11:10 16/11/2010

Bất cập trong quản lý nhóm, lớp mầm non tư thục

Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh có khoảng 70 - 80 ngàn trẻ đi học các trường mầm non nhưng hệ thống trường công lập chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Đó là lý do khiến các trường, nhóm trẻ tư thục mọc lên như nấm.

Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh có khoảng 70 - 80 ngàn trẻ đi học các trường mầm non nhưng hệ thống trường công lập chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Đó là lý do khiến các trường, nhóm trẻ tư thục mọc lên như nấm. Tuy nhiên không ít trường làm ăn chộp giật, sử dụng những giáo viên chưa qua đào tạo nên khó tránh khỏi những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Trong khi đó công tác quản lý loại hình trường, lớp này lại đang gặp phải nhiều khó khăn.

Bảo mẫu kiêm giáo viên


Cần phải siết chặt công tác quản lý tại các nhóm trẻ tư thục
nhằm hạn chế hậu quả đáng tiếc xảy ra.



Ba trường sư phạm tại thành phố đào tạo hết công suất cũng chỉ đáp ứng được 1.000 giáo viên mầm non mỗi năm. Trong khi đó, mỗi năm TPHồ Chí Minh có khoảng 70 - 80 ngàn trẻ đi học mầm non. Tại các trường công lập do học phí rẻ và cơ sở vật chất tốt nên sĩ số trẻ tại mỗi lớp thường từ 40 - 60 trẻ/lớp, trong khi đó tiêu chuẩn là chỉ có 25 - 30 trẻ/lớp. Sĩ số vượt chuẩn như thế nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh buộc phải gửi con em mình vào các trường, nhóm trẻ tư thục, trong đó có cả những trường, nhóm trẻ tư thục chất lượng kém, không đảm bảo an toàn cho trẻ.

Chị Nguyễn Thị Gấm, ngụ ở quận Thủ Đức, công nhân may trong Khu chế xuất Linh Trung có con gửi trong một nhóm tư thục, chia sẻ: "Thấy báo, đài đưa tin về vụ bé Lê Quang Vinh bị cô giáo phạt nhốt vào thang máy, thương tích đầy mình, tôi cũng thấy lo sợ khi phải gửi con trong những trường, nhóm tư thục. Mỗi lần rước con về tôi đều phải xem xét xem trên người con mình có vết gì lạ không. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng trước khi cho các cơ sở tư thục hoạt động thì cần phải có sự kiểm tra về chất lượng để phụ huynh không phải lo sợ khi gửi con vào đây”.

Theo quy định, mỗi nhóm trẻ tư thục chỉ được nhận nuôi 50 trẻ nhưng thực tế có rất nhiều cơ sở phình to với vài trăm trẻ như nhiều cơ sở ở quận 6, quận 8, Bình Tân, Tân Phú… Nhiều cơ sở chỉ có một bảo mẫu và một giáo viên/lớp có sĩ số lên đến 40 - 60 trẻ và số bảo mẫu này kiêm cả nhiệm vụ giáo viên. Mặt khác, một số chủ cơ sở và người quản lý cơ sở mầm non tư thục chưa thật sự quan tâm đến công tác chuyên môn, đội ngũ quản lý, giáo viên chưa ổn định nên ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, dạy dỗ trẻ.


Cô Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT) TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: Đa số các nhóm, lớp mầm non tư thục đều thiếu giáo viên. Giáo viên thiếu nên nhiều cơ sở phải sử dụng bảo mẫu thay thế, số bảo mẫu này chỉ được đào tạo trong 3 tháng hoặc 6 tháng. Hiện toàn thành phố có khoảng 2.390 bảo mẫu và 5.000 giáo viên đang làm việc tại các cơ sở tư thục. Còn tại các cơ sở công lập thì có hơn 8.000 giáo viên, trong khi đó tỉ lệ trẻ ở khu vực công lập và tư thục là gần ngang nhau (53% - 47%). Bên cạnh đó, các bảo mẫu này ban ngày đi làm, tối về đi học nâng cao nên việc chăm sóc và dạy dỗ các cháu chưa đạt yêu cầu. Hơn nữa, với cường độ ngày đi làm với nhiều áp lực, tối lại phải đi học không có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động nên nhiều khi các cô khó có thể làm chủ được hành vi của mình, lúc đó hậu quả sẽ khó lường.

Thiếu cán bộ quản lý

Bên cạnh việc cấp giấy phép ồ ạt cho các nhóm trẻ mầm non tư thục hoạt động thì việc quản lý, thanh kiểm tra đang gặp phải khó khăn vì thiếu cán bộ quản lý mảng giáo dục mầm non. Cụ thể, tại các quận, huyện như: Hóc Môn, Củ Chi, Bình Tân…, các trường, nhóm trẻ tư thục mọc lên rất nhiều nhưng chỉ có 1- 2 cán bộ phụ trách. Trong khi đó, những cán bộ này lại còn phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc. Tại Phòng Giáo dục mầm non quận 2, chuyên viên tổ mầm non chỉ có 2 người nhưng kiêm nhiệm công tác của 3 ngành học như: Tổ chức bán trú, y tế học đường; giáo dục khuyết tật hòa nhập; vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra phụ trội cho giáo viên mầm non… cho nên không có thời gian cho chuyên môn và việc đi cơ sở giám sát bị hạn chế.

Đại diện của Phòng Giáo dục quận Tân Bình chia sẻ: Nhiều cán bộ quản lý chỉ thích làm việc tại các trường học chứ không thích về phòng giáo dục làm việc vì công việc vất vả. Số trường mầm non ngày càng tăng đồng nghĩa với việc đi thực tế, kiểm tra cơ sở cũng phải nhiều hơn. Chỉ riêng đi kiểm tra các cơ sở công lập còn chưa đủ nhân lực nói chi đến kiểm tra các nhóm trẻ ngoài công lập, trong khi đó họ lại không được thêm một khoản phụ cấp nào.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Thanh, nhằm hạn chế được những trường hợp đáng tiếc xảy ra thì cần phải siết chặt hơn nữa việc thành lập các trường, nhóm lớp mầm non tư thục và tăng cường những khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức cho giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố.


Đan Phương