11:05 16/11/2018

Bất cập vận tải khách liên tỉnh - Bài 1: Cạnh tranh thiếu lành mạnh

Hàng loạt xe đến giờ xuất bến nhưng không có khách hoặc chỉ có vài khách là điều thường xuyên xảy ra ở bến xe Giáp Bát thời gian gần đây.

Nhìn cả “đống tiền” đắp chiếu ngủ đông nhưng nhiều chủ xe bất lực trước tốc độ phát triển như vũ bão của lực lượng xe dù, xe tư nhân, xe hợp đồng chở khách liên tỉnh hoạt động bất chấp các quy định, luật lệ, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí đẩy nhà xe đến bờ vực phá sản.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy phép lái xe. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Rơi vào tình cảnh thua lỗ

“Xe trong bến phải chấp hành tất cả các quy định của Nhà nước, thuế, phí đầy đủ song không thể cạnh tranh được với xe hợp đồng Limousine chở khách liên tỉnh bất chấp quy định, không cần giờ giấc, đưa đón tại nhà. Loại xe này thiết kế vốn có 16 ghế, nay hay hoán cải chỉ còn 9 ghế để được vào trung tâm thành phố đón khách. 90% xe khách của doanh nghiệp đang hoạt động đều phải vay vốn ngân hàng, nhưng hiện hoạt động cầm chừng. Tần suất hoạt động 5 - 7 phút/chuyến nhưng thường xe xuất bến chỉ có 3 - 5 khách. Xe chạy tuyến huyện tốt nhất cũng chỉ được chục khách, không đủ tiền xăng dầu, nhà xe giữ gìn không tranh khách của nhau đã là cực kỳ quý”, anh Vũ Văn Tú, Công ty cổ phần vận tải ô tô Ninh Bình than thở.

Vừa qua lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã ra quân mạnh nhưng vẫn chưa xử lý được nạn “xe dù”, "bến cóc”. Sự lộng hành của “xe dù” cộng với thói quen không chịu vào bến mua vé mà đứng đón xe ngay ngoài cổng bến Giáp Bát hay trên đường Kim Đồng hoặc yêu cầu đến đón tại nhà của hành khách khiến tình trạng xe dù vẫn tồn tại dai dẳng, gây khó khăn cho hoạt động của các nhà xe trong bến Giáp Bát.

“Xe dù" đón khách dọc đường nếu xe trong bến không đón thì lấy gì mà sống” là tâm lý đang diễn ra của nhiều lái xe trong bến trước sức ép cạnh tranh với lực lượng hùng hậu "xe dù", xe hợp đồng trá hình chở khách liên tỉnh hiện nay.

Là nhà xe có lượng khách khá ổn định, nhà xe Phương Trang có tổng đài cho khách đặt vé, thuê phòng chờ cho khách tại bến. Tuy nhiên, sau khi loại xe Limousine xuất hiện trên thị trường vận tải hành khách liên tỉnh và gia tăng không kiểm soát thì sản lượng vận chuyển hành khách của công ty xe khách Phương Trang cũng sụt giảm trầm trọng.

“Với phương châm 1 khách cũng chạy và chỉ đón khách tại bến, không bắt khách trên đường, hoạt động của nhà xe Phương Trang hiện nay đang lỗ nặng. Doanh nghiệp trước có 16 xe chạy nay đã phải bán bớt 4 xe, chỉ còn 12 xe hoạt động. Để đảm bảo công bằng, hành khách được chăm sóc tốt hơn còn nhà xe hoạt động ổn định thì tất cả nhà xe đều phải vào bến”, chị Lê Thị Liên, Công ty xe khách Phương Trang đề xuất.

Mặc dù đã nhiều lần ra quân, xử lý nhưng cho đến nay, vấn nạn xe dù, bến cóc vẫn phát sinh và tồn tại trên địa bàn Hà Nội, bất chấp sự vào cuộc, loay hoay tìm các giải pháp xử lý của cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng. Nhiều nhà xe trong bến hoạt động thu không đủ bù tiền xăng dầu, chỉ biết trông chờ vào những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ tết khi loại xe hợp đồng không nhận khách vì chỉ chở khách quen để bù vào những ngày vắng khách. Hoặc để cạnh tranh với “xe dù”, nhiều xe ra khỏi bến cũng vòng vèo đón khách gây mất trật tự an ninh trên địa bàn.

Lách luật và biến tướng

Theo phản ánh của các nhà xe, hiện nay, tuyến Hà Nội - Nam Định là tuyến có nhiều xe Limousine hoạt động chở khách liên tỉnh nhất, với khoảng 50 - 60 xe chạy thường xuyên. Trung bình mỗi ngày có khoảng 6 lượt đi, về/xe, riêng ngày cuối tuần hầu như loại xe này không nhận khách mà chỉ đón khách quen. Những xe Limousine được hoán cải từ 16 chỗ xuống 9 chỗ tự do luồn lách vào các tuyến phố để đón khách trong nội đô, hoạt động không có giờ giấc, bến bãi.

Xe Limousine đăng ký chạy hợp đồng không phải chạy xe liên tỉnh. Theo quy định đối với xe hợp đồng thì nhà xe phải có hợp đồng chở khách với danh sách hành khách, địa điểm đón và địa điểm đến cùng một nơi và danh sách này phải có trước khi xuất bến. Nhưng thực tế, sau khi gom khách nhà xe mới ghi tên hành khách vào bản hợp đồng (hợp đồng do doanh nghiệp tự đóng dấu treo, ký tên) để qua mắt lực lượng kiểm tra.

Xe hợp đồng hoạt động không bến bãi, điểm đầu, điểm cuối với ưu điểm đến tận nhà đón khách, giá cả phải chăng nên đã hút một lượng hành khách đáng kể của xe trong bến.

Anh Phan Nam, một hành khách đi tuyến Hà Nội - Nam Định phản ánh, gần khu vực bến xe Giáp Bát và Nước ngầm có 2 "bến cóc” là tụ điểm của "xe dù” đón trả khách, đó là khu vực gần chung cư Nam Đô Complex 609 Trương Định và chung cư bán đảo Linh Đàm, đoạn rẽ ra đường vành đai 3. Cứ tầm 5 giờ sáng, xe Limousine đón trả khách ở những địa điểm này rất tấp nập mà không có ai kiểm tra, xử lý.

Khu vực phía ngoài cổng ra của bến xe Mỹ Đình cũng từng được biết đến là một địa điểm để “xe dù” đón khách, chủ yếu là khách quen hoặc có người giới thiệu, vì nhà xe không bán vé.

Chế tài chưa đủ mạnh

10 tháng năm 2018, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 7.812 trường hợp trong lĩnh vực vận tải hành khách, phạt trên 8,8 tỷ đồng, tạm giữ 81 phương tiện, tước Giấy phép lái xe có thời hạn 1.274 trường hợp, tước 97 phù hiệu xe khách, 12 phù hiệu taxi; tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 1 xe khách. 

Số liệu thống kê 7 tháng năm nay, lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố cũng đã kiểm tra xử lý 215.359 trường hợp, phạt hành chính 73,5 tỷ đồng, tước Giấy phép lái xe 12.321 trường hợp.

Riêng đối với loại hình vận tải theo hợp đồng, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chỉ mới chấn chỉnh, nhắc nhở 374 xe hợp đồng, Limousine, Grab vi phạm các quy định, chủ yếu do các lỗi dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Trong quá trình kiểm tra, xử lý xe khách liên tỉnh vi phạm, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 14, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố, Trung tá Lê Văn cho biết, loại hình vi phạm xe hợp đồng trá hình chở khách liên tỉnh cực kỳ khó xử lý. Khi tiến hành kiểm tra, hành khách phần lớn đều bao che cho nhà xe, phải mất rất nhiều công sức, thời gian mới xử lý được một chiếc.

Xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định đang dồn áp lực ngày càng nặng nề lên mạng lưới giao thông của Hà Nội; tạo nên môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gây thất thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm và gián tiếp bóp nghẹt các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính. Tình trạng này tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay đòi hỏi các cấp thẩm quyền và ngành chức năng sớm có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường vận tải hành khách liên tỉnh, đảm bảo quyền lợi cho hành khách cũng như các nhà xe hoạt động trong bến.

Bài 2: Biến tướng tinh vi

Tuyết Mai (TTXVN)