08:11 21/08/2020

Bầu cử Mỹ 2020: Nhận định về cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Joe Biden – Phần cuối

Quá trình làm việc trong chính quyền Mỹ lâu năm cùng với những diễn biến trong cuộc bầu cử năm 2020 đã phác họa những điểm chính nổi lên trong cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ.

Chú thích ảnh
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thượng nghị sĩ Kamala Harris sau cuộc tranh luận trực tiếp vòng ba bầu cử Tổng thống của đảng Dân chủ ở Houston, Texas ngày 12/9/2019. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

11. Vấn đề hợp pháp hóa cần sa (Marijuana và Cannabis)    

Về viêc hợp pháp hóa cần sa, một số ứng cử viên từng tham gia cuộc đua năm 2020 của đảng Dân chủ ủng hộ việc hợp pháp hóa này. Trong khi chính phủ liên bang Mỹ áp dụng cách tiếp cận thực tiễn để thực thi luật cần sa liên bang ở các tiểu bang có thị trường y tế hoặc giải trí liên quan, ông Biden và ông Bloomberg lại ủng hộ việc cho phép các thị trường hợp pháp của tiểu bang hoạt động mà không chịu sự chi phối của chính quyền liên bang cũng như loại bỏ hình phạt hình sự cho loại tội phạm này. Đáng chú ý, trong chiến dịch vận động tranh cử tại tiểu bang New Hampshire vào tháng 4/2020, ông Biden còn muốn hợp pháp hóa hoàn toàn chất này - song với điều kiện rằng tiến trình này chỉ có thể được thực hiện với sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế.

Tuy nhiên, ông Biden từng bảo vệ việc áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với các tội về ma túy, trong đó có việc ủng hộ dự luật tội phạm năm 1994 (được cho là nguyên nhân làm gia tăng số lượng tội phạm bị kết án thời điểm đó).
Hầu hết các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ năm 2020 kêu gọi việc hợp pháp hóa cần sa, trong đó có việc loại bỏ các tiền án về tội phạm này. Trong khi đó, ông Biden muốn loại bỏ án tử hình và đề xuất 20 tỷ USD hỗ trợ các tiểu bang thực hiện các chính sách ngăn chặn hoạt động giam giữ.

12. Quốc phòng:

Về chi tiêu quốc phòng, phe Dân chủ chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump về việc vận dụng chính sách nhằm chuyển tiền từ ngân sách của Bộ Quốc phòng sang việc xây dựng bức tường biên giới miền Nam; kêu gọi việc tăng cường ngân sách quốc phòng, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên cao.

Về việc triển khai các hoạt động ở nước ngoài, phe Dân chủ thể hiện sự bất đồng quan điểm về việc Mỹ có nên rút quân khỏi Afghanistan, Iraq và Syria hay không. Một số ứng cử viên Dân chủ cho rằng sự can thiệp của Mỹ tại các quốc gia này chỉ làm suy yếu thêm an ninh của Mỹ khi thúc đẩy khủng bố hơn nữa. Tuy nhiên, sau những diễn biến liên quan đến các hoạt động của tổ chức khủng bố ISIS tại Syria, một số ứng cử viên Dâ chủ thể hiện quan điểm thận trọng trong việc từ bỏ đồng minh chiến trường như lực lượng người Kurd; đồng thời cảnh báo rằng các đồng minh ở Afghanistan, Iraq vẫn cần tới sự hỗ trợ của Mỹ.

Chú thích ảnh
Bức tường ngăn cách biên giới Mỹ - Mexico nhìn từ Tijuana, bang Baja California, Mexico, ngày 18/1/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

13. Vấn đề thuế:

Đối với thuế lợi nhuận, một số ứng cử viên đảng Dân chủ cho rằng việc tăng vốn nên ngang bằng với thu nhập khi tính thuế, bởi tỷ lệ tăng vốn thấp hơn chủ yếu mang lại lợi ích cho người giàu, tạo ra việc tránh thuế và thúc đẩy bất bình đẳng thu nhập. Ông Biden và ông Bloomberg muốn thúc đẩy chính sách này cho những người có thu nhập lớn hơn 1 triệu USD.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017 đã cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 21% từ mức 35%. Một số ứng cử viên đảng Dân chủ cho rằng điều này đang tạo ra lợi thế không cần thiết cho các doanh nghiệp và muốn thay đổi chính sách này. Theo đó, ông Biden cùng với các cựu ứng cử viên như Bloomberg, Beto-O'Rourke, Michael Bennet ủng hộ việc nâng tỷ lệ lên 28%. Đồng thời, ông Biden cũng muốn áp thuế tối thiểu 15% đối với các tập đoàn có ít nhất 100 triệu USD lợi nhuận ròng.

Đối với thuế thu nhập cá nhân, ông Biden muốn tăng thuế suất đối với người Mỹ trong khung thu nhập hàng đầu lên 39,6%, và đối với những người thuộc tầng lớp giàu có khác là 28%.

14. Công nghệ:

Về việc thúc đẩy mạng lưới băng thông rộng, một số ứng cử viên đảng Dân chủ từng kêu gọi ngoài việc chính phủ xây dựng mạng lưới internet băng thông rộng, các tiểu bang cũng cần xây dựng riêng mạng băng thông rộng tại các địa phương. Ông Biden đề xuất đầu tư 20 tỷ USD vào việc xây dựng mạng lưới băng thông rộng ở khu vực nông thôn.

Về vấn đề truyền thông xã hội, các ứng cử viên đảng Dân chủ chỉ trích các nền tảng truyền thông xã hội do không giải quyết thỏa đáng một loạt vấn đề liên quan đến thông tin sai lệch, can thiệp vào bầu cử, ngôn từ kích động thù địch. Vào tháng 1/2020, nói với tờ New York Times, ông Biden cho rằng nên "thu hồi" mục 230 đối với Facebook và các công ty công nghệ khác.

Về việc cạnh tranh công nghệ và chống độc quyền, phe Dân chủ bị chia rẽ quan điểm có nên tiếp tục phụ thuộc vào các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook hay không.

15. Vấn đề thương mại:

Về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, ông Biden chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump khi có quan điểm hạ thấp mối đe dọa về Trung Quốc (thay vào đó bày tỏ sự tin tưởng vào công nhân và công nghệ của Mỹ). Quan điểm của ông Biden đối với Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn hơn, trong đó tại một cuộc tranh luận của đảng Dân chủ vào tháng 9/2019, ứng cử viên này từng đả kích Trung Quốc về vấn đề đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ, vi phạm các quy tắc của WTO và bán phá giá thép.

Chú thích ảnh
Ông Trump trong lễ ký ban hành thành luật Hiệp định USMCA - Ảnh: Reuters

Về thỏa thuận thương mại NAFTA, phe Dân chủ yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump thực hiện các thay đổi trong bốn lĩnh vực chính về tiêu chuẩn lao động, quy định môi trường, tiếp cận thuốc và thực thi thỏa thuận.

Về thỏa thuận thương mại USMCA, ông Biden đề nghị hỗ trợ cho thỏa thuận sửa đổi, cho rằng USMCA không phải là một thỏa thuận lý tưởng, dù ủng hộ thỏa thuận này mang lại những cải tiến mà các phong trào lao động và tiến bộ giành được để cải thiện nó.

Về vấn đề thuế quan, nhiều ứng cử viên Dân chủ chỉ trích động thái áp thuế đối với Trung Quốc và một số nước đồng minh của chính quyền Trump, cho rằng điều này làm tổn thương người tiêu dùng, công nhân và công ty Mỹ. Ông Biden cho rằng nông dân và nhà sản xuất đang cảm thấy gánh nặng từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump.

Về thỏa thuận CPTTP, ông Biden ủng hộ việc Mỹ tái gia nhập thỏa thuận này, song tuyên bố cần đàm phán lại một số khía cạnh, đồng thời khẳng định sẽ đảm bảo các nhóm lao động và vấn đề môi trường sẽ gắn chặt vào các cuộc đàm phán.

Xem Phần 1 tại đây

Bùi Đại Thắng (P/v thường trú TTXVN tại Washington)