04:07 19/04/2014

Bất động sản tồn kho giảm mạnh

Tại hội nghị Ban chỉ đạo TƯ về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) tổ chức ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng cho biết, các ngân hàng đã giải ngân được gần 1.700 tỷ đồng từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, tăng khoảng 500 tỷ đồng so với cuối tháng 2.

Tại hội nghị Ban chỉ đạo TƯ về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) tổ chức ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng cho biết, các ngân hàng đã giải ngân được gần 1.700 tỷ đồng từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, tăng khoảng 500 tỷ đồng so với cuối tháng 2. Thị trường cũng đang đón nhận nhiều dấu hiệu tích cực khi tồn kho BĐS giảm mạnh so với thời gian trước.


Tồn kho giảm 1.770 tỷ đồng


Từ những tháng đầu năm, thị trường BĐS đã đón nhận những tín hiệu tích cực với lượng giao dịch tăng mạnh. Trong quý I, lượng giao dịch qua sàn ở Hà Nội là 1.500 lượt, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 15 ngày đầu tháng 4 cũng có tới 800 lượt giao dịch thành công.

 

Dù đã có một số dấu hiệu lạc quan nhưng thị trường BĐS vẫn cần thêm trợ lực. Ảnh: Hoàng Dương

 


Ngoài ra, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, xu hướng giảm giá bất động sản đã ngừng. Ngoại trừ các dự án ở xa trung tâm, có hạ tầng chưa đồng bộ, các dự án đang hoặc đã hoàn thiện ở trung tâm thậm chí còn tăng giá. Nhiều dự án có vị trí và tiến độ tốt, cơ cấu căn hộ đa dạng có tính thanh khoản cao.


Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam biết thêm, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với BĐS đã có những dấu hiệu tích cực. Ông Nam dẫn chứng, trong năm 2009, thời điểm thị trường BĐS phát triển mạnh, dư nợ (số tiền ngân hàng cho vay trong lĩnh vực BĐS) lên tới 270.000 tỷ đồng. Đến đầu năm 2011, khi tín dụng BĐS bị siết, con số này giảm xuống còn 230.000 tỷ đồng. Nhưng đến cuối tháng 2 năm nay, dư nợ cho BĐS đã đạt khoảng 266.000 tỷ đồng. “Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS hiện nay đã gần xấp xỉ thời điểm cao nhất trước đây”, ông Nam nhận định.


Cùng với đó, tính đến ngày 25/2, tổng giá trị tồn kho BĐS còn gần 92.700 tỷ đồng, giảm khoảng 1.770 tỷ đồng (tương đương 1,87%) so với tháng 12/2013. Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tỷ lệ nợ xấu BĐS giảm là phù hợp với xu thế giảm của hàng tồn kho. Những tín hiệu tích cực có được là do chính sách tổng thể của Nhà nước nhằm hỗ trợ thị trường đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận cần phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn thông qua việc đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.


Kiến nghị thêm cơ chế


Về tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, tính đến hết ngày 15/4, trong tổng số tiền mà 5 ngân hàng cam kết cho khách hàng vay với 3.365,9 tỷ đồng đã có 1.699,4 tỷ đồng được giải ngân. Như vậy, từ tháng 6/2013 (thời điểm bắt đầu triển khai) đến ngày 15/4, gói 30.000 tỷ đồng đã giải ngân được 5,6%, tăng gấp 3 lần thời điểm cuối năm 2013. Khối lượng giải ngân tính tới giữa tháng 4 đã tăng khoảng 500 tỷ đồng so với cuối tháng 2.

Các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho 3.962 hộ gia đình, cá nhân vay với số tiền 1.504 tỷ đồng; hiện đã giải ngân được cho 3.941 hộ với số tiền là 975,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cam kết cho các doanh nghiệp vay đối với 21 dự án với số tiền là 1.862 tỷ đồng; trong đó, giải ngân cho 17 dự án với dư nợ 723,8 tỷ đồng.


Theo đánh giá của Ban chỉ đạo TƯ về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, mặc dù lãi suất cho vay ưu đãi đã giảm từ 6%/năm xuống còn 5%/năm từ tháng 1/2014 nhưng mức này vẫn cao so với thu nhập của người dân, nhất là khi lãi suất tiền gửi đã giảm. Hiện mức lãi suất này được nhận định chỉ phù hợp với những người có thu nhập trung bình và ổn định.


Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ đã thẩm tra sơ bộ và chuyển danh mục gồm 81 dự án sang Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để xem xét, thẩm định cho vay. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 21 dự án được ký hợp đồng vay vốn, trong đó có 17 dự án đã được giải ngân. Cùng với hàng loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân, hiện Bộ Xây dựng cũng đang chờ Chính phủ xem xét đề xuất mở rộng đối tượng được vay vốn từ gói tín dụng này cũng như thêm ngân hàng thương mại tham gia vào chương trình.


Theo đó, Bộ Xây dựng kiến nghị mở rộng đối tượng vay vốn đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thương mại giá rẻ. “Những hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng cũng có thể được vay thay vì khống chế về đơn giá và diện tích như hiện nay”, ông Nam cho biết. Theo quy định, những nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2 mới được vay tiền từ gói 30.000 tỷ đồng.


Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình từ 10 năm lên 15 năm để giảm sức ép trả nợ.


Thu Hằng - Hoàng Dương