12:22 07/12/2011

Bầu cử Đuma quốc gia Nga: Có mới, có cũ

Mặc dù chưa có kết quả chính thức đầy đủ của cuộc bầu cử ngày 5/12 nhưng diện mạo Đuma quốc gia (Hạ nghị viện) Nga khóa 2011 - 2016 đã rõ ràng. Có những cái vẫn như cũ, nhưng cũng có nhiều cái mới.

Mặc dù chưa có kết quả chính thức đầy đủ của cuộc bầu cử ngày 5/12 nhưng diện mạo Đuma quốc gia (Hạ nghị viện) Nga khóa 2011 - 2016 đã rõ ràng. Có những cái vẫn như cũ, nhưng cũng có nhiều cái mới.

Vẫn như khóa trước, 450 ghế tại Đuma được phân chia cho 4 đảng giành được trên 7% tổng số phiếu. Đó là “Nước Nga thống nhất”, thường được gọi là “Đảng của chính quyền”; Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF), Đảng “Nước Nga công bằng” và Đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) của chính khách theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Vladimir Zhirinovsky. Cái mới là “Nước Nga thống nhất” đã để mất nhiều ghế: Khóa trước đảng này chiếm 64,30% số phiếu, có 315 ghế là “đa số lập hiến”, khóa này họ chỉ chiếm chưa đến 50% số phiếu, vẫn giữ đa số nhưng chỉ là 238 ghế. Cái mới nữa là LDPR tụt xuống thứ tư, nhường chỗ cho “Nước Nga công bằng”. Và những người cộng sản Nga thì đã củng cố thêm vị trí thứ hai với khoảng 20% số phiếu, có 92 ghế (khóa trước có 57 ghế).

Thủ tướng Nga Vladimir Putin (phải) và những người ủng hộ ông trong đảng “Nước Nga thống nhất” tại thủ đô Mátxcơva ngày 4/12.
Ảnh: AFP - TTXVN


Bầu cử kiểu Nga

Đuma quốc gia vừa được bầu có một cái mới quan trọng: Nhiệm kỳ sẽ là 5 năm thay vì 4 năm như những khóa trước (trong khi nhiệm kỳ Tổng thống Nga sắp tới sẽ là 6 năm thay vì 4 năm như trước đây). Thêm nữa, có thể nói toàn bộ 450 đại biểu Đuma khóa mới được bầu ra một cách gián tiếp qua danh sách chung ứng cử viên của chính đảng, trong khi những khóa trước chỉ một nửa số đại biểu được bầu theo phương thức này, còn 225 đại biểu thì được bầu trực tiếp, nghĩa là các ứng cử viên tranh cử tại khu vực bầu cử và nếu giành được nhiều phiếu nhất thì đắc cử.

Đặc điểm của phương thức bầu theo “danh sách Đảng” là ở chỗ: Mỗi đảng tìm cách chọn những gương mặt “sáng giá nhất” - chính khách, vận động viên, nghệ sĩ v.v… - đưa vào danh sách ứng cử viên của Đảng để tạo ra sức cuốn hút mạnh đối với cử tri (hiển nhiên đường lối, chính sách, cương lĩnh tranh cử phải hấp dẫn). Nhờ đó, chính đảng hy vọng giành nhiều phiếu nhất có thể và đảng sẽ phân bổ đại biểu của mình theo “hạn ngạch” tương ứng với tỷ lệ phiếu giành được. Nhưng đại biểu không nhất thiết là những nhân vật đứng trong danh sách đó. Đương kim Tổng thống Dmitry Medvedev đồng ý đứng đầu danh sách ứng cử viên của đảng “Nước Nga thống nhất” để làm một “đầu máy” kéo “đoàn tàu” của đảng này mặc dù ông không phải là đảng viên của “Nước Nga thống nhất” và cũng sẽ không làm nghị sĩ của đảng này tại Đuma.

Trong quy định pháp luật về bầu cử Đuma quốc gia cũng có một quy định mới: Những đảng giành được từ 6 đến 7% tổng số phiếu (dưới ngưỡng 7% cần thiết để có đại diện tại cơ quan lập pháp này) được phân bổ 2 ghế, những đảng có 5 - 6% thì được dành 1 ghế. Tuy nhiên, ba chính đảng khác tham gia tranh cử (ngoài 4 đảng nêu trên) đã không chạm tới “vạch khuyến khích” này.

Thức thời và điều chỉnh
Việc đảng “Nước Nga thống nhất” mất 77 ghế, mất “đa số lập hiến” đầy ưu thế được chính giới và các nhà bình luận phân tích, mổ xẻ từ nhiều góc độ. Không ít người cho đây là “thất bại nặng nề” của đảng này và nhận định về những thách thức chính trị to lớn ở phía trước đối với Vladimir Putin, đương kim Thủ tướng và có rất nhiều khả năng sẽ là Tổng thống sắp tới, đối với ông Medvedev. Nhưng chính các nhà lãnh đạo Nga, các đại diện của “Nước Nga thống nhất” và nhiều nhà bình luận lại cho rằng việc đảng này vẫn giữ đa số tại Hạ viện là “thắng lợi” của đảng, của nền dân chủ Nga nếu đặt trong điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội nước này hiện nay. Ông Vladislav Surkov, Phó thứ nhất của người đứng đầu Phủ tổng thống Nga, nhận xét, đảng “Nước Nga thống nhất” được mặc nhiên coi là “đảng cầm quyền” và chính “danh hiệu” đó, sứ mệnh đó là hết sức nặng nề, có phần gây khó khăn cho đảng. Bởi cử tri Nga nhận thấy tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, cách biệt giàu nghèo rất lớn; trong những năm qua kinh tế thế giới suy thoái, Nga không tránh được ảnh hưởng xấu, đời sống nhân dân có thêm nhiều khó khăn… Xã hội Nga coi đó là “tội lỗi” của “đảng cầm quyền”. Trong điều kiện đó, “Nước Nga thống nhất” để mất phiếu vào tay Đảng Cộng sản và đảng “Nước Nga công bằng” là những chính đảng rất chú trọng các vấn đề dân sinh, công bằng xã hội. Ông Surkov đánh giá: “Kết quả bầu cử, theo tôi là đúng quy luật, đã dự liệu được”. Tổng thống Medvedev thừa nhận “kết quả đã phản ánh đúng tâm trạng thực tế của cử tri”. Thủ tướng Putin cũng nói rằng cuộc bầu cử “đã phản ánh đúng tình hình thực tại của đất nước” và là “tối ưu” đối với đảng của ông. Hai nhà lãnh đạo Nga đã nhanh chóng khẳng định đảng “Nước Nga thống nhất” sẽ xây dựng “quan hệ liên minh, quan hệ khối với các lực lượng chính trị khác trong Đuma quốc gia”.

Đuma quốc gia là Hạ nghị viện của Quốc hội Liên bang Nga, do cử tri bầu ra. Chức năng quan trọng hàng đầu của Đuma là lập pháp - các dự luật được Đuma xem xét, thông qua và sau đó sẽ chuyển lên Thượng nghị viện chấp thuận để trình Tổng thống ký phê chuẩn, ban hành thành luật. Những quyền hạn quan trọng khác của Đuma là chuẩn y Thủ tướng Chính phủ Nga do Tổng thống đề cử; cử Thống đốc Ngân hàng Trung ương; xem xét báo cáo công tác của Thủ tướng... Thượng nghị viện Nga có tên gọi là Hội đồng Liên bang. Hội đồng Liên bang được lập ra bằng cách cơ cấu: Mỗi chủ thể của Liên bang, tức mỗi địa phương trực thuộc chính quyền liên bang trung ương, có 2 đại diện - thường là người đứng đầu - tại Hội đồng Liên bang (1 đại diện của chính quyền lập pháp, 1 đại diện của chính quyền hành pháp). Thượng nghị viện Nga có những chức năng quyền hạn quan trọng như xem xét, chấp thuận dự luật do Đuma quốc gia chuyển lên; quyết định tổ chức bầu cử Tổng thống; cử những người lãnh đạo các cơ quan chính quyền tư pháp trung ương liên bang…

Thực tế, với gần 50% tổng số phiếu, với đa số tại Đuma, đa số áp đảo tại hầu hết các nghị viện địa phương và với rất nhiều khả năng ông Putin sẽ trở lại Điện Cremli trong khi ông Medvedev sẽ nắm chức Thủ tướng, đảng “Nước Nga thống nhất” vẫn có gần như đầy đủ mọi điều kiện để tiếp tục thực hiện đường lối của mình, một đường lối mà đã nhiều năm nay ở Nga người ta thường gọi là “đường lối Putin” nhằm đưa nước Nga phát triển cao hơn nữa, có vị thế vững vàng hơn nữa trên trường quốc tế. Hiển nhiên là “Nước Nga thống nhất” và các nhà lãnh đạo Nga sẽ phải điều chỉnh đường lối, chính sách của mình theo ý nguyện, theo sự ủy nhiệm của cử tri, của nhân dân được thể hiện qua các cuộc bầu cử. Những tuyên bố về “liên minh” của các ông Medvedev, Putin chính là những tín hiệu rõ ràng đầu tiên về khả năng điều chỉnh đó.

“Chu kỳ bầu cử” sôi động ở nước Nga chưa dừng lại. Vào tháng 3/2012, cử tri xứ sở Bạch Dương lại đến các phòng phiếu để bầu ra vị Tổng thống cho nhiệm kỳ mới. Họ sẽ có một cơ hội quan trọng nữa để bày tỏ chính kiến của mình, thông qua lá phiếu để lựa chọn hướng đi cho đất nước.

Nguyễn Đăng Phát