01:23 31/01/2013

Bất ngờ giải pháp xử lý mẩu thuốc lá

Doanh nhân ngành tái chế Tom Szaky đang góp phần “dập tắt” một trong những vấn nạn liên quan đến thuốc lá của thế giới, bằng cách tái chế các đầu mẩu thuốc đáng ghét thành những vật dụng có ích.

Doanh nhân ngành tái chế Tom Szaky đang góp phần “dập tắt” một trong những vấn nạn liên quan đến thuốc lá của thế giới, bằng cách tái chế các đầu mẩu thuốc đáng ghét thành những vật dụng có ích.


 

Phó Chủ tịch TerraCycle, Ernie Simpson giới thiệu hệ thống tái chế mẩu thuốc lá tại trụ sở công ty ở New Jersey.

Người thanh niên 30 tuổi đã bắt đầu gây dựng công ty TerraCycle của mình ở Trenton, bang New Jersey (Mỹ) sau khi bỏ ngang tại trường Đại học Princeton. Với Szaky, không có vật gì thực sự là vô giá trị, kể cả khi ta nói về những thứ ở trong hộp gạt tàn.


Trong một chương trình đã bắt đầu từ tháng 5/2012 ở Canađa và nay đang được đưa tới Mỹ và Tây Ban Nha, TerraCycle thu gom đầu mẩu thuốc lá và biến chúng thành nhựa, nguyên liệu được dùng cho bất cứ thứ gì.


Thứ rác thải gây khó chịu ở khắp các nước trên thế giới trước tiên được đập nát. Giấy và thuốc lá thừa để làm phân trộn; đầu lọc điếu thuốc, làm từ một loại nhựa gọi là cellulose acetate, được nấu chảy và biến thành nguyên liệu để làm ra một loạt sản phẩm nhựa công nghiệp, chẳng hạn như tấm nâng để vận chuyển các hàng hóa nặng.


Những người thu nhặt tình nguyện được tính điểm cho mỗi đầu mẩu thuốc, tiền thù lao trả theo điểm sau đó có thể được họ góp cho các quỹ từ thiện. Tất nhiên, TerraCycle không đủ sức chi trả cho các chi phí thu gom tốn kém và trên quy mô lớn như vậy, họ nhờ tới chính ngành công nghiệp thuốc lá.


Nhờ chương trình tái chế lạ lùng này, các vỉa hè bắt đầu trông sạch sẽ hơn, và việc làm ăn của TerraCycle, công ty chuyên bán các sản phẩm tái chế cho các hệ thống bán lẻ nổi tiếng như Walmart và Whole Foods, cũng bận rộn hơn.


Thực ra TerraCycle đã có cái nhìn sáng tạo tương tự với tất cả những thứ đồ thải khác, vốn tưởng chừng như không thể tái sử dụng. Vỏ hộp nước ép, chai nhựa, bút viết, vỏ kẹo, bàn chải đánh răng cũ, bàn phím máy tính…, tất cả đều có ích với những chiếc máy cán của TerraCycle. Một số thứ được đưa đi tái chế kiểu cổ điển, tức là biến chúng thành nguyên liệu thuần để sản xuất một sản phẩm hoàn toàn mới. Số khác được tái chế kiểu “kế thừa”, tức là hình dạng của món đồ phế thải vẫn được giữ lại, rồi kết hợp với những thành phần khác để tạo thành sản phẩm mới. Chẳng hạn, vỏ kẹo với các logo in trên đó, được sử dụng trong những cuốn sách, hoặc ráp nối với nhau để làm thành những chiếc ba lô xinh xắn.


“Sau khi bắt đầu dự án tái chế đầu mẩu thuốc lá ở Canađa hồi tháng 5/2012, chúng tôi đã thu gom được trên một triệu đầu mẩu thuốc lá chỉ trong một thời gian ngắn. Chương trình thành công đến mức chúng tôi tiếp tục phát động tại Mỹ và Tây Ban Nha”, CEO Szaky phát biểu tại trụ sở hãng ở New Jersey. Anh hy vọng dự án này sẽ lan tỏa khắp châu Âu và có thể là tại Mêhicô trong vòng 4 tháng tới. Ngoài mẩu thuốc lá, TerraCycle sẽ sớm bắt đầu chương trình tái chế bã kẹo cao su và “bỉm” trẻ em.


Mất khoảng 1.000-2.000 đầu mẩu thuốc lá để làm ra một cái gạt tàn nhựa và hơn 200.000 mẩu để làm một chiếc ghế ngồi chơi ngoài vườn. Theo Szaky thì nguồn cung không bao giờ thiếu vì nếu tính theo số lượng thì 37% rác thải của thế giới là đầu mẩu thuốc lá, với hàng ngàn tỉ mẩu mỗi năm.


Khoảng 35 triệu người tại 22 quốc gia đã tham gia vào các chương trình thu gom đồ phế thải cho TerraCycle. Chương trình này được tài trợ bởi nhiều doanh nghiệp, chẳng hạn như hãng thời trang Old Navy của Mỹ, hay hãng sản xuất kem và bàn chải đánh răng Colgate. “Khi nghĩ ra giải pháp cho thuốc lá, chúng tôi đã tìm đến các công ty lớn và giới thiệu với họ những sản phẩm làm từ mẩu thuốc lá. Họ không thể tin nổi và quyết định tài trợ mọi chi phí”, Szaky cho biết.


Công ty TerraCycle của anh bắt đầu được gây dựng chỉ với hai thành viên, mang theo ý tưởng thu gom phân giun để làm phân bón. Nay thì họ đã có khoảng 100 nhân viên. Szaky tuyên bố, anh muốn giải quyết mọi loại rác thải: “Với tôi, rác thải không tồn tại trong tự nhiên!”.


Thu Hằng