07:13 30/07/2014

Bảo vệ môi trường phá Tam Giang

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là một đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, có vai trò rất quan trọng. Ngoài vẻ đẹp của một cảnh quan tự nhiên, phá Tam Giang có những chức năng quan trọng về môi trường.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là một đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, có vai trò rất quan trọng. Ngoài vẻ đẹp của một cảnh quan tự nhiên, phá Tam Giang có những chức năng quan trọng về môi trường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, môi trường của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã bị hủy hoại nghiêm trọng, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm mạnh, đặt ra nhiều thách thức để phát triển đầm phá này.

 

Nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia bảo vệ môi trường phá Tam Giang cho ngư dân hai xã Quảng Lợi, Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; từ tháng 7/2013, được sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (PARAFF) 600 triệu đồng và một phần đóng góp từ cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Thừa Thiên - Huế đã triển khai Dự án “Huy động sự tham gia của ngư dân để bảo vệ môi trường phá Tam Giang”.

 

Ông Trần Giải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế (bên phải ảnh) kiểm tra dự án hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng.


Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng, thông qua mô hình này để thu hút sự tham gia của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường. Mô hình sinh kế bền vững được xây dựng thành công sẽ thu hút sự tham gia của cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi trường phá Tam Giang bền vững.


Ông Trần Giải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích hơn 22.000 ha, là một đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, có vai trò rất quan trọng đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngoài vẻ đẹp của một cảnh quan tự nhiên, phá Tam Giang có những chức năng quan trọng về môi trường như: Điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt, tài nguyên đa dạng sinh học… Các nhà khoa học đã tìm thấy nơi đây hàng chục loài thủy sản đặc hữu, 30 loài chim nước di cư trong sách đỏ châu Âu. Đặc biệt, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là nơi tạo sinh kế cho 30% dân số tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, môi trường của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã bị hủy hoại nghiêm trọng, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm mạnh”.


Nguyên nhân chủ yếu là người dân chưa thông hiểu Luật Bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ đó, họ đã sử dụng nhiều cách thức và phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường đầm phá. Mặt khác, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý liên quan, mặc dù rất nỗ lực nhưng chưa tìm ra một cách thức quản lý hiệu quả. Do vậy, tình trạng suy thoái môi trường của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai vẫn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.


Trước thực trạng đó, năm 2012, UBND huyện Quảng Điền đã thí điểm giao quyền khai thác thủy sản cho ba chi hội nghề cá ở xã Quảng Lợi. Hình thức quản lý này bước đầu thực hiện còn rất nhiều khó khăn, thách thức do thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, thiếu phương tiện và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, việc trao quyền cho cộng đồng trong quản lý môi trường đầm phá đã mang lại những tín hiệu khả quan. Các hoạt động đánh bắt mang tính chất hủy diệt môi trường tại các khu vực này đã có chiều hướng giảm. Nếu các cộng đồng được trao quyền quản lý mặt nước, được nâng cao nhận thức, hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, sinh kế… có hiệu quả thì chắc chắn rằng việc quản lý và bảo vệ môi trường phá Tam Giang sẽ tốt hơn.


“Thông qua Dự án này, chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng ngư dân hai xã Quảng Thái và Quảng Lợi thuộc huyện Quảng Điền để thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường phá Tam Giang. Thúc đẩy việc trao quyền quản lý mặt nước cho cộng đồng và tăng cường trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương đối với các vấn đề liên quan đến đầm phá và ngư dân. Xây dựng các mô hình cải thiện sinh kế bền vững cho ngư dân”, ông Trần Giải cho biết thêm.

Việt Hoàng