08:12 27/08/2016

Bát nháo tình trạng xâm phạm bản quyền tranh

Tình trạng xâm phạm bản quyền hay sao chép, làm tranh giả ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp, đã làm tổn hại không nhỏ đến thanh danh của những người làm nghệ thuật nước nhà. Và điều đáng nói là hiện nay vẫn chưa có hướng giải quyết tận gốc vấn đề này.

Tràn lan tranh chép, tranh giả

Việc 17 bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu về” (tháng 7/2016) đều là tranh giả, đã trở thành một scandal về tranh giả lớn nhất những năm gần đây, khiến giới mỹ thuật và công chúng bức xúc. Điều đáng nói là 17 bức tranh này đã “qua mặt” được Hội đồng thẩm định một cách ngoạn mục, rồi lại được đưa vào trưng bày triển lãm ngay giữa Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, mà không bị phát hiện. Chỉ đến khi triển lãm mở cửa, một số họa sỹ, nhà nghiên cứu đến xem, rồi khi họa sỹ Thành Chương đưa ra bằng chứng về một bức tranh do chính ông vẽ, lại bị ký tên họa sỹ Tạ Tỵ… thì mọi chuyện mới vỡ lở, cơ quan quản lý mới vào cuộc…

Bức tranh của họa sỹ Thành Chương bị ghi thành tranh của họa sỹ Tạ Tỵ

Vụ việc trên có lẽ chỉ là “giọt nước” làm “tràn ly”, bởi tình trạng xâm phạm bản quyền tranh, sao chép tranh vô tội vạ đã diễn ra ở Việt Nam từ rất lâu, và đến nay vẫn không kiểm soát được.

Trên đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội), có tới vài chục cửa hàng bán tranh. Đủ các loại tranh, đủ các chất liệu, phong cách. Từ tranh của những họa sỹ không mấy tên tuổi, đến tranh của những họa sỹ nổi tiếng trong nước, rồi tranh của các danh họa thế giới như Van Gogh, Picasso, đến cả nàng “Mona Lisa” của Leonardo Da Vinci, hay “Người đàn bà xa lạ” của Ivan Nikolaevich Kramskoi cũng có thể tìm thấy. Chủ một cửa hàng tranh trên đường Nguyễn Thái Học cho biết, chỉ cần khách hàng có nhu cầu, có thể tự chọn từ catalogue hoặc khách tự đưa ảnh mẫu, sau vài ngày là có thể có được một bức tranh sao chép với mức giá rất “phải chăng”, mà người chép không cần biết đó là tranh của tác giả nào, ở đâu...

Theo nhà nghiên cứu, phê bình Phan Cẩm Thượng, vào khoảng những năm 1988 - 1990, thị trường tranh giả của Việt Nam đã rất “sôi động”. Khi đó, thấy tranh của các họa sỹ lớn được nhiều người tìm mua, nhiều người buôn tranh đã thuê các họa sỹ khác sao chép lại những bức tranh lớn để đem bán sinh lời… Có những bức tranh do họa sỹ khác sao chép, cũng có bức tranh do chính họa sỹ chép lại tranh của mình để đem bán, hoặc chép theo yêu cầu... Và hầu hết mọi người chưa từng có khái niệm gì về bản quyền tranh, không có khái niệm về việc tranh đấy là duy nhất, mà họ chỉ quan tâm tới chuyện tranh bán được thì lại chép tiếp…

Thậm chí, cách thức chép tranh của các họa sỹ cũng trở thành “công nghệ”. Ai giỏi phần nào vẽ phần đấy. Ví dụ, tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái, các họa sỹ chia ra mỗi người một mảng, người vẽ nền trời, người vẽ phố cổ, người vẽ mái nhà cây cối… Việc tranh của các họa sỹ nổi tiếng, nhất là các họa sỹ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngày trước như tranh của Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Phan Chánh… bị sao chép nhiều đến mức, một nhà phê bình nghệ thuật phương Tây đã phải thốt lên rằng: “Khi còn sống, ông Phái vẽ nhiều bao nhiêu, thì khi mất đi ông ấy còn vẽ nhiều hơn thế”. Từ câu nói vui này, chúng ta cũng có thể thấy rằng việc sao chép hay làm giả tranh của các họa sỹ lớn từ đó đến bây giờ rất đáng báo động.

Khó kiểm soát

Từ những câu chuyện kể trên, có thể thấy, hiện tượng tranh giả hay sao chép tranh ở nước ta đang diễn ra vô cùng phổ biến. Nhà nghiên cứu, phê bình Phan Cẩm Thượng thừa nhận, việc vi phạm bản quyền hay tranh giả ở Việt Nam đã trở nên hết sức phức tạp, gần như không thể kiếm soát nổi. Cách thức chép hay làm giả những bức tranh cũng vô cùng phong phú và đa dạng.

Có thể từ một bức tranh thật người ta có thể chép ra nhiều bức khác nhau; có thể họ chép từ ảnh ra thành tranh; cũng có nhiều trường hợp dùng ký họa của những họa sỹ nổi tiếng để vẽ ra nhiều bức tranh khác nhau. Trường hợp này ông Dương Bích Liên, và ông Nguyễn Văn Chánh… bị nhiều, hay gần đây nhất là trường hợp của họa sỹ Thành Chương. Cũng có nhiều bức tranh từ bản vẽ màu bình thường nguyên bản, sẽ được chuyển sang tranh sơn mài, tranh vẽ lụa, hay có khi là ngay trên ảnh chụp lại… “Chính những điều đó làm cho uy tín của những họa sỹ Việt Nam bị ảnh hưởng, thậm chí rất khó đánh giá tài năng của các họa sỹ khi tranh giả tranh thật lẫn lộn. Không biết bao nhiêu lần, các nhà văn định viết sách về các họa sỹ lớn của Việt Nam nhưng không thể, vì không biết tranh thật của các họa sỹ như thế nào, và những bức tranh ấy đang ở đâu nữa”, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chia sẻ.

Trước tình trạng hỗn loạn của việc xâm phạm bản quyền các tác phẩm mỹ thuật Việt, một số họa sỹ đã phải tự tìm cách bảo vệ mình, một số họa sỹ đánh dấu ký hiệu riêng, có người cấp cho người mua giấy chứng nhận về tên bức tranh, kích cỡ, chất liệu… để người mua yên tâm.

Tuy nhiên, nhiều họa sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuật lo ngại, nếu cơ quan chức năng không sớm tìm biện pháp quản lý, và nếu tình trạng xâm phạm bản quyền tranh vẫn tiếp tục diễn ra tràn lan, không kiểm soát được như hiện nay, không chỉ giá trị của các họa sỹ Việt Nam bị giảm, thị trường tranh Việt bị ảnh hưởng, bởi người nước ngoài không còn tin tưởng vào các giá trị thật của tranh Việt do độ giả quá lớn… mà nó còn làm giảm sức sáng tạo của các thế hệ họa sỹ trẻ đương đại Việt Nam. Bởi không mấy ai không nản lòng thoái chí, khi thấy những tác phẩm nghệ thuật - đứa con tinh thần do mình vất vả sáng tạo ra, ngang nhiên bị sao chép với chất lượng kém, rồi được bày bán tràn lan mà không hề có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử phạt. Còn bản thân các họa sỹ, người nhà họa sỹ thì nếu có biết cũng chỉ có thể “kêu trời” như hiện nay.
Phương Hà