08:09 13/08/2022

Bất cập tại 'siêu dự án' trồng cao su ở Nghệ An - Bài 1: Không như kỳ vọng

Để thực hiện dự án trồng cao su ở Nghệ An, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An đã được tỉnh bàn giao hơn 12.500 ha đất tại các huyện miền núi: Quế Phong, Anh Sơn, Thanh Chương. Dự án được kỳ vọng không chỉ giúp Nghệ An có thêm sản phẩm xuất khẩu, tăng nguồn thu cho ngân sách mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội của người dân trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Những giấy tờ về tranh chấp giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An với cộng đồng thôn bản tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An). Ảnh: TTXVN phát

Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, dự án này không chỉ chậm tiến độ, quá trình triển khai dự án còn xảy ra tình trạng tranh chấp với người dân thôn, bản - nơi triển khai dự án. Các vấn đề pháp lý của dự án như thủ tục giao đất, xin thuê đất theo quy định phải hoàn thành trước khi triển khai, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết phản ánh những bất cập tại "siêu dự án" trồng cao su này.

Bài 1: Không như kỳ vọng

Nhằm tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An kịp thời trồng cao su trong vụ Thu năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản đồng ý về chủ trương cho đơn vị này tiến hành trồng cao su trước khi UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất. Từng được kỳ vọng sẽ tạo động lực thay đổi bộ mặt vùng miền núi Nghệ An, thế nhưng quá trình triển khai dự án, nhiều vấn đề bất cập đã nảy sinh, liên quan đến việc chồng lấn quy hoạch, tranh chấp đất đai… khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Sau gần 10 năm triển khai, dự án trồng cao su của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nghệ An là một trong 5 dự án trồng rừng, cao su và dược liệu chậm tiến độ mà UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu xử lý. Hàng nghìn ha đất rừng không được sử dụng, thiếu sự chăm sóc, trông coi không chỉ tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, phá rừng, mà còn gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Tranh chấp kéo dài

Theo phản ánh của người dân bản Chiếng, bản Quang Vinh, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, quá trình triển khai dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An đã san ủi đất và trồng cao su vào 7 ha đất tại tiểu khu 85 và 3,2 ha đất tại tiểu khu 82. Đây là những phần đất do cộng đồng dân bản quản lý đã được nhà nước giao đất, giao đất tạm thời theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP về giao đất cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp quản lý từ năm 2003, 2012. Nhân dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, yêu cầu Công ty phải đền bù thiệt hại nhưng đến nay đã gần 10 năm, cây cao su đã lớn và cho thu hoạch, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Chú thích ảnh
Thủ tục giao đất, xin thuê đất theo quy định phải hoàn thành trước khi triển khai dự án thì sau gần 10 năm triển khai dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An vẫn chưa hoàn thành. 

Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, mặc dù mới được quy hoạch, chưa có quyết định giao đất, thuê đất của cấp có thẩm quyền, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An đã trồng cao su tại xã Tiền Phong và xã Hạnh Dịch. Quá trình triển khai, Công ty không thông báo cho chính quyền địa phương và người dân, không tổ chức kiểm tra, bàn giao ngoài thực địa, không tiến hành kiểm kê hiện trạng giải phóng mặt bằng trước khi thiết kế hồ sơ. Ngoài ra, đơn vị này còn trồng lấn sang khoảng 7 ha đất do người dân bản Quang Vinh quản lý và 22,6 ha thuộc tiểu khu 77 do UBND xã Hạnh Dịch quản lý. Đây là phần đất không có trong quy hoạch trồng cao su theo Quyết định 4081/QĐ-UBND ngày 13/9/2013 của UBND tỉnh Nghệ An. Đơn vị này còn trồng lên đất được giao cho người dân bản Chiếng, xã Hạnh Dịch quản lý theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP về giao đất cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, khoảng 3,2 ha.

UBND huyện đã nhiều lần làm việc với Công ty và ban hành nhiều văn bản, kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan. Tuy nhiên, đến nay phía Công ty không phối hợp giải quyết. Để giải quyết dứt điểm vụ việc trên, UBND huyện đề nghị giải quyết theo quy định của Luật Đất đai 2013. Trường hợp hòa giải không thành công, gửi đơn đến Tòa án UBND huyện Quế Phong để được giải quyết theo quy định.

Trong khi đó, theo đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An, đơn vị này tiếp quản toàn bộ diện tích mà Tổng đội TNXP 7-XDKT Nghệ An đang quản lý theo Quyết định 1364/QĐ-UBND.ĐT ngày 26/4/2011 về việc sáp nhập Tổng đội TNXP 7-XDKT Nghệ An vào Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nghệ An của UBND tỉnh Nghệ An, trong đó có đất ở tiểu khu 82, 85. Vì vậy, đối với việc tranh chấp 7ha ở tiểu khu 85, đại diện Công ty cho rằng, năm 2012, UBND huyện Quế Phong giao đất gắn với giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân bản Quang Vinh (ngày nay) mà không thông báo cho Công ty biết và không có quyết định thu hồi đất trong diện tích mà Công ty đang quản lý. Việc làm này chưa đúng quy định của Luật Đất đai. Riêng tại tiểu khu 82, quá trình triển khai, đơn vị đã bồi thường giải phóng mặt bằng cho 6 hộ dân (trong đó có 3,2 ha đất do Chi đoàn Đoàn Thanh niên bản Chiếng quản lý), có đại diện UBND xã Hạnh Dịch chứng kiến. Về nội dung này, Công ty đề nghị thành lập đoàn công tác kiểm tra thực địa. Trường hợp nếu diện tích này chưa chi trả tiền hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật, còn nếu diện tích này đã có bồi thường hỗ trợ, UBND xã phải thu hồi số tiền này từ các hộ đã nhận tiền và chuyển trả cho Đoàn Thanh niên.

Đề nghị kiểm tra

Sau khi được phê duyệt quy hoạch, ngày 24/7/2014, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 5199/UBND-NN đồng ý về chủ trương để Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An tiến hành trồng cao su trước khi UBND tỉnh thu hồi đất đối với diện tích của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển cao su Nghệ An, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông lâm nghiệp Sông Hiếu, thống nhất với lý do để kịp trồng cao su trong vụ Thu năm 2014.

Sau đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An tiến hành trồng hàng ngàn héc-ta cao su. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án đã nảy sinh những bất cập, được UBND huyện Quế Phong chỉ rõ. Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An chưa lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất theo quy định của Luật Đất đai; quy hoạch đất trồng cao su chồng lấn với diện tích đất UBND tỉnh đã thu hồi của Lâm trường Quế Phong giao cho địa phương quản lý với diện tích khoảng 1.045 ha. Quy hoạch không phù hợp với thực tế địa phương như quá sát với khu dân cư, đầu nguồn sông suối. Công ty không phối hợp với địa phương trong việc rà soát, bóc tách điều chỉnh quy hoạch.

Ngoài ra, hơn 500 ha được quy hoạch trồng cao su thuộc rừng tự nhiên tại xã Tiền Phong (chưa tiến hành trồng cao su), chồng lấn với phương án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư của xã Tiền Phong theo đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018.

Dựa trên những tồn tại đó, ngày 22/6/2020, huyện Quế Phong có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đưa vào kế hoạch kiểm tra trong năm 2020. Đồng thời cho rằng, nếu dự án không có đủ điều kiện thực hiện đối với diện tích đã quy hoạch nhưng chưa triển khai trồng cao su thì đề xuất UBND tỉnh chủ trì cùng với các sở, ban, ngành có liên quan làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An và yêu cầu Công ty trả lại số diện tích đó để tránh tình trạng quy hoạch treo, lãng phí đất đai; không ai chịu trách nhiệm chính khi có hỏa hoạn, phá rừng xảy ra. Mặt khác, yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An thực hiện đầy đủ các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai đối với phần diện tích đã trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong.

Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, ngoài địa bàn Quế Phong, dự án trồng cao su của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An còn triển khai ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, cũng đang tồn tại nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Bài cuối: Lời giải bài toán 'đất đai'

Bài và ảnh: Văn Tý (TTXVN)