05:08 05/05/2014

Bất cập trong giao đất, giao rừng-Bài 1: Tranh chấp đất rừng

Hiện nay, tình trạng tranh chấp đất rừng giữa người dân và các công ty lâm nghiệp diễn ra phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Để giải quyết vấn đề này, việc giao đất giao rừng phải làm sao để người dân không bị biến thành lao động làm thuê. Nói cách khác, họ phải là “người chủ thực sự” của rừng.

Hiện nay, tình trạng tranh chấp đất rừng giữa người dân và các công ty lâm nghiệp diễn ra phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Để giải quyết vấn đề này, việc giao đất giao rừng phải làm sao để người dân không bị biến thành lao động làm thuê. Nói cách khác, họ phải là “người chủ thực sự” của rừng.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế, huyện Yên Thế (Bắc Giang) khai thác gỗ. Ảnh: Quang Quyết -  TTXVN

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới nông - lâm trường quốc doanh (LTQD), việc sử dụng đất và tài nguyên rừng của các LTQD vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tình trạng mâu thuẫn trong sở hữu đất đai giữa lâm trường và người dân địa phương còn diễn ra phổ biến, thậm chí có nơi diễn ra khá gay gắt.


Dân thiếu đất sản xuất


Tân Thành là một xã thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, nằm cách trung tâm huyện 15 km. Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, số lượng dân cư sinh sống trên địa bàn xã tăng nhanh, nhưng địa phương lại không có phương án giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân. Để có đất sản xuất, nhiều hộ dân đã tự khai hoang trên phần đất của Công ty lâm nghiệp Đông Bắc (tiền thân là Lâm trường Đông Bắc), đơn vị quản lý 3.700 ha đất rừng tại Hữu Lũng.


Tuy nhiên, khi có kế hoạch trồng rừng, công ty này đã thu lại phần diện tích đất khai hoang của các hộ dân. Điều này khiến nhiều gia đình thiếu đất sản xuất: Trung bình, mỗi hộ chỉ còn 1-2 sào.


Để duy trì cuộc sống, các hộ dân không còn cách nào khác là tiếp tục canh tác trên diện tích đất rừng của Công ty lâm nghiệp Đông Bắc. Công ty khai thác rừng trồng tới đâu, người dân tiến hành trồng sắn, keo tới đó. Công ty đã ký hợp đồng khoán với người dân. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, mức khoán mà công ty giao cho họ là quá cao. Do vậy, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất giữa người dân và lâm trường vẫn kéo dài.


Cụ thể, tại thôn Cốt Cối, xã Tân Thành (huyện Hữu Lũng), người dân được công ty giao khoán đất kèm phân bón, cây giống để trồng bạch đàn và keo, chu kỳ khoảng 5 năm sẽ thu hoạch. Sau khi thu hoạch gỗ, người dân phải nộp lại cho lâm trường từ 24-32 m3/ha.


Ông Lăng Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, mức thu khoán này chiếm tới gần 50% sản lượng. Sau khi trừ chi phí, số lãi còn lại của người dân không đáng kể.


Bà Nguyễn Thị Hương, thôn Cốt Cối, nói thêm: “Đất cằn nên năng suất trồng rừng rất thấp, không nhận khoán từ lâm trường, tuy nhiên, người dân vẫn cần đất để mưu sinh nên nhiều hộ vẫn phải chiếm đất của lâm trường”.


Bên cạnh đó, theo định mức tại Thông báo số 118 của Công ty Đông Bắc, mỗi hộ dân sẽ được nhận khoán 1-1,5 ha. Nhưng thực tế, mỗi hộ chỉ nhận dược 0,5-0,7 ha. Tổng số diện tích đất rừng được giao cho người dân trong thôn Cốt Cối khoảng 50-60 ha. Trong khi đó, công ty lại giao khoán cho một hộ bên ngoài thôn tới 120 ha. Các hộ cũng không được tham gia vào Chương trình 327 (chương trình quốc gia về tạo mới và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc) và 661 (dự án trồng mới 5 triệu ha rừng) mà công ty thực hiện.


Việc Công ty lâm nghiệp Đông Bắc giao đất cho người bên ngoài thôn đã làm cho người dân bức xúc; khiến việc khiếu kiện về đất đai tại lâm trường kéo dài.


“Thời gian dành cho việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ dân và công ty chiếm tới 70% quỹ thời gian làm việc của tôi. Hàng năm có hàng trăm vụ tranh chấp đất đai mà xã phải giải quyết”, Phó Chủ tịch xã Tân Thành cho biết.


Đại diện UBND huyện Hữu Lũng thừa nhận, kể cả khi Công ty lâm nghiệp Đông Bắc trả lại một phần đất để huyện giao cho dân, huyện cũng không có kinh phí thực hiện việc rà soát và giao đất cho người dân. Huyện cũng không biết sẽ giải quyết mâu thuẫn như thế nào, đặc biệt là mâu thuẫn về quyền hợp pháp và truyền thống trong sử dụng đất rừng.


Vênh giữa sơ đồ và thực địa


Thực tế, việc tranh chấp đất giữa lâm trường và người dân đã xảy ra tại nhiều nơi trong cả nước. Tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), có 15 bản đồng bào dân tộc, thì ở tất cả các bản đều xảy ra tranh chấp đất đai giữa người dân và Công ty Long Đại (tiền thân là Liên hiệp Lâm trường Long Đại). Theo công ty này, tổng diện tích đất tranh chấp giữa công ty và người dân là 42 ha và diện tích đất của công ty bị người dân lấn chiếm là 20 ha. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Công ty M’Đrăk (Đắk Lắk).


Theo các chuyên gia lâm nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do diện tích đất rừng được giao cho các công ty lâm nghiệp chồng lấn lên đất sản xuất của người dân đã canh tác lâu đời.


“Trên bản đồ thì đâu vào đấy nhưng trên thực địa thì không đúng như vậy. Thực tế, người dân đã khai thác, sử dụng đất rừng qua nhiều thế hệ, nhưng sau đó Ban quản lý rừng phòng hộ tới quy hoạch đất này cho các lâm trường. Còn về phía người dân, khi chứng minh đất của mình, họ cũng được UBND cấp xã xác nhận. Do vậy, đây chính là điểm phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp đất rừng giữa lâm trường và người dân”.


Bà Vũ Thanh Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Vùng cao (CERDA), cho biết: “Nhiều người dân cho rằng, gia đình họ đã canh tác 4 đời trên mảnh đất đó. Nay công ty lại tiến hành thu đất theo quy hoạch được giao. Vì vậy, mâu thuẫn xảy ra đương nhiên”.


Ngoài ra, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng và Chứng chỉ rừng cho rằng, cấp tỉnh, thành phố cấp sổ đỏ cho giám đốc lâm trường nhưng UBND xã lại lấy đất giao cho dân. Hiện nay, người dân chủ yếu làm thuê cho các lâm trường. Làm thế nào để người dân có quyền hợp pháp trong việc sử dụng đất rừng; để người dân có thể làm chủ thay vì làm thuê như hiện nay vẫn là một câu hỏi lớn. Trả lời được câu hỏi này thì mới tìm vấn đề cốt lõi để người dân xóa đói giảm nghèo.


H.V


Bài cuối: Cần giải pháp sử dụng đất rừng hiệu quả