04:08 30/04/2016

Bảo vệ rừng Tây Nguyên trong “mùa khát”

Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng đang "quay quắt" trong đại hạn, hàng trăm nghìn héc ta cây trồng thiếu nước tưới làm giảm năng suất hoặc mất trắng; hàng chục nghìn hộ dân “khát” nước sinh hoạt.

Việc để mất rừng tràn lan là một trong những nguyên nhân làm cho hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. 

Theo thống kê, đến nay tỉnh Đắk Nông có hơn 22.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi khô hạn; hơn 10.000 hộ gia đình, với khoảng 50.000 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng trên 1.100 tỷ đồng. Hầu hết các sông suối, hồ đập đều cạn kiệt, nhiều hồ cạn trơ đáy, lòng hồ nứt nẻ. Đi đến đâu cũng gặp cảnh bà con ra sức khoan giếng, đào ao, vét hồ để tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, cứu cây trồng vật nuôi. Nhưng có nơi đào khoan sâu tới 150 m cũng không thể tìm thấy nguồn nước ngầm. Trước tình hình hạn hán diễn ra gay gắt, tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực triển khai những giải pháp giúp nông dân chống hạn. Tuy nhiên ở nhiều vùng do không có nước nên việc hỗ trợ tiền dầu, tiền điện phục vụ bơm tưới không có ý nghĩa. Nông dân trồng các cây công nghiệp lâu năm đang đứng ngồi không yên vì những ảnh hưởng của hạn hán không chỉ giới hạn trong niên vụ này mà còn ảnh hướng lớn đến các niên vụ tiếp theo. Có thể nói, nguồn nước đang là vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên hiện nay.

Người dân xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đốt thực bì tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng thông hai bên Quốc lộ 14.Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Nguyên nhân khô hạn nặng nề được cho là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài, dòng chảy các sông suối giảm mạnh. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân rất cơ bản là rừng bị mất quá nhiều, nhất là rừng nguyên sinh và tình trạng hạn hán đã lên đến đỉnh điểm trong mấy chục năm trở lại đây. Hàng loạt sông hồ có thể tích hàng trăm nghìn, hàng triệu mét khối nước đã cạn trơ đáy là minh chứng sinh động cho tình trạng hạn hán kéo dài và sự suy giảm nghiêm trọng mực nước ngầm. Việc rừng bị xâm hại, tàn phá vô tội vạ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này.

Trong 5 năm qua (2010-2015), diện tích rừng bị mất ở tỉnh Đắk Nông lên đến 26.000 ha, diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, bao chiếm hơn 50.000 ha. Do tình trạng di dân ngoài quy hoạch ở phía Bắc vào, hay việc đầu tư vào nhiều dự án phát triển, hoặc việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trong khi công tác bảo vệ, quản lý rừng lại không hiệu quả... nên rừng nguyên sinh hiện còn không đáng bao nhiêu. Theo kết quả kiểm kê rừng của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 7 năm (từ 2008 đến 2014) diện tích rừng tự nhiên tại Tây Nguyên đã mất hơn 358.700 ha, tương đương mỗi năm mất hơn 51.000 ha rừng. Trong khi đó, với gần 16.000 ha rừng phải trồng thay thế tại các dự án, toàn vùng mới chỉ trồng được trên 1.000 ha. Nếu tính riêng về rừng đúng nghĩa thì độ che phủ rừng ở Tây Nguyên chỉ đạt 32,4%.

Hồ Đắk Ken, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cạn trơ đáy dù người dân khu vực này chỉ mới tưới được khoảng 50% diện tích cà phê.

Diện tích, độ che phủ rừng giảm cũng đồng nghĩa với việc sa mạc hóa ở khu vực Tây Nguyên ngày càng nhanh hơn. Trong những giải pháp chống hạn cho vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng, các nhà khoa học, quản lý đều nhấn mạnh đến giải pháp bảo vệ rừng và trồng rừng thay thế. Bởi, chỉ có giữ được rừng thì mới chống được biến đổi khí hậu, giảm những rủi ro do thiên tai gây ra. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, Đỗ Ngọc Duyên cho biết: Việc phá rừng, lấn chiếm đất đai khiến diện tích rừng phòng hộ của Đắk Nông bị suy giảm nghiêm trọng và là một trong những tác nhân gây nên hạn hán. Hiện nay theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, các cấp, các ngành tiến hành trồng lại rừng trên diện tích đã bị phá, đặc biệt là rừng đặc dụng, phòng hộ; kiên quyết xử lý các đối tượng lấn chiếm, phá trái phép để thu hồi lại trồng rừng, kể cả các diện tích phòng hộ đầu nguồn, các hệ thống sông suối, các công trình thủy lợi là phải kiên quyết trồng lại rừng để đảm bảo giữ nguồn nước đầu nguồn.

"Việc trồng và bảo vệ rừng là một giải pháp trước mắt và lâu dài rất quan trọng để hạn chế tác động của thiên tai ở khu vực Tây nguyên".

Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên

Bàn về các giải pháp chống hạn lâu dài cho vùng Tây Nguyên, ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: Việc quản lý và sử dụng tài nguyên còn nhiều thiếu sót dẫn đến tình hình hạn hán thêm gay gắt và trầm trọng. Tài nguyên rừng có thể được coi là tài nguyên quan trọng nhất của vùng Tây Nguyên, nó giữ và tạo nên nguồn nước. Trong mùa hạn hán từ đầu năm tới nay, mực nước trung bình tích được tại các hồ thủy điện hầu hết giảm xuống chỉ còn 50 - 60% so với mọi năm. Trồng rừng là biện pháp rất quan trọng, nhất là trồng rừng thay thế ở những nơi đã có sự tác động để làm thủy điện và các hồ đập. Đặc biệt là những nơi rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn mà diện tích rừng không còn nhưng diện tích đó vẫn quy hoạch là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn phải nhanh chóng trồng lại rừng chứ không chuyển đất sang các mục đích khác.

“Tây Nguyên sẽ là thiên đường nếu có nước, ngược lại, sẽ trở thành sa mạc nếu thiếu nước”. Vì vậy, giữ rừng và tái tạo rừng để bảo vệ nguồn nước là một trong những giải pháp căn cơ để hạn chế rủi ro của thiên tai, giúp Tây Nguyên phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Anh Dũng