đảng Cộng hòa, nội dung chính của Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ gồm ba đề mục lớn, bao gồm: Các bài diễn thuyết khuyếch trương nền tảng sức mạnh của đảng Dân chủ, thông qua cương lĩnh năm bầu cử 2012 và đề cử cặp liên danh tranh cử vào tháng 11 tới.


Phát biểu với báo giới trước khi diễn ra đại hội, ông David Plouffe, một cố vấn thân cận của Tổng thống Obama, cho biết mục đích chính của đại hội là gửi đến người dân Mỹ thông điệp về kế hoạch cụ thể của đảng Dân chủ không chỉ nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế mà còn vì mục tiêu xa hơn, đó là xây dựng một nền kinh tế dựa trên lợi ích của giới trung lưu và người lao động.


Charlotte là thành phố lớn nhất của bang bang North Carolina với dân số hơn 1,8 triệu người, lớn thứ 17 của nước Mỹ, được coi là trung tâm lớn thứ hai của Mỹ, sau New York.


Để đảm bảo an ninh trong những ngày diễn ra đại hội, chính quyền thành phố Charlotte đã cho dựng các hệ thống barie bằng bê tông trên nhiều góc phố, hàng rào dây thép gai rào chắn nhiều tuyến đường xung quanh. Rút bài học cay đắng năm 1968 ở Chicago khi đại hội bị người biểu tình gây gián đoạn, năm nay hàng trăm lính thuộc lực lượng vệ binh bang đã được huy động để bảo vệ các hệ thống cơ sở hạ tầng sống còn của thành phố cùng với hàng nghìn cảnh sát.


North Carolina là bang ông Obama đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2008 với tỷ lệ sát nút và trong năm tổng tuyển cử 2012, đây là một trong 12 bang được xác định là "trận chiến sống còn" cho nỗ lực tái đắc cử nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama.


Mitt Romney là câu trả lời cho kinh tế Mỹ?


Đảng Cộng hòa, với mục tiêu “giành lại” Nhà Trắng sau 4 năm vắng bóng, đã tổ chức Đại hội toàn quốc ở bang Florida hồi tuần trước và chính thức đề cử cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney đại diện đảng này tham gia tranh cử tổng thống và Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Paul Ryan làm “phó”.


Theo nhật báo “Yomiuri” (Nhật Bản), trong bài phát biểu nhận đề cử, ông Romney chỉ trích gay gắt chính quyền của ông Obama vì đã không điều hành được đất nước. Ông cam kết chấn hưng nền kinh tế Mỹ vốn đang gặp nhiều khó khăn để “lấy lại cam kết của nước Mỹ”.


Ông Romney ủng hộ mô hình “tiểu chính phủ”, một đường lối chính sách nhằm nỗ lực thúc đẩy kinh tế với hàng loạt chương trình cắt giảm thuế và nới lỏng quy định quản lý đồng thời cắt giảm mạnh chi tiêu của liên bang, trong đó có các chương trình an sinh xã hội.


Cụ thể, ông cam kết giúp Mỹ tự cung ứng nhu cầu năng lượng, mở rộng thương mại và tạo 12 triệu việc làm thông qua hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm thâm hụt ngân sách khổng lồ của nước này, phản đối cắt giảm ngân sách cho quốc phòng và từ bỏ việc cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe của ông Obama.


Trong khi đó, đảng Dân chủ lại không coi chi tiêu quốc phòng là “khu cấm địa” không thể đụng chạm tới khi cắt giảm các khoản chi nhằm vực dậy tài chính của Chính phủ. Đảng Dân chủ cũng sẽ không cắt giảm chi tiêu của liên bang dành cho tầng lớp nghèo khó, bao gồm những người có thu nhập thấp và người cao tuổi, đồng thời chủ trương điều chỉnh khoảng cách thu nhập giữa các thành phần trong xã hội.


Tuy nhiên, kinh tế Mỹ đang mắc kẹt trên một “bánh xe khô dầu” và những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã khiến tương lai của cường quốc số một thế giới này trở nên bấp bênh. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chưa bao giờ xuống dưới mức 7,8% trong quãng thời gian ông Obama tại vị. Thậm chí, gần đây, tỷ lệ này còn dao động trong khoảng 8-8,5%. Bên cạnh đó, thâm hụt tài chính của Mỹ luôn vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD suốt 4 năm liền.


Tổng thống Obama cần các chính sách hiệu quả để nhanh chóng cứu vãn nền kinh tế cũng như lấy lại sinh khí cho nguồn tài lực của Chính phủ về cả trung lẫn dài hạn.


Mặc dù ông Romney khẳng định ông có thể làm một lúc hai việc nhưng dường như việc cắt giảm mạnh các khoản thuế và xử lý khoản nợ khổng lồ của nước này đang mâu thuẫn với nhau. Rõ ràng, ông Romney cần tuyên bố rõ ràng hơn về những biện pháp mà ông muốn áp dụng để giảm thâm hụt liên bang mà không đánh mất nguồn thu từ thuế. Đây sẽ là vấn đề mấu chốt trong quãng thời gian còn lại của cuộc đua vào Nhà trắng.


Các cuộc điều tra dư luận gần đây cho thấy hai ứng cử viên Obama và Romney đeo bám nhau khá quyết liệt. Ba cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 10/2012 sẽ là những cơ hội quan trọng quyết định thành bại trong cuộc chạy đua này.



TTXVN/Tin tức