03:07 31/03/2017

Bất cập từ công trình đập thủy lợi triển khai nửa vời

Đập Thủy lợi Đăk Rơn Ga được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt xây dựng ngày 14/8/2007 với tổng mức đầu tư 128 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Hệ thống kênh mương hoàn thành hơn 4 năm nhưng chưa một lần đưa vào sử dụng, hiện đang xuống cấp.

Theo thiết kế, đập có dung tích phục vụ tưới nước cho 829 ha cây công nghiệp thuộc 2 xã Tân Cảnh và Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô). Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, những hạng mục hoàn thành chưa đưa vào sử dụng của đập đã xuống cấp nghiêm trọng, kênh mương hư hỏng, bị rác thải chôn vùi.

Năm 2014, đập Đăk Rơn Ga bắt đầu tích nước nhưng đồng thời “nuốt chửng” đường vào khu sản xuất của 40 hộ dân ở thôn 4, xã Tân Cảnh, ảnh hưởng đến khâu vận chuyển nông sản vào mùa thu hoạch của gần 500 ha cây công nghiệp chủ yếu là cao su, cà phê, sắn, bời lời, cây ăn quả.

Sau những kiến nghị của người dân từ các cuộc tiếp xúc cử tri, UBND huyện Đăk Tô đã mở đường mới vòng sang bên kia sườn núi thay thế cho đoạn đường bị ngập. Thế nhưng, đường mới vòng quá xa, chỉ phục vụ được một số hộ dân có rẫy gần đó, số còn lại phải vận chuyển nông sản về đất liền bằng thuyền. 5 gia đình có nhà tại khu sản xuất phải di chuyển hằng ngày bằng thuyền.

Bức xúc vì không có đường đi, 25 hộ dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc không có đường vận chuyển nông sản đã góp hơn 100 triệu đồng, mua đất tự mở đường để vào khu sản xuất.

Anh Nguyễn Văn An, thôn 4, xã Tân Cảnh chia sẻ: Chúng tôi phải tự mua đất, mở đường mòn dài gần 2 km liên xã Tân Cảnh - Ngọc Tụ, cắt ngang qua đồi để tới được khu sản xuất. Còn anh Nguyễn Văn Toản, thôn 2, xã Tân Cảnh cho biết: Gia đình tôi có 5 ha cao su, 1 ha cà phê và 5 sào tiêu bên khu sản xuất.

Khi đập tích nước, đường chìm trong lòng hồ, người dân phải đi lại bằng thuyền gây ảnh hưởng đến sản xuất.

Trước đây mùa thu hoạch xe vào tới nơi vận chuyển dễ dàng, nay đường cũ bị ngập, đường tự mở nguy hiểm. Nông sản giờ phải chở bằng thuyền qua đập về đất liền, rất bất tiện, thu nhập giảm đáng kể. Thay mặt cho người dân thôn 4, ông Phạm Duy Chiến - Bí thư Chi bộ thôn 4 nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa có phản hồi.

Không chỉ có 40 hộ dân bên này, ở phía bên kia đập có gần 20 hộ dân cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Người dân phản ánh lòng hồ chứa nước trước đây chỉ là con suối nhỏ, người dân tự bắc cầu, vận chuyển nông sản theo đường mòn dân sinh.

Khi đập tích nước, đường chìm trong lòng hồ, nông dân trở thành "ngư dân". Để qua lại rẫy, người dân phải tự sắm thuyền di chuyển rất bất tiện, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và quá trình vận chuyển nông sản vào mùa thu hoạch.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết: Năm 2014, sau khi tích nước, hồ Đăk Rơn Ga đã đem lại hiệu quả. Mặc dù chưa đưa nước vào kênh mương nhưng người dân đã đặt máy bơm trực tiếp xuống hồ để lấy nước sản xuất, đảm bảo nước tưới cho diện tích cây công nghiệp trong mùa khô.

Tháng 8/2015, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc nước dâng làm mất đường, UBND tỉnh Kon Tum giao huyện Đăk Tô sớm có giải pháp khắc phục đường đi vào khu sản xuất của các hộ dân bị ngập nước nhưng huyện do chưa có kinh phí thực hiện nên đến nay người dân vẫn chưa có đường.

Đối với các hạng mục đập thủy lợi chưa đưa vào sử dụng nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, ông Tuấn cho rằng thực tế khi bắt đầu xây dựng dự án thủy lợi Đăk Rơn Ga năm 2010 thực hiện theo chủ trương làm đến đâu hết kinh phí thì dừng đến đó.

Đập tràn thủy lợi Đăk Rơn Ga xả nước trực tiếp vào ruộng của các hộ dân gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Năm 2012, đập chứa nước hoàn thành nhưng phần thi công kênh mương phụ hết kinh phí thực hiện, công trình tạm ngưng xây dựng cho đến nay.

Lý do công trình hoàn thành hơn 4 năm nhưng chưa đưa vào sử cụng là do toàn bộ phần kênh chính bằng bê tông, cốt thép gần như đã được xây dựng xong nhưng các đầu mối chuyển từ kênh chính sang kênh phụ bằng đất không đảm bảo an toàn nên nhà đầu tư chưa cho xả nước về đến các vùng hưởng lợi vì nguy cơ sạt lở, tràn nước gây ngập úng rất cao.

Đầu năm 2017, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt dự án kiên cố hóa kênh mương và công trình trên mương thủy lợi Đăk Rơn Ga để xây dựng bê tông những phần kênh mương còn lại, sớm đưa công trình vào sử dụng.

Trước khi có đập thủy lợi Đăk Rơn Ga, không có nguồn nước tưới người dân 2 xã Tân Cảnh, Ngọc Tụ chủ yếu trồng cây mì cao sản và cao su. Từ khi có hồ chứa, một số hộ đã dần chuyển đổi sang trồng cà phê cho nguồn lợi kinh tế cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, diện tích trồng cà phê chỉ tập trung xung quanh hồ chứa vì bà con đặt trực tiếp máy bơm ven hồ lấy nước chứ chưa có hệ thống kênh mương đến các vùng xa hơn.

Bài và ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)