10:20 31/10/2017

Bất cập trong xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, làng nghề tại Hà Nam

Những năm qua cùng với phát triển khu công nghiệp thì việc quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng được đẩy mạnh.

Song do việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa cao, đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.

Tại Cụm công nghiệp Nhật Tân, huyện Kim Bảng, nước thải của một số doanh nghiệp vẫn đang xả trực tiếp ra các kênh mương, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nước thải chưa được xử lý lênh láng trên các kênh mương, ao hồ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và đời sống của người dân nơi đây.

Mặc dù năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã triển khai xây dựng 2 trạm xử lý nước thải cách cụm công nghiệp Nhật Tân khoảng 1 km, nhằm thu gom nước thải của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp và nước thải của các hộ sản xuất ở làng nghề Nhật Tân. Song 2 trạm xử lý nước thải này chỉ hoạt động cầm chừng đến năm 2012 đã ngừng hoạt động do thiếu kinh phí.

Nằm ở vị trí giao thông thuận tiện, Cụm công nghiệp Hoàng Đông, huyện Duy Tiên thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư, chủ yếu ở các lĩnh vực như mây giang đan, may mặc, thêu ren, giày da, hóa mỹ phẩm... Dù đây là cụm công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nhưng có số lượng doanh nghiệp cũng khá nhiều. Nhưng do thiếu kinh phí nên cụm công nghiệp này cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải dù đã được quy hoạch.

Không chỉ riêng đối với các cụm công nghiệp mà tại các làng nghề, vấn đề môi trường cũng đang trong tình trạng báo động. Nhiều làng nghề trong tỉnh đang đối mặt với ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất... Nguyên nhân chính là do các làng nghề xen lẫn khu dân cư, phần lớn các chất thải không được thu gom, xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường xung quanh. Làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên vẫn còn hơn 300 hộ gia đình duy trì nghề truyền thống của cha ông. Các hóa chất như ôxy già, bột tạp, nước ja-ven và thuốc nhuộm các loại được sử dụng thường xuyên tại các cơ sở nhỏ lẻ ngay giữa khu dân cư.

Hầu hết chất thải nguy hại trong sản xuất dùng các loại hoá chất sau xử lý chưa hết vẫn còn nồng độ lớn khi thải ra môi trường. Trong quá trình sản xuất, do dùng các loại hóa chất, thuốc nhuộm và than đá đã phát sinh nguồn khí thải phát tán trong không khí  ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 17 cụm công nghiệp và gần 200 làng nghề truyền thống, làng nghề và làng có nghề với lượng nước thải chưa qua xử lý thải ra môi trường hàng năm tương đối lớn. Nhưng toàn tỉnh mới chỉ có 1 trạm xử lý nước thải được đầu tư tại cụm công nghiệp Cầu Giát, huyện Duy Tiên bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp trong cụm yên tâm sản xuất. Còn trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp, làng nghề Nhật Tân, huyện Kim Bảng dừng hoạt động đã lâu.

Riêng trạm xử lý nước thải dệt nhuộm tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân dù mới hoàn thành nhưng do công suất thực tế vượt công suất thiết kế nên xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn. Các dự án xây dựng trạm xử lý nước thải của cụm công nghiệp, làng nghề này chủ yếu đều sử dụng vốn Trung ương, nguồn vốn ODA hỗ trợ. Nhưng chi phí quản lý, vận hành do ngân sách địa phương nên khó duy trì bền vững…

Do vậy, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh Hà Nam cần có các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là việc xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, làng nghề.

Thanh Tuấn (TTXVN)