Chuyên gia nói về cải tạo chung cư cũ

Các chuyên gia đưa ra những góc tiếp cận về nhà chung cư: sở hữu, hợp tác dân- doanh, quy định độ cao công khai…

GS - TSKH Đặng Hùng Võ: Nên có quan điểm mới về sở hữu nhà chung cư

Ở các nước phát triển, họ đều có Luật Chung cư, trong đó quy định chung cư chỉ được tồn tại bao nhiêu năm. Luật Chung cư quy định thời hạn bán căn hộ chung cư không bán lâu dài.




Chung cư đã xuống cấp nguy hiểm, nhưng do người dân chưa đồng ý
với tỷ lệ quy đổi sang diện tích nhà ở mới nên chưa cải tạo, xây mới


Chúng ta nên áp dụng hình thức như vậy để dễ dàng cho việc quy hoạch thành phố trong tương lai. Ví dụ, Nhà nước bán quyền sử dụng 1 khu đất hay quyền ở căn hộ chung cư chỉ trong 50 năm hay 70 năm. Nghĩa là hết thời gian quy định, người sử dụng phải tìm nơi khác để ở. Khi đó, Nhà nước cũng đã phải sẵn sàng có các khu chung cư khác, giá hợp lý để bán cho người sử dụng tiếp tục mua để ở.

Luật quy định như vậy có 2 ý nghĩa: Chung cư bán có thời hạn thì giá sẽ rẻ. Thứ hai, việc quy định có thời hạn như vậy sẽ giúp công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị thuận lợi. Ví dụ, nếu các khu tập thể Kim Liên, Giảng Võ, Thành Công... bán có thời hạn thì nay đã đến hạn phải di chuyển mà Nhà nước không phải bồi thường. Tại những khu vực di dời, Nhà nước có thể quy hoạch lại thành đường giao thông, không gian công cộng... rất thuận lợi mà không gặp rắc rối như hiện nay.

TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Người dân chung cư và doanh nghiệp có thể hợp tác

Hiện nay, có tình trạng chung cư đã xuống cấp nguy hiểm, nhưng do người dân chưa đồng ý với tỷ lệ quy đổi sang diện tích nhà ở mới nên chưa cải tạo, xây mới được.

Để giải quyết vấn đề này, hai bên (dân chung cư và doanh nghiệp) có thể hợp tác. Theo đó, người dân chung cư là người góp đất sẽ được hưởng 30% lợi nhuận. Còn doanh nghiệp là đối tác liên kết, có vốn làm dự án và kinh doanh dự án sau này sẽ được hưởng 70% lợi nhuận.

Thậm chí, các hộ dân ở chung cư cũng có thể tập hợp nhau lại thành một tổ chức (công ty, hợp tác xã...), tự thuê thiết kế, xin cấp phép xây mới chung cư và tự kinh doanh siêu thị, văn phòng cho thuê, bãi gửi xe... như các doanh nghiệp đang làm. Hình thức này đã được các chuyên gia Thụy Điển gợi ý với chúng ta từ nhiều năm trước đây.

GS - TSKH Nguyễn Thế Bá, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Quy hoạch Việt Nam:

Cần quy định công khai độ cao của từng khu vực

Quy hoạch Thủ đô của Liên Xô trước đây cũng đã định vị rõ từ khu vực nội thành có chiều cao trung bình là bao nhiêu. Có quy định chiều cao trung bình nhưng phải hiểu là không phải các tòa nhà đều có chiều cao như nhau mà là có tòa xây cao, có tòa chỉ được xây thấp tùy từng vị trí, để đảm bảo sự phù hợp trong không gian kiến trúc. Nếu một khu tập thể mà có hàng chục tòa nhà có chiều cao như nhau sẽ là phản kiến trúc.

TP Hà Nội nên quy định công khai các chung cư đang có nhu cầu cải tạo, xây mới như: Ở vị trí nào thì được xây cao bao nhiêu tầng, vị trí nào sẽ chỉ được xây thấp tầng. Việc công khai này giúp doanh nghiệp bớt thời gian "xin phép". Qua đó giúp chương trình cải tạo chung cư cũ của Hà Nội được đẩy nhanh tiến độ.

Ông Phạm Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng (INCOMEX): Cải tạo chung cư cũ - phải được xây cao tầng mới có lãi

Thực tế triển khai xây mới chung cư B14 của Khu tập thể Kim Liên cho thấy, để có lãi trong một dự án cải tạo - xây mới chung cư, các tòa nhà phải được phép xây dựng với chiều cao từ 17 đến 25 tầng, bởi đã mất hơn một nửa số tầng trong tòa nhà phải trả lại cho người dân tái định cư. Nếu tòa nhà chỉ được phép xây 10 tầng thì doanh nghiệp chỉ hòa vốn, 15 tầng thì lãi không đáng kể . Cạnh đó là rất nhiều chi phí tốn kém khác làm đội giá thành công trình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN