02:10 08/02/2019

Bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam - Bài cuối: Nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển

Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thiện nhà nước pháp quyền, củng cố nền tảng pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Để bảo đảm tốt nhất quyền cho mọi người dân, Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thiện nhà nước pháp quyền, củng cố nền tảng pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trong đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Chính phủ kiến tạo vì người dân”, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước.

Việt Nam cam kết đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng các chính sách giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực địa lý, các nhóm dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng các nhóm dễ bị tổn thương.

Thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: bảo đảm an sinh xã hội là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội tới mọi người dân, hướng tới mục tiêu thực hiện an sinh xã hội toàn dân; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của mỗi người dân... để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Chú thích ảnh
Đại diện các nước đến chúc mừng Đoàn đại biểu Việt Nam sau Phiên đối thoại. Ảnh: Hoàng Hoa/Pv TTXVN tại Thụy Sĩ

Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017), trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2017); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc, miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2017, đạt mục tiêu Đại hội Đảng Khóa XII đề ra.

Việc thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng dân tộc, miền núi và thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội.

Theo báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” được công bố bởi Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho thấy, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ và những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài.

Nhằm thu hẹp khoảng cách về kinh tế-xã hội giữa các dân tộc Việt Nam, Chính phủ thông qua Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020, Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững với đồng bào dân tộc thiểu số (9/2015), Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025…

Năm 2017 với chủ đề “Triển khai Luật trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” và năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, Đề án xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức 2016, Đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Việt Nam đang xây dựng Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số.

Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% (năm 2011) xuống còn 16,8% (cuối 2015). Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm khoảng 2% so với năm 2015 (cả nước giảm khoảng 1,3% - 1,5%), 98% số người thoát nghèo không bị tái nghèo. Giai đoạn 2014 – 2016, 38% người dân tộc thiểu số dịch chuyển lên nhóm có điều kiện kinh tế cao hơn (mức chung cả nước là 28%); 42% nhóm dễ tổn thương kinh tế đã chuyển sang nhóm an toàn kinh tế.

Việc bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, cả nước có 315 trường phổ thông dân tộc nội trú với 94.000 học sinh, 1.013 trường phổ thông dân tộc bán trú với 159.212 học sinh và 4 trường dự bị đại học dân tộc với khoảng 4.000 học sinh. Năm học 2017-2018, 22 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số (715 trường). 8 ngôn ngữ của dân tộc thiểu số được đưa thành môn học; 6 bộ sách giáo khoa được xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số

Bên cạnh đó, nhằm cải thiện tiếp cận thông tin cho người dân tộc thiểu số, Đề án thí điểm cấp ra-đi-ô cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới được triển khai từ tháng 11/2017. Tính đến 2018, 92% người dân tộc thiểu số được tiếp cận đài phát thanh, 85% được xem truyền hình, nhiều chương trình phát bằng tiếng dân tộc thiểu số; kênh VOV4 phát thanh về các vấn đề dân tộc thiểu số, kênh VTV5 truyền hình tiếng dân tộc thiểu số; 13 báo tạp chí có ấn phẩm chuyên đề dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhà nước đặc biệt coi trọng gìn giữ văn hóa của các dân tộc thiểu số; nhiều di sản văn hóa các dân tộc được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, hiện có 891.129 hộ gia đình dân tộc thiểu số đang sử dụng nhà ở truyền thống với kiến trúc đặc trưng của dân tộc mình, 195.215 hộ duy trì sử dụng các nhạc cụ truyền thống và gần 500.000 hộ đang duy trì, phát triển, truyền bá các điệu hát, múa truyền thống...

Người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện tham gia hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước. Tại Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021, số lượng đại biểu người dân tộc thiểu số là 86 người, chiếm 17,3% ). Tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 14,53%, nữ giới chiếm 49,2%. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ chức lãnh đạo, quản lý chiếm 17,2%.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Bên cạnh một số chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số đã được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực như: hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao nhận thức và chất lượng cuộc sống cho các nhóm dễ bị tổn thương.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, trong những năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc trong công tác phòng chống mua bán người nói chung và công tác tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng. Từ tháng 1/2012, Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan đã ban hành hệ thống văn bản, chính sách có tính đồng bộ hơn, khả thi hơn, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nạn mua bán người. Tiêu biểu là Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 (ban hành ngày 31/12/2015) với mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, tội phạm mua bán người, thực hiện hiệu quả tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Từ năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt ngày 30/7 là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.

Từ năm 2014 đến hết 2017, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 829 vụ với 1.539 bị can về tội mua bán người. Từ 2014 đến hết tháng 7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý để xét xử theo thủ tục sơ thẩm 796 vụ án với 1.475 bị cáo theo các tội danh liên quan đến mua bán người. Từ năm 2016 đến Quý I năm 2018, các đơn vị chức năng Việt Nam đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận 4.000 trường hợp (trong đó xác định 1.214 trường hợp là nạn nhân bị mua bán); 100% các trường hợp xác định là nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý; nhiều nạn nhân được trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, ổn định đời sống hòa nhập cộng đồng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống mua bán người được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng. Trong giai đoạn 2011-2015, các địa phương đã tổ chức gần 250.000 cuộc truyền thông cộng đồng cho trên 15 triệu lượt người tham dự; cấp phát trên 150.000 cuốn tài liệu các loại; thực hiện gần 150 chuyên đề, chuyên mục và phim phóng sự liên quan đến công tác này…

Ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết nghiêm túc trong đấu tranh chống nạn mua bán người trong đó nổi bật là việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người và hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia về vấn đề này. Chính phủ cũng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ nạn nhân; tăng cường nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống và hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người… Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác với các bộ, ngành để đảm bảo cuộc sống bình yên của các nạn nhân bị mua bán trở về.

Là một trong những nước chịu tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến chính sách hỗ trợ người dân ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiêu biểu, Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 tập trung vào tăng cường nhận thức và năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, định hướng giảm phát thải nhà kính, xây dựng nền kinh tế các-bon thấp và tích cực tham gia hợp tác quốc tế về bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững 2016-2020 đặt mục tiêu đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân. Việt Nam cũng thường xuyên cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng để các địa phương và người dân chủ động ứng phó.

Trong giai đoạn từ năm 2013-2015, Chính phủ đã ưu tiên hỗ trợ, đầu tư nguồn lực cho khu vực dễ bị tổn thương Đồng bằng sông Cửu Long 1.034 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng số nguồn lực đầu tư cho cả nước (dự kiến sẽ tăng lên 3 lần trong giai đoạn 2016-2020); hỗ trợ các tỉnh ven biển dễ bị tổn thương hơn 60% tổng số nguồn lực đầu tư cho cả nước.

Để hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, riêng năm 2017, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương 3.696,7 tỷ đồng (hỗ trợ bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn); 40.828 tấn gạo cứu đói, 3.265 tấn lúa giống; 835 tấn ngô giống; 82 tấn hạt rau giống và hàng ngàn cơ số thuốc, vắc xin, hóa chất khử trùng. Ngân sách Trung ương cấp bổ sung cho các địa phương 244.107 tỷ đồng và tạm ứng 664 tỷ đồng để mua giống và hỗ trợ sản xuất.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chia sẻ, những thách thức mà Việt Nam gặp phải khi là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới. Việt Nam nằm trong số 10 nước bị tác động nặng về nhất trong vòng 20 năm qua và là một trong 6 nước chịu tác động lớn nhất trong 4 năm gần đây. Đại sứ nêu bật tác động tiêu cực của nước biển dâng đối với Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng sinh kế của hàng chục triệu người dân, đe dọa an ninh lương thực của không chỉ Việt Nam, mà cả của nhiều nước khác, do đây là nơi cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Đại sứ đề nghị các cơ quan thuộc hệ thống Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an và các tổ chức quốc tế cùng phối hợp, hỗ trợ các nước, các tổ chức khu vực trong ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có ASEAN; cần xây dựng các cơ chế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tăng cường trao đổi về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh.

 

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)