08:12 25/08/2011

Bắt dân lập di chúc theo ý cán bộ xã

Phòng ngừa chuyện tranh chấp đất đai giữa các con sau này nên ông Tiến đã gửi đơn đề nghị lập di chúc ra UBND xã Đại Đồng. Tuy nhiên, cán bộ xã đã đề nghị ông Tiến lập di chúc theo gợi ý của họ...

Vụ việc xảy ra tại xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ông Nguyễn Văn Tiến là cha liệt sĩ hiện sống với người con trai út. Nhưng vợ chồng người con trai này khi làm ăn khấm khá lại đối xử tệ bạc với ông. Phòng ngừa chuyện tranh chấp đất đai giữa các con sau này nên ông đã gửi đơn đề nghị lập di chúc ra UBND xã Đại Đồng. Tuy nhiên, cán bộ xã đã đề nghị ông Tiến lập di chúc theo gợi ý của họ! Ông Tiến không đồng ý, cán bộ xã lập Biên bản Di chúc không thành, trả lại hồ sơ cho gia đình.

Mờ ám từ buổi họp đầu tiên

Ông Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1934, thường trú tại thôn Văn Ổ, xã Đại Đồng, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Ông có 6 người con, 2 trai, 4 gái, trong đó 1 con trai đã hy sinh tại chiến trường Campuchia vào năm 1979. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi chỉ sau 2 tháng, vợ ông là bà Trịnh Thị Vy qua đời vì tai nạn ô tô. Ông ở vậy nuôi cậu con trai sinh năm 1971, lúc đó mới 8 tuổi và lần lượt lo cho 4 cô con gái yên bề gia thất.

Năm 1998, ông cho con trai út xây dựng gia đình với mong ước nhanh có cháu nối dõi. Niềm vui chẳng tày gang, chỉ sau một tuần sống chung, mâu thuẫn nảy sinh, ông phải ăn riêng trong gian nhà lụp xụp kể từ đó đến nay. Nhiều lần các con gái muốn đón ông về nuôi, nhưng ở cái tuổi gần đất xa trời, ông chỉ muốn sống, chết trên mảnh đất của tổ tiên. Điều đau xót nhất là khi vợ chồng anh con trai út làm ăn khấm khá, lại mong ông chết nhanh. Ông quyết định lập di chúc để chia đất đai cho các con, sau hơn mười năm chịu đựng sự bạc đãi của vợ chồng con trai út.

Ngày 5/8/2011, ông Tiến làm đơn xin lập di chúc đưa ra UBND xã Đại Đồng cùng đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu của nhân viên pháp lý. Trong đơn ông trình bày rõ ý nguyện của mình: “Tôi di chúc cho con trai một nửa số đất, một nửa còn lại cho 4 con gái. Mỗi bên sẽ để một phần diện tích làm lối đi chung. Khi nào tôi chết, di chúc mới có hiệu lực”.

Năm lần bảy lượt ông Tiến được triệu tập lên UBND xã Đại Đồng để cán bộ xã tư vấn nội dung di chúc theo ý của họ.

Tuy nhiên ngay buổi họp đầu tiên giữa gia đình ông Tiến và UBND xã Đại Đồng, do ông Nguyễn Tiến Mừng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng chủ trì; ông Đặng Văn Thảnh, phụ trách địa chính xã đã hù dọa: "Nếu cụ chia thế này, không sợ nó (tức con trai ông) đánh cụ mà chỉ sợ nó đánh các bà con gái". Ông Thảnh gợi ý: “Theo tôi, gọi vợ chồng nó lên, hỏi nó nếu nó cam kết nuôi cụ đến lúc chết thì cho nó cả mảnh đất ấy, nếu nó không nuôi thì một nửa mới cho 4 bà con gái”. Ông Tiến không đồng ý, ông nói: “Hơn chục năm nay vợ chồng nó bạc đãi với tôi, đau xót lắm tôi mới phải làm thế này. Di chúc là ý nguyện của tôi, đề nghị các anh giúp giải quyết nhanh chóng”.

Trưa hôm 12/8, ông Nguyễn Tiến Mừng có gọi điện cho con gái cả của ông Tiến lên ủy ban và mập mờ rằng hình như hồ sơ cấp sổ đỏ trên huyện đã đứng tên Nguyễn Văn Tuấn (con trai ông Tiến). Gia đình ông Tiến bắt đầu hiểu ra nguyên nhân vì sao vợ chồng con trai ông luôn mong ông chết sớm.

Lý lẽ của ông phó chủ tịch xã

Chiều 15/8/2011, ông Mừng cùng nhân viên địa chính xuống thực địa đất đai của ông Tiến, sau khi đo đạc, ông Mừng xác nhận diện tích thực là 346m2, nhiều hơn so với diện tích trích lục tại bản đồ địa chính xã năm 2001 là 60m2 (tại tờ bản đồ số 18, thửa số 486, diện tích chỉ có 268m2). Ông Tiến khẳng định chắc chắn năm 2001, xã đo thiếu, vì gia đình ông sống trên mảnh đất này từ năm 1977, tường rào với các gia đình đã xây, cả làng đều biết, làm sao đất tự dưng nở thêm được 60m2. Ông Mừng một lần nữa lấy ý kiến của ông Tiến, ông Tiến giữ nguyên quan điểm.

Gần trưa ngày 16/8/2011, đích thân ông Nguyễn Tiến Mừng vào gặp riêng ông Tiến để thuyết phục. Ông Mừng nói với ông Tiến: “Không làm di chúc cho con gái được. Lúc ông chết người lo ma chay vẫn là con trai, ông nên di chúc cho con trai”. Ông Tiến không đồng tình. Ông Mừng tiếp tục đưa một số trường hợp những gia đình cho con gái đất rồi bị chúng bán đi. Ông Tiến vẫn giữ nguyên lập trường. Cuối cùng ông Mừng đưa phương án: “Một nửa cho hẳn con trai, phần trước chỗ đất còn lại (25m2 sát mặt đường) sẽ cho thằng cháu nội, còn lại ông Tiến đứng tên”. Ông Tiến rất bức xúc, hôm sau đã lên ủy ban thắc mắc về việc tại sao cán bộ xã không làm theo ý nguyện của người di chúc, mà lại vào vận động thuyết phục làm theo ý kiến của cán bộ xã, như vậy là đã vi phạm pháp luật.

Di chúc không thành vì không theo ý cán bộ xã

Sáng ngày 18/8, gia đình ông Tiến gồm ông Tiến và các con đã có mặt ở UBND xã Đại Đồng để làm di chúc theo lời mời của cán bộ pháp lý, anh Đỗ Văn Chiến. Anh Chiến khẳng định: “Ông Tiền đáp ứng đầy đủ và đúng yêu cầu của việc lập di chúc, sẽ không có gì cản trở”.

Biên bản "Lập di chúc không thành" được ông Nguyễn Tiến Mừng và ông Đặng Văn Thảnh lập sau khi ông Nguyễn Văn Tiến không chấp nhận phương án cán bộ xã đưa ra.

Tuy nhiên, bắt đầu cuộc họp, ông Mừng hỏi ông Tiến giống kiểu hỏi cung:

- Ông có đồng ý cho hẳn anh Nguyễn Văn Tuấn một nửa đất không? Có đồng ý làm sổ đỏ luôn cho anh Tuấn không?

- Tôi di chúc cho con trai một nửa, nhưng phải bỏ 4m chiều dài, 6,3m chiều ngang làm ngõ đi chung, một nửa cho 4 con gái, cũng bỏ 4m chiều dài, 6,3m chiều ngang làm lối đi chung. Khi nào chết di chúc mới có hiệu lực. Ông Tiến trả lời.

Ông Mừng tiếp tục hỏi:

- Chỗ còn lại ông sẽ đứng tên hay để 4 người con gái? Phần đi chung chỉ tính trước phần diện tích còn lại, nhà anh Tuấn không phải để diện tích đi chung.

Người nhà ông Tiến nhắc nhở: Di chúc là ý nguyện của người có tài sản, di chúc chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc chết. Ông Mừng gay gắt: Tôi là người nắm pháp luật. Phía gia đình ông Tiến phản đối: Ông nắm pháp luật đề nghị làm đúng pháp luật. Những gì ông nói là cho tặng tài sản chứ không phải di chúc.

Ngay sau đó, ông Thảnh, phụ trách địa chính xã đi vào yêu cầu chỉ được để lối đi chung trước nhà con gái, nhà anh Tuấn không phải để lối đi chung và đây là quy định nông thôn mới về để đường xóm. Và chốt một câu đầy uy lực: Không đồng ý, không giải quyết!

Ông Tiến quá bức xúc, nói: Các anh là cán bộ, cầm cán cân công lý mà làm trái quy định, trái pháp luật. Di chúc là ý nguyện của tôi, tại sao lại ép tôi phải theo ý nguyện của các anh.

Sau đó ông Mừng và ông Thảnh ra ngoài hội ý. Sau mươi phút, ông Mừng đi vào, đưa hai phương án cho ông Tiến lựa chọn:

1.Nửa đất làm sổ đỏ luôn cho con trai (cho luôn); nửa kia cho 4 con gái, khi nào chết mới có hiệu lực. Lối đi chung chỉ nằm trên phần đất của con gái. Nếu đồng ý thì lập di chúc.

2.Nếu không đồng ý thì xã sẽ lập Biên bản Di chúc không thành, gia đình lên huyện.

Thông tin thêm: Theo quy định tại Điều 652, 653, 654 của Bộ luật Dân sự 2005, di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ điều kiện: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. Di chúc bằng văn bản phải có người làm chứng. Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Ông Tiến không đồng ý với phương án do cán bộ xã đưa ra. Thế là ông Mừng lập Biên bản Di chúc không thành với lý do diện tích đất thực tế lớn hơn diện tích tại bản đồ địa chính.

Đây là một “căn cứ” do chính cán bộ xã tạo ra khi đo đạc lại diện tích đất của gia đình ông Tiến. Nhiều người dân khi am hiểu câu chuyện này đã đặt vấn đề là, trên mảnh đất gia đình ông Tiến đã ở từ năm 1977, đã xây tường bao, không có tranh chấp mà khi cán bộ xã đo đạc lại tự nhiên “nở” ra 60 m2 so với bản đồ địa chính của xã. Rằng, từ xưa tới nay, việc đo đạc, lập bản đồ địa chính đều là do cán bộ xã làm, người dân như ông Tiến không thể tự đo đạc và lập bản đồ địa chính. Vậy thì 60 m2 đất kia là dư ra hay là đúng với thực địa? Việc đó là trách nhiệm của xã, nếu sai thì phải điều chính và phải xin lỗi dân; không thể lấy đó làm căn cứ để cản trở người dân thực thi quyền công dân chính đáng của họ. Dư luận cũng đặt câu hỏi rằng, việc để cho đất “nở” ra 60 m2 có liên quan gì đến việc làm sai trái của ông Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Mừng khi buộc người làm di chúc theo ý mình?

Lập di chúc là một việc làm rất bình thường từ cổ chí kim, từ đông sang tây, vậy mà lại trở thành vấn đề phức tạp ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Nguyên nhân là do hành vi sai trái của cán bộ xã. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ.

Nhóm phóng viên