01:09 31/01/2011

Bất ổn ở Trung Đông - Phép thử về phản ứng của Mỹ

Trong nhiều năm, Mỹ có hai cách ứng xử ở Trung Đông: Tài trợ và ủng hộ các chế độ cầm quyền, trong khi khuyến khích một số quan điểm bất đồng chính trị và lên án các vụ lạm dụng nhân quyền của những chính phủ mà Oasinhtơn coi là đối tác quan trọng trong khu vực đầy bất ổn này.

Trong nhiều năm, Mỹ có hai cách ứng xử ở Trung Đông: Tài trợ và ủng hộ các chế độ cầm quyền, trong khi khuyến khích một số quan điểm bất đồng chính trị và lên án các vụ lạm dụng nhân quyền của những chính phủ mà Oasinhtơn coi là đối tác quan trọng trong khu vực đầy bất ổn này.


Đó là lý do tại sao không một quan chức Mỹ nào lớn tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình trong tuần qua của người dân Ai Cập, mà chỉ nhấn mạnh đến sự giúp đỡ mà Mỹ nhận được từ Ai Cập, đồng thời kêu gọi Tổng thống Hosni Mubarak, người cầm quyền trong 3 thập kỷ qua tại Ai Cập, tiến hành cải cách.

Những người biểu tình đốt xe ô tô tại thành phố cảng Alexandria, Ai Cập.

Trong đoạn băng trên YouTube ngày 27/1, Tổng thống Obama lần đầu tiên nhận định về tình hình Ai Cập: "Bạo lực không phải là cách giải quyết vấn đề ở Ai Cập. Chính phủ Ai Cập và người biểu tình cần kiềm chế để không phải dùng tới bạo lực". Ông Obama cho rằng người dân Ai Cập biểu tình do những thất vọng của họ đã bị "dồn nén" quá lâu. Ông Obama cho biết ông đã cảnh báo ông Mubarak về "sự cấp thiết" phải tiến hành cải cách chính trị.

Từ Tuynidi tới Ai Cập và Yêmen, lợi ích trước mắt của chính quyền Obama là duy trì ổn định, sự hợp tác của các nước này trong hoạt động chống khủng bố và các cuộc hòa đàm Ixraen-Palextin. Lợi ích lâu dài của Mỹ là giúp mang lại nền dân chủ lớn hơn và mở cửa các thị trường ở khu vực này.


Tuy nhiên, Mỹ đang chật vật với chiến lược khu vực, trong đó thừa nhận nhu cầu thay đổi và khác biệt ở mỗi nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.J.Crowley ngày 27/1 nói: "Mọi người đang dõi theo những sự kiện xảy ra ở Tuynini để rút ra bài học". Ông Crowley cho rằng các cuộc biểu tình nên được phép tiếp tục, nhưng nói thêm rằng "sự thay đổi có thể diễn ra trong một môi trường ổn định".

Khi cuộc biểu tình lan rộng, Mỹ đã có phản ứng rõ nét hơn, nhưng vẫn giữ thái độ thận trọng. Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton chuyển từ tuyên bố tin tưởng vào sự ổn định của chính phủ Ai Cập, sang kêu gọi Ai Cập tiến hành cải cách mạnh mẽ hơn.


Ngày 27/1, bà đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ai Cập để khuyến khích "kiềm chế và đối thoại", trong khi Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs ngày 26/1 đã né tránh tái khẳng định sự ủng hộ trực tiếp của Mỹ đối với ông Mubarak. Ông Robert Danin, chuyên gia cấp cao thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại và là một chuyên gia của Bộ Ngoại giao Mỹ về Trung Đông dưới thời chính quyền Bush nhận định: "Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng và các lợi ích ngắn hạn và lâu dài của Mỹ đang xung đột nhau. Chính quyền đang cố cân bằng những lợi ích này".

Trong khi một số chuyên gia cho rằng các cuộc biểu tình tại Ai Cập phần nào do chính sách can dự của chính quyền Obama, thì chính phủ Mỹ đang chật vật đối phó với tình hình này. Nếu Oasinhtơn chỉ trích quá mạnh mẽ Tổng thống Mubarak, một đồng minh thân cận, thì có thể gây phương hại tới chính ông ta.


Nhưng nếu Oasinhtơn lên tiếng ủng hộ ông Mubarak, chính phủ Ai Cập có thể đàn áp mạnh hơn các nhà hoạt động vì dân chủ. Ông Crowley nói: "Với tư cách là một người bạn, chúng tôi đưa ra lời khuyên với chính phủ Ai Cập, nhưng những gì họ làm là tùy thuộc vào quyết định của họ".

Ông Leslie Gelb, cựu quan chức về chính sách đối ngoại và quốc phòng Mỹ cho rằng Mỹ đang ở vị thế đầy nguy hiểm vì việc Mỹ không ủng hộ một phía nào hoàn toàn khác so với sự ủng hộ truyền thống mà Oasinhtơn dành cho ông Mubarak trong những thập kỷ gần đây.


Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng tuyên bố của Mỹ về tình hình Ai Cập phù hợp với tuyên bố của ông Obama về dân chủ trong bài phát biểu của ông tại Cairô trước thế giới Hồi giáo năm 2009 - và những tuyên bố của Oasinhtơn kể từ khi đó.

TTK (Theo AP, AFP)