05:09 07/05/2011

Bất cập trong quy định quản lý tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long

Sau gần một tháng xảy ra sự cố đắm tàu Trường Hải 06 làm 12 người bị thiệt mạng, ngày 15/3/2011, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định 716/2011/QĐ-UBND nhằm tăng cường quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch tham quan trên Vịnh Hạ Long.

Sau gần một tháng xảy ra sự cố đắm tàu Trường Hải 06 làm 12 người bị thiệt mạng, ngày 15/3/2011, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định 716/2011/QĐ-UBND nhằm tăng cường quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch tham quan trên Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, do chính sách mới quá “thắt” chặt và gấp rút thực hiện, không có lộ trình khiến việc thực thi quyết định của tỉnh chưa tạo được sự đồng thuận của đa số các chủ tàu đang kinh doanh vận tải hành khách trên Vịnh.

Ông Đào Mạnh Lượng, Chủ tịch Chi hội Du thuyền Hạ Long cho biết: Các chủ tàu đều đánh giá cao việc UBND tỉnh sớm ban hành Quyết định 716 quy định cụ thể về công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch, bao gồm quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động đối với tàu chở khách du lịch, tàu kinh doanh dịch vụ ăn uống, tàu lưu trú du lịch, người phục vụ trên tàu... và đặc biệt các tiêu chí đảm bảo an toàn kỹ thuật của tàu, phòng ngừa ô nhiễm môi trường Vịnh được đặt lên hàng đầu. Các chủ tàu đều cho rằng, các quy định này cần được áp dụng ngay đối với những tàu đóng mới, tuy nhiên cần có lộ trình áp dụng đối với những con tàu đang hoạt động kinh doanh.

Theo quyết định trên, các tàu du lịch bằng gỗ chỉ được phép khai thác trong vòng từ 6 đến 7 năm (đối với tàu hạng nhất và hạng hai, tàu được phép lưu trú qua đêm trên Vịnh) và 8 năm đối với tàu hạng ba (không được lưu trú). Thêm vào đó, mỗi con tàu này chỉ được phép gia hạn 1 lần với thời gian tối đa là 2 năm sau khi tàu đã được sửa chữa, hoán cải, nâng cấp. Sau năm 2015, chấm dứt việc gia hạn tàu hạng hai.

Như vậy, với số tiền đầu tư không dưới 10 tỷ đồng cho một con tàu hạng sang (1 và 2) thì trong vòng 6, 7 năm, doanh nghiệp không thể thu hồi vốn, chứ chưa nói đến tiền lãi.

Con tàu Phương Tín 10/QN3619-HC của Công ty Phát triển du lịch Hạ Long vừa được hoán cải, nâng cấp từ đầu năm 2011 với số vốn đầu tư lên tới 6 tỷ đồng. Sau khi được nâng cấp, tàu Phương Tín 10 gần như là một con tàu đóng mới hạng hai, với đầy đủ tiện nghi, các thiết bị an toàn đều đảm bảo tốt, nội thất khang trang tựa khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, theo ông Bùi Bá Tín, chủ con tàu này cho biết: Nếu áp dụng Quyết định 716 thì con tàu của ông, tính từ thời điểm này chỉ còn được khai thác một năm rưỡi nữa là phải lên bờ. Như vậy số tiền 6 tỷ đồng mà ông bỏ ra để nâng cấp hoán cải là không thể thu hồi được và gây lãng phí lớn.

Hiện có khoảng 500 tàu hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên Vịnh Hạ Long, trong đó có 150 tàu lưu trú qua đêm. Nếu áp dụng quy định mới này, sẽ có khá nhiều tàu lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long sắp hết thời hạn 7 năm khai thác phải lên bờ, hoặc phải chuyển xuống hạng cấp thấp hơn (hạng 3) để khai thác tuyến thêm 1 năm.

Ông Lê Văn Phong, Giám đốc Công ty Du lịch Hải Phong cho biết: Nếu áp dụng quy định về tuổi tàu của Quyết định 716 cho các con tàu đang hoạt động thì sẽ gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho các chủ tàu, bởi mỗi con tàu được các chủ tàu ước tính khấu hao trong vòng 12 năm (dài hơn 5 năm so với qui định tại Quyết định 716).

Ông Đào Mạnh Lượng, Chủ tịch Chi hội Du thuyền Hạ Long phản ánh: UBND tỉnh cần có một lộ trình thực hiện Quyết định 716 hợp lý đối với các phương tiện đang hoạt động. Đồng thời, chính quyền địa phương nên tổ chức một cuộc hội thảo với sự tham gia của chủ thể bị tác động là các chủ tàu để đánh giá một cách chuẩn nhất, công bằng nhất, làm tiền đề tốt nhất cho Quyết định 716 đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Văn Đức