09:07 27/09/2014

Bảo vệ môi trường di sản vịnh Hạ Long

Bà Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, sau khi được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, suốt 20 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã làm hết mình cho công tác bảo vệ di sản này, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bà Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, sau khi được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, suốt 20 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã làm hết mình cho công tác bảo vệ di sản này, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đây chính là nền tảng cho việc phát huy giá trị vịnh Hạ Long, phục vụ phát triển du lịch bền vững trong tương lai.


Vì lợi ích chung, ngành than Quảng Ninh đã có những biện pháp quyết liệt, việc làm cụ thể, mạnh mẽ bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long như, di chuyển các cơ sở sản xuất cơ khí, sàng tuyền, luyện than, vận chuyển và bốc rót than cũng như clinke ra khỏi trung tâm thành phố Hạ Long, hạn chế ô nhiễm môi trường đối với di sản vịnh Hạ Long. Ban Quản lý vịnh Hạ Long liên tục thực hiện các biện pháp thu gom, vận chuyển rác thải về bờ xử lý, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh của các tàu du lịch, tàu nghỉ đêm và các loại tàu thuyền khác hoạt động trên Vịnh.


Quảng Ninh còn nhận được sự hỗ trợ của một số quốc gia và tổ chức quốc tế trong bảo vệ môi trường di sản vịnh Hạ Long như các dự án JICA của Nhật Bản được triển khai từ năm 2009 đã mang lại hiệu quả thiết thực trong đầu tư, bổ sung nguồn lực, sử dụng nhiên liệu sinh học, tuyên truyền giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường vịnh; hay hoạt động của con thuyền sinh thái Ecoboat - một hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường trên vịnh Hạ Long với phương châm chơi mà học, học mà chơi.


Quảng Ninh tập trung đầu tư, tu bổ có trọng tâm, trọng điểm chủ yếu vào các công trình phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đến nay, trên vịnh Hạ Long đã triển khai 65 công trình, dự án với tổng số vốn trên 500 tỷ đồng. Các công trình, dự án đạt hiệu quả kinh tế, xã hội vừa bảo vệ được các giá trị di sản, vừa làm tăng giá trị và tính hấp dẫn đối với khách du lịch, góp phần quan trọng trong phục vụ phát triển du lịch vịnh Hạ Long.


Nhờ bảo vệ, quản lý tốt di sản, đến tháng 3/2012, vịnh Hạ Long tiếp tục được thế giới bầu chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Trước đó, vịnh Hạ Long đã được hai lần UNESCO đã chính thức công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mỹ (năm 1994) và giá trị địa chất địa mạo (năm 2000). Hiện Quảng Ninh đang gấp rút hoàn thiện các quy hoạch về chi tiết quản lý vịnh Hạ Long; đề án đánh giá sự đa dạng sinh học; đáng giá môi trường nước vịnh Hạ Long; xây dựng quy chế quản lý riêng cho vịnh Hạ Long...


Với những nỗ lực trong công tác bảo vệ, quản lý di sản vịnh Hạ Long mà giá trị di sản ngày được phát huy giá trị, nhờ đó lượng khách đến tham quan vịnh Hạ Long ngày một tăng. Từ năm 1996 đến nay, vịnh Hạ Long đã đón 28,8 triệu lượt khách tham quan, trong đó có tới 14,2 triệu khách quốc tế, doanh thu từ phí tham quan đạt hơn 1.400 tỷ đồng.


Gần đây, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư lớn, uy tín tham gia vào công tác quản trị vịnh Hạ Long nhằm phát huy giá trị di sản - kỳ quan này một cách hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế trong tương lai. Dẫu vậy, Ban quản lý vịnh Hạ Long vẫn lo ngại việc chưa thể kiểm soát môi trường vùng phụ cận ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long cho phát triển du lịch trong tương lai.


Văn Đức