04:08 30/04/2016

Bảo vật quốc gia kim sách triều Nguyễn

Lần đầu tiên, chuyên đề “Bảo vật Hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945)” được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày, (từ nay đến tháng 8/2016). Mỗi cuốn kim sách được giới thiệu lần này, là một văn bản độc lập, giúp công chúng hiểu rõ hơn về một nhân vật của triều đại nhà Nguyễn.

Mỗi quyển kim sách, mỗi một kim ấn không chỉ chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa triều đại, mà còn là một di sản vô giá, bởi chúng vừa có giá trị về mặt kinh tế, vừa đặc sắc về mặt nghệ thuật, vừa có giá trị về mặt tư tưởng đạo đức....

Mỗi cuốn kim sách, một câu chuyện lịch sử

22 cuốn kim sách trưng bày trong chuyên đề lần này đã giới thiệu đầy đủ nội dung và có hệ thống về kim sách triều Nguyễn cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của sưu tập.

Kim sách bằng vàng hoàng đế Gia Long ca tụng công đức và truy tôn thân mẫu làm Vương Thái hậu (1802).

Kim sách thời hoàng đế Gia Long lập ca tụng công đức và dâng tôn hiệu cho chúa Nguyễn Hoàng, người đầu tiên vào lập nghiệp và xây dựng chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tạo tiền đề cho việc thành lập vương triều nhà Nguyễn sau này. Kim sách hoàng đế Gia Long cũng ca tụng công đức và dâng tôn hiệu cho chúa Nguyễn Phúc Chu, người có nhiều công lao trong công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Kim sách hoàng đế Gia Long cho lập ca tụng công đức và dâng tôn hiệu cho Hoàng tổ phụ (ông nội) là chúa Nguyễn Phúc Khoát, người đầu tiên xưng vương.

Những cuốn kim sách về hoàng đế Gia Long lên ngôi ở điện Thái Hòa, kinh đô Huế, tháng 5 năm Bính Dần (1806); kim sách hoàng đế Minh Mệnh ca tụng công đức và dâng tôn thụy cho Hoàng đế Gia Long là Thế tổ Cao Hoàng đế; Kim sách Hoàng đế Gia Long lập hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm làm hoàng thái tử (hoàng đế Minh Mệnh sau này); Kim sách hoàng đế Thiệu Trị ca tụng công đức và dâng tôn thụy cho hoàng đế Minh Mệnh là Thánh tổ Nhân Hoàng đế… Rồi các kim sách phong lập hoàng thái tử; kim sách tấn phong hoàng hậu; kim sách tấn tôn thái hoàng thái hậu, hoàng thái hậu, tấn phong cho các cung phi và giáng chức; kim sách “Đế hệ thi” và nối tiếp “Đế hệ thi”…

Trong số các kim sách trưng bày lần này, cuốn kim sách “Đế hệ thi” bằng vàng do hoàng đế Minh Mệnh sáng tác, để người kế nghiệp khi nối ngôi, có thể lấy một chữ làm tên, lấy nhật làm nghĩa tượng trưng ngôi Hoàng đế. Cuốn sách có bài thơ gồm 20 chữ, chuẩn bị cho 20 đời của các thế hệ tiếp theo. Đây là cuốn kim sách lớn nhất (gồm 15 trang, trong đó có 2 trang bìa và 13 trang ruột), có trọng lượng nặng nhất và mỹ thuật cũng có mức tinh xảo nhất…

Kim sách sắc phong Vua Gia Long lên ngôi.

Theo TS Phan Thanh Hải, 22 quyển kim sách tiêu biểu và 10 kim bảo liên quan được trưng bày trong chuyên đề phản ánh đầy đủ tính chất, số lượng và cả sự biến thiên của triều đại nhà Nguyễn, từ thời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại… Có cuốn bằng vàng ròng, có cuốn bằng bạc mạ vàng, có cuốn đúc tinh xảo từ thời Gia Long, Tự Đức, có cuốn kim sách, kim ấn được đúc với độ tinh xảo kém hơn... giúp công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, thưởng lãm và tìm hiểu về sưu tập hiện vật đặc biệt này.

Những di sản vô giá

Theo ông Nguyễn Quốc Hữu, Phó phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, kim sách triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân quốc thích... Đây là những di sản vô giá của triều Nguyễn để lại cho con cháu đời sau. Các hiện vật này vừa có giá trị về mặt kinh tế (bởi chủ yếu được chế tác từ chất liệu bằng vàng, bạc), vừa đặc sắc về mặt nghệ thuật. Toàn bộ những cuốn kim sách đều do những nghệ nhân giỏi nhất cả nước tập trung vào xưởng của triều đình, được vua giao thực hiện. Bên cạnh đó, những giá trị về mặt tư tưởng đạo đức, nhất là đạo hiếu được triều Nguyễn rất đề cao và mỗi một cuốn sách, là một văn bản độc lập về một nhân vật, để qua đó, chúng ta hình dung được rõ hơn, chân thực hơn về một nhân vật của triều đại nhà Nguyễn...

Bên cạnh các cuốn kim sách, chuyên đề còn trưng bày 10 kim ấn có giá trị đặc biệt. Trong đó, nổi bật và có ý nghĩa nhất là ấn vàng "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo", do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc làm quốc bảo vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Đến đời hoàng đế Gia Long được chọn là báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn. Đây là chiếc ấn đầu tiên khẳng định chủ quyền của Việt Nam, đại diện là vương triều Nguyễn, lúc đó là Chúa Nguyễn ở đàng trong. Ấn này đã từng lưu lạc rất nhiều năm ở bên ngoài, nhưng triều Nguyễn đã tìm được và họ xem đây là ấn báu của triều đại. Chính vì vậy, dù trọng lượng và hình thức của chiếc ấn không bằng những cái khác, nhưng nó có giá trị đặc biệt quan trọng trong sưu tập.

Thêm vào đó còn có kim ấn “Hoàng Thái tử bảo” do hoàng đế Gia Long cho đúc cùng kim sách lập hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm; Ấn "Thánh Tổ Nhân Hoàng đế chi bảo", Hoàng đế Thiệu Trị cho đúc cùng kim sách dâng tôn thụy cho Hoàng đế Minh Mệnh; Ấn "Quốc mẫu chi bảo", "Thái hậu chi bảo"… được đúc cùng kim sách tấn tôn các thái hậu, hoàng hậu…

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, việc chế tạo kim sách kim ấn triều Nguyễn được thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt. Triều đình tập hợp đội ngũ thủ công nghệ nhân bậc thầy toàn quốc, chọn những người giỏi nhất về kinh đô chế tác. Quy trình chế tác từ khâu tinh tuyển rất kỳ công. Vàng dùng làm kim sách tuy là vàng non tuổi (để dễ chế tác), nhưng vẫn phải là vàng chất lượng tốt. Sau khi tuyển chọn chất liệu xong, các thợ thủ công dập lá. Những bậc đại bút trong hàn lâm viện thể hiện những văn tự khắc trên thư pháp qua bản mẫu, sau đó thợ thủ công mới khắc lên kim sách. Quá trình này được giám định rất nghiêm ngặt. Trong lịch sử đã từng ghi nhận những trường hợp gian lận, khi bị phát hiện bị xử án rất nặng. Ngay cả những thợ thủ công để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện cũng bị trừng phạt nặng, nên những kim sách này khi hoàn thành đều rất hoàn hảo.

Cũng theo ông Phan Thanh Hải, bản thân kim sách và kim ấn cũng thể hiện sự thăng trầm của lịch sử triều đại rất rõ nét. Có thể thấy, những kim sách, kim ấn Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức… được chế tác rất công phu. Tuy nhiên, từ triều Đồng Khánh, Thành Thái… trở đi, khi Pháp gần như hoàn toàn thống trị Việt Nam, lúc này do sự khó khăn của triều đình, nên những kim sách, kim ấn từ triều Đồng Khánh về sau độ tinh xảo đã giảm đi nhiều.

Ông Phan Thanh Hải cho biết, ngoài 94 kim sách và 85 kim ngọc bảo tỵ mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ, chắc chắn còn có rất nhiều kim sách, kim ấn giá trị bị lưu lạc bên ngoài. Bởi trong lịch sử, nhất là sau khi triều Nguyễn ký hòa ước năm 1862, phải bồi thường chiến phí rất nặng, 4 triệu đồng piastre (đồng tiền Đông Dương thuộc Pháp), tương đương khoảng gần 4 triệu đô la Mỹ lúc đó. Tính ra khoảng hơn 2 triệu 800 ngàn lượng bạc. Do thiếu kinh phí, nên lúc đó người ta huy động rất nhiều vàng bạc, kể cả việc huy động một số kim sách để gán nợ cho người Pháp. Thêm vào đó, trong vụ thất thủ kinh đô năm 1885, quân Pháp tấn công kinh thành Huế, họ đã cướp bóc và lấy đi rất nhiều vàng bạc, châu báu, trong đó có rất nhiều kim sách và kim ấn. Đó là sự mất mát rất lớn của chúng ta. Tuy nhiên, với số lượng kim sách, kim ấn mà ta hiện còn giữ được, cũng là những báu vật mà chúng ta may mắn giữ được cho đến ngày nay.
Phương Lan