05:16 24/05/2014

Bầu cử có là phương thuốc hữu hiệu cho Ukraine?

Cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine diễn ra ngày 25/5 được cả phương Tây và giới chức tạm quyền kỳ vọng sẽ làm thay đổi vận mệnh đất nước. Tuy nhiên, bất ổn và bạo lực có dấu hiệu leo thang đang gây nghi ngại cuộc bầu cử khó có thể đưa quốc gia này thoát khỏi khủng hoảng.

Cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn ở Ukraine diễn ra ngày 25/5 được cả phương Tây và giới chức tạm quyền nước này kỳ vọng sẽ làm thay đổi vận mệnh đất nước, vốn đang mấp mé bờ vực nội chiến. Ít ra, một cuộc bầu cử, nếu được tổ chức một cách dân chủ và minh bạch, cũng có thể giúp đất nước đang chìm trong khủng hoảng này có một chính quyền hợp hiến. Tuy nhiên, tình hình bất ổn và bạo lực có dấu hiệu leo thang tại Ukraine đang khiến nhiều nhà phân tích nghi ngại cuộc bầu cử khó có thể đưa quốc gia Đông Âu này thoát khỏi khủng hoảng, cho dù đây được coi là bước đi cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Quân đội Ukraine thắt chặt an ninh trước thềm bầu cử.


Chính phủ lâm thời Ukraine cũng thừa nhận việc tổ chức bầu cử trên cả nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đụng độ vẫn liên tiếp xảy ra giữa quân đội và những người ủng hộ liên bang hóa ở miền Đông và Nam Ukraine, trong khi nhiều địa phương ở khu vực này chủ trương quay lưng lại với cuộc bầu cử. 

Cho tới nay, hai tỉnh miền Đông Ukraine là Donetsk và Lugansk, những địa phương đã tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự chủ lớn hơn ngày 11/5 vừa qua và đã thành lập "nước cộng hòa nhân dân tự xưng" cùng với các cơ quan chính quyền riêng, đều tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử ngày 25/5 tới. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành khác ở Đông và Nam Ukraine, nơi tập trung đa số những người dân nói tiếng Nga, cũng tỏ ra không mấy mặn mà với sự kiện này. 

Trong khi đó, tình trạng bất ổn tại khu vực Đông - Nam Ukraine cho thấy chính quyền lâm thời Kiev ngày càng tỏ ra lúng túng trong việc kiểm soát tình hình. Vài tháng nay, tại khu vực này liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình đòi cải cách Hiến pháp, tăng thêm quyền hạn cho chính quyền địa phương, tổ chức trưng cầu dân ý về việc liên bang hóa đất nước. Trước làn sóng biểu tình ủng hộ liên bang hóa, chính quyền lâm thời Kiev đã chọn giải pháp sử dụng sức mạnh khi triển khai quân đội tới khu vực Đông - Nam trong khuôn khổ chiến dịch mang tên "chống khủng bố". Giải pháp cứng rắn này chẳng những không giúp hạ nhiệt căng thẳng tại đây mà trái lại như "đổ thêm dầu vào lửa", khiến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng, dẫn tới cuộc xung đột bạo lực đẫm máu ở Odessa khiến hơn 40 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương và những vụ đụng độ gây thương vong lớn ở Slaviansk, Mariupol. Ba "Hội nghị bàn tròn thống nhất dân tộc" nhằm tìm kiếm tiếng nói hòa giải đã được tổ chức, song những người biểu tình tại Đông - Nam Ukraine không được mời tham dự. Với tình hình an ninh căng thẳng như vậy, khó có thể bảo đảm cử tri sẽ tới các điểm bỏ phiếu tham gia bầu cử. Nhiều chuyên gia cũng nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc bầu cử vì nó diễn ra trong bối cảnh căng thẳng và bạo lực, đặc biệt khi quân đội đang sử dụng vũ khí để trấn áp những người ủng hộ liên bang hóa. 

Cũng cần phải nhấn mạnh thực tế rằng người dân Ukraine ở khu vực Đông - Nam Ukraine luôn ủng hộ Kiev tăng cường quan hệ với Moskva, trong khi đó, cử tri tại 7 tỉnh, thành phố ở phía Tây lại muốn Ukraine ngả hẳn theo phương Tây, nhanh chóng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chính những quan điểm bất đồng đó của cử tri đã ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử ở nước này. Trong bối cảnh hiện nay, dư luận lo ngại cuộc bầu cử sắp tới chẳng những không "thống nhất" được đất nước, mà còn có thể khiến bất đồng thêm trầm trọng.

Giới phân tích cho rằng chìa khóa đem lại ổn định cho Ukraine lúc này phụ thuộc vào việc người được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 25/5 có đủ thẩm quyền cũng như năng lực để tập hợp và thu phục được tất cả các lực lượng vốn đang chia rẽ sâu sắc trong xã hội Ukraine hay không. Bởi vấn đề quan trọng nhất đối với Ukraine lúc này là phải nhanh chóng thúc đẩy hòa giải dân tộc, từ đó mới có thể tập trung đối phó với những vấn đề kinh tế trầm trọng. Tuy nhiên, dù có gần 20 ứng cử viên đăng ký tranh cử, trong đó có cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko và cựu Bộ trưởng Kinh tế Petro Poroshenko, song dư luận nhìn chung đều cho rằng chưa có gương mặt nào thực sự sáng giá xuất hiện. Hơn thế nữa, khi nền kinh tế đang khủng hoảng trầm trọng và có khả năng suy giảm 5% trong năm nay, nguy cơ bị Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt vào đầu tháng 6 tới đang cận kề, mâu thuẫn xã hội ngày càng gia tăng, mối đe dọa đất nước bị "chia năm xẻ bảy" đang rình rập,... thì dường như một cuộc bầu cử tổng thống là chưa đủ đối với quốc gia Đông Âu này.


Hằng Linh