Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua mua bán và sát nhập (M&A) vẫn có sự tăng trưởng. Chỉ tính 10 tháng năm 2021, tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đã đạt 8,8 tỷ USD.
Tại diễn đàn “Mua bán – Sát nhập doanh nghiệp năm 2021” được tổ chức sáng ngày 9/12 tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hơn một thập kỷ qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian đó, thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn thương vụ được thực hiện thành công, đạt tổng giá trị hơn 50 tỷ USD.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD.
Báo cáo phân tích của Công ty kiểm toán KPMG cho thấy, 10 tháng năm 2021, tổng giá trị các giao dịch M&A tại Việt Nam đạt 8,8 tỷ USD với hơn 500 thương vụ giao dịch được công bố. Trong đó, giá trị giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước chiếm 1,6 tỷ USD với hơn 130 thương vụ giao dịch. Đặc biệt, có 5 công ty hàng đầu trong nước thực hiện các thương vụ M&A có giá trị giao dịch lên đến 1,1 tỷ USD trong tổng số 1,6 tỷ USD.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, so với năm 2020, giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 18%. Trong đó, giá trị các giao dịch M&A đến từ các ngành tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính thu hút nhiều đầu tư nhất, chiếm 58% tổng giá trị các giao dịch.
Theo phân tích của ông Warrick Cleine, với sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, dân số đông và tốc độ đô thị hóa nhanh, miếng bánh thị phần này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, các thương vụ lớn nhất đều thuộc về các công ty hoạt động trong những lĩnh vực này, bao gồm thương vụ Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui đầu tư 1,3 tỷ USD vào FE Credit, Quỹ SK South East Asia đầu tư 140 triệu USD vào Vincommerce, Baring và Alibaba đầu tư 400 triệu USD vào Crown. Tất cả đều diễn ra trong nửa đầu năm 2021.
Bên cạnh 3 ngành kể trên, ngành công nghệ cũng đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A liên quan đến công nghệ ghi nhận sự tăng vượt bậc về cả giá trị và số lượng. Cụ thể, số lượng thương vụ tăng gấp 2 lần, tổng giá trị tăng trưởng hơn gấp 3 lần so với cả năm 2020, đạt gần 1 tỷ USD, thậm chí vượt mức trước khi dịch xảy ra.
Theo ông Warrick Cleine, nhân tố thúc đẩy chính đến từ nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ cũng như để đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến thay thế trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn ra. Việc giao dịch trực tuyến được kì vọng sẽ tiếp tục phát triển, kể cả sau khi dịch bệnh kết thúc nhờ vào quyết tâm chuyển đổi số của Chính phủ, cùng với đó là sự tăng trưởng về số lượng người tiêu dùng trẻ có hiểu biết về công nghệ.
Một số công ty Việt Nam đang hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này, bao gồm VNG, VNPay, Sky Mavis, MoMo và Tiki. Những công ty này đã huy động thành công hàng trăm triệu USD, trở thành hay tiệm cận các công ty “Kỳ lân”. Có thể thấy, các thương vụ nổi bật gần đây, bao gồm khoản đầu tư 258 triệu USD vào TiKi được dẫn đầu bởi Bảo hiểm AIA; Sky Mavis nhận được 152 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư dẫn dắt bởi Andreessen Horowitz; hay MoMo huy động 100 triệu USD từ Warburg Pincus và một số quỹ khác.
Ngoài công nghệ, các nhóm ngành tài chính, thương mại điện tử và chuỗi khối (Blockchain)… cũng cho thấy tiềm năng với những thương vụ đáng chú ý. Đáng được nhắc đến là khoản đầu tư gần đây của Mekong Capital vào công ty khởi nghiệp mảng công nghệ y tế Gene Solutions - công ty tiên phong trong lĩnh vực di truyền học tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ trên cho thấy, M&A tại Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn, các nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh cũng như giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ.
“Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 -2023.” Đây là một chương trình tổng thể, có quy mô đủ lớn, hỗ trợ cả về phía cung và cầu, thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các kế hoạch đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế… Sau khi chương trình được thông qua và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022, sẽ góp phần quan trọng để nền kinh tế có thể phục hồi nhanh và phát triển bền vững, thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.
Sáng ngày 9/12, Diễn đàn “Mua bán – Sát nhập (M&A) doanh nghiệp” lần thứ 13 – năm 2021, do Báo Đầu tư tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Diễn đàn có sự tham gia của 10 diễn giả và các lãnh đạo cao cấp đến từ các tổ chức, tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, kỳ vọng Diễn đàn M&A sẽ góp phần kết nối cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong năm 2022. Đặc biệt, khi độ phủ tiêm vaccine phòng COVID-19 trên toàn thế giới tăng nhanh, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam sẽ hồi phục. Theo đó, sẽ có sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Á, mà ở đó Việt Nam luôn là một địa chỉ được nhấn mạnh. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, UVFTA… sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.