07:06 21/07/2014

Bất ổn toàn cầu thử thách quan hệ đồng minh của Mỹ

Cách đây 6 năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu trước 200.000 người dân Berlin (Đức) rằng các nước đồng minh phải "tin tưởng lẫn nhau" và ông cam kết sẽ khôi phục những mối quan hệ đã bị phá vỡ do chính sách ngoại giao “đơn phương" của Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush.

Cách đây 6 năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu trước 200.000 người dân Berlin (Đức) rằng các nước đồng minh phải "tin tưởng lẫn nhau" và ông cam kết sẽ khôi phục những mối quan hệ đã bị phá vỡ do chính sách ngoại giao “đơn phương" của Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush. Và giờ đây, ông vẫn có một số việc phải làm để thực hiện lời hứa trên.

 

Tổng thống Obama từng tuyên bố các nước đồng minh phải “tin tưởng lẫn nhau”. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Các cuộc xung đột phe phái làm thay đổi Trung Đông, vụ Edward Snowden tố cáo Mỹ do thám châu Âu và những lựa chọn chính trị được đưa ra trong những giai đoạn bất ổn một lần nữa lại khiến các quan hệ đồng minh của Mỹ chịu nhiều áp lực.


Lời phát biểu tại Berlin của ông Obama năm 2008 khi đang là ứng cử viên tổng thống đã gây ấn tượng mạnh ở châu Âu. Song khi ông chuyển hướng sang châu Á, mối quan hệ hai bên bắt đầu giảm sút.


Đức tức giận trước việc các gián điệp Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel và tuần trước đã trục xuất đại diện Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Đức về nước sau khi phát hiện hai điệp viên tình báo Mỹ ở nước này. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble phát biểu rằng cách hành xử của Mỹ "khiến người ta phát cáu".


Quan hệ với nước Pháp thì khá hơn. Paris và Washington phối hợp với nhau để lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi ở Libya và xúc tiến các liên minh chống khủng bố ở châu Phi. Tuy nhiên, việc Mỹ phạt Ngân hàng BNP Paribas của Pháp 9 tỷ USD và các kế hoạch bán tàu chiến của Pháp cho Nga đã hạn chế phần nào mối thân tình Mỹ - Pháp.


Vẫn còn có một "mối quan hệ đặc biệt" Anh - Mỹ. Song Anh đã rời vũ đài quốc tế do bận bịu với mối quan hệ "không đâu vào đâu" với EU và việc Scotland đòi độc lập. Vị trí đồng minh trước sau như một của Anh đã bị đặt dấu hỏi khi Thủ tướng Anh David Cameron không thể thuyết phục được nghị viện ủng hộ cuộc tấn công Syria, điềm báo trước sự thất bại của ông Obama trước Quốc hội Mỹ vốn đã chán chiến tranh.


Mỹ cũng có những lời than vãn về châu Âu, vì Mỹ thấy mệt mỏi về việc khu vực này lưỡng lự trước việc xiết chặt thêm các lệnh trừng phạt Nga do vấn đề Ukraine. Và Lầu Năm Góc bức bối trước việc chi phí quốc phòng của châu Âu giảm xuống. Song ông Obama vẫn ca ngợi NATO là "liên minh vững chắc nhất thế giới" và tháng trước, ông đã tới Ba Lan để tăng cường phòng thủ trước khối đồng minh Xô viết cũ.


Liên minh Trung Đông của Washington đang vật lộn với những bất ổn phe phái, nội chiến, đảo chính và cách mạng. Chính quyền ông Obama phải nỗ lực để theo kịp những thay đổi quyền lực ở Ai Cập, một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ trong nhiều thập kỷ.


Các chính sách của chính quyền Mỹ cũng gây bối rối cho một số đồng minh khác ở Trung Đông. Như cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney nói, bạn bè của Mỹ trong khu vực thất vọng vì không thể tin tưởng được vào Washington, khi chính quyền này thất bại trong việc ngăn chặn lực lượng Hồi giáo cực đoan phát triển ở Syria và Iraq.


Saudi Arabia đã thể hiện rõ sự bất bình của mình trước chính sách xa cách của ông Obama đối với khu vực này qua các bài báo của các nhân vật nổi tiếng trên các trang báo toàn cầu, và Tổng thống Obama đã phải tới thăm nước này hồi tháng 3 để làm yên lòng Quốc vương Abdullah. Bahrain, đại bản doanh của Hạm đội 5 của Mỹ, tuần trước đã gây nên một vụ xôn xao khi trục xuất phái viên về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ.


Còn đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, Israel, dù vướng bận với cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza, vẫn chẳng bao giờ quên không lên tiếng chỉ trích kế hoạch của ông Obama về một bản thỏa thuận hạt nhân với Iran. Song việc lá chắn tên lửa Vòm Sắt do Mỹ "sáng chế" đã bảo vệ được người Israel khỏi các quả đạn rốckét của nhóm phiến quân Hamas đã làm lắng dịu những lời phàn nàn của phe đảng Cộng hòa rằng ông Obama đã "bỏ rơi" quốc gia Do Thái này.


Tuy nhiên, các mối quan hệ của Mỹ đang gặt hái thành công ở châu Á. Chiến lược chuyển trục của ông Obama sang khu vực đang nổi lên này gắn liền với các liên minh đang được phục hồi với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Australia. Washington cũng đã lôi kéo Malaysia và tách Myanmar khỏi Trung Quốc.


TTK