01:10 20/01/2022

Bất ngờ với thiết kế khu trục hạm mới của Mỹ rất giống Type 055 của Trung Quốc

Trong một diễn biến bất ngờ, Mỹ có thể đang lấy tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc làm cảm hứng thiết kế cho Tàu Khu trục Thế hệ mới (DDG-X) sắp tới của họ.

Chú thích ảnh
Ý tưởng tàu khu trục thế hệ mới DDG-X của Mỹ dường như đã mang một số đặc điểm thiết kế của khu trục hạm Trung Quốc, Type 055. Trong ảnh là tàu khu trục tên lửa dẫn đường Đại Liên lớp Type-055. Ảnh: Twitter.

Trong tháng 1 này, Mỹ đã công bố thiết kế Khu trục hạm Thế hệ Mới (DDG-X), nhằm mục đích thay thế 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga và các phiên bản cũ hơn của tàu khu trục Arleigh Burke. Thiết kế tàng hình DDG-X sẽ sử dụng động cơ đẩy điện tích hợp (IEP), trước đây đã được sử dụng trên lớp Zumwalt.

Công nghệ này giúp giảm tiếng ồn và độ rung có thể phát hiện được, tăng thời gian hoạt động và cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các hệ thống vũ khí. Nó sẽ được trang bị các biến thể lớn hơn của radar mảng pha quét điện tử chủ động AN / SPY-6 (AESA) - gắn trên các tàu khu trục lớp Flight III Arleigh Burke mới nhất, với thân tàu được thiết kế để phục vụ những nâng cấp cảm biến trong tương lai.

DDG-X ban đầu sẽ được trang bị khối 32 ống phóng của Hệ thống Phóng thẳng đứng Mk 41 (VLS), hoặc khối 12 ống của bệ phóng lớn hơn dành cho tên lửa siêu thanh. Lớp tàu này cũng được hình dung là sẽ trang bị vũ khí laser.

Chú thích ảnh
Tàu khu trục tên lửa Type 055 của Trung Quốc...
Chú thích ảnh
...và thiết kế tàu khu trục DDG-X của Mỹ.

Trong khi đó, tàu khu trục tên lửa Type 055 của Trung Quốc là tàu chiến mặt nước lớn nhất được chế tạo, lớn hơn 25% so với tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ. Nó có cấu hình tàng hình giống như DDG-X và được cung cấp năng lượng bởi một tuốc-bin khí và hệ thống đẩy chạy bằng khí (COGAG).

Type 055 được trang bị radar Type-346B AESA, tương tự như AN / SPY-6 trên các tàu khu trục Flight III Arleigh Burke. 

Tàu lớp Type 055 được trang bị vũ khí mạnh mẽ, có tới 128 ống phóng VLS được bố trí trong hai hầm chứa 64 ống mỗi hầm, một súng chính H / PJ-38 130 mm, hệ thống vũ khí tầm gần H / PJ-11 30 mm (CIWS), tên lửa chống ngầm Yu-8 và ngư lôi hạng nhẹ Yu-7 phóng từ hai ống phóng ngư lôi.

Sự tương đồng về vật lý nổi bật giữa thiết kế DDG-X của Mỹ và khu trục hạm Type 055 của Trung Quốc đã khiến một số nhà phân tích nhận xét rằng Mỹ có thể đang sao chép tàu chiến của Trung Quốc. Đáp lại, Hải quân Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận nào về suy đoán này.

Xem video tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc thử vũ khí (Nguồn: PLA Navy)

Nếu đúng là vậy, việc này sẽ đánh dấu một sự đảo ngược đáng kể đối với cách làm lâu nay của Trung Quốc là sao chép các thiết kế vũ khí của các nước khác, và có khả năng khiến Mỹ bị tụt sau trong quá trình đổi mới vũ khí. 

Trung Quốc được cho là đã tìm cách có được các công nghệ quân sự nhạy cảm từ nước ngoài. Một số vũ khí công nghệ cao của Trung Quốc có những điểm tương đồng nổi bật với các đối tác Mỹ và nước ngoài, chẳng hạn như các cặp máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và F-22, FC-31 và F-35, CH-4 / CH-5 và Máy bay không người lái MQ-9 Reaper, vận tải cơ Y-20 và C-17 Globemaster III, hay máy bay chiến đấu J-11 và Su-27.

Vũ khí có yếu tố “tham khảo” của Trung Quốc thường bị coi là bản sao kém hơn của phiên bản gốc từ nước ngoài. Ví dụ, động cơ máy bay chiến đấu của Trung Quốc được cho là kém hơn so với động cơ của Nga, điều này khiến Trung Quốc phụ thuộc vào Nga về động cơ phản lực để cung cấp năng lượng cho các máy bay chiến đấu mạnh nhất của họ. Việc Jordan bán bớt máy bay không người lái CH-4 do Trung Quốc sản xuất cho thấy sự không hài lòng với hiệu suất của loại máy bay này.

Tuy nhiên, sự tương đồng giữa tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc và thiết kế khu trục hạm DDG-X của Mỹ có thể xuất phát từ các yêu cầu về năng lực tương tự, do đó dẫn đến các thiết kế tương tự.

Chú thích ảnh
Thiết kế tàu DDG-X của Mỹ. Ảnh: US Navy.

Các yêu cầu về năng lực của Trung Quốc và Mỹ đối với lực lượng phòng không cho hạm đội, tác chiến trên mặt nước cũng như chỉ huy và kiểm soát trên biển có thể là cơ sở dẫn đến các yêu cầu thiết kế tương ứng của họ đối với một tàu chiến mặt nước lớn, được trang bị vũ khí mạnh có khả năng hoạt động trong vai trò soái hạm.

Nhưng trong một số trường hợp, Mỹ có thể còn "trên tay" Trung Quốc trong việc chọn lọc công nghệ và thiết kế của nước ngoài vào vũ khí của mình. Ví dụ, máy bay phản lực cất và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) F-35B tích hợp cùng công nghệ từ máy bay chiến đấu Yak-38 và Yak-141 hoạt động trên tàu sân bay từ thời Liên Xô.

Trong thời gian phục vụ, Yak-38 và Yak-141 có quá nhiều vấn đề kỹ thuật, do công nghệ VTOL (cất và hạ cánh thẳng đứng) của chúng chưa hoàn thiện. Sự tan vỡ của Liên Xô vào năm 1991 đã tước đi nguồn vốn của Nga để phát triển hơn nữa những chiếc máy bay phản lực đang thử nghiệm này, khiến nhà sản xuất Yakovlev lâm vào cảnh phá sản.

Tuy nhiên, năm 1991 Yakovlev và Lockheed Martin đã ký một thỏa thuận tiếp tục tài trợ cho nguyên mẫu Yak-141 để đổi lấy dữ liệu thiết kế còn hạn chế và các thử nghiệm bay. Thỏa thuận này mãi đến năm 1995 mới được tiết lộ.

Lockheed Martin không quan tâm đến việc phát triển thêm Yak-141, nhưng thiết kế động cơ vòi xoay của máy bay này và các dữ liệu bay thử nghiệm đã trở thành một công cụ để họ phát triển máy bay chiến đấu F-35B. 

Sự thành công của F-35B trong biên chế của Mỹ có thể đã thúc đẩy Nga xem xét phục hồi và hiện đại hóa thiết kế Yak-141 cho các hoạt động tác chiến tàu sân bay đương đại của mình.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asiatimes)