01:09 29/01/2015

Bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch

Làm thế nào để bảo tồn được văn hóa dân tộc là một công việc vô cùng khó khăn phức tạp, đòi hỏi những người có trách nhiệm tổ chức, quản lý và khai thác du lịch phải có tầm nhìn xa trông rộng.

Làm thế nào để bảo tồn được văn hóa dân tộc là một công việc vô cùng khó khăn phức tạp, đòi hỏi những người có trách nhiệm tổ chức, quản lý và khai thác du lịch phải có tầm nhìn xa trông rộng.

Giá trị bị bóp méo

Hiện nay du lịch, có thể nói là phát triển một cách ồ ạt, đôi khi mang tính tự phát, thiếu một kế hoạch mang tính chiến lược dài hơi, cùng với việc cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ trong một sợi dây liên hoàn, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch còn mang tính thời vụ, thiếu chuyên nghiệp. Đội ngũ hướng dẫn viên còn thiếu và yếu, đặc biệt về chất… dẫn đến nhiều giá trị văn hóa quí báu bị sai lạc, bóp méo, thậm chí mất dần. Điều đó ta có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Người ta bằng lòng với thu nhập trước mắt mà không lường tới hậu quả lâu dài khi nhiều giá trị văn hóa bị thương mại hóa, thậm chí mất dần.

Vẻ đẹp quyến rũ của những điệu múa và những ngôi nhà sàn cổ của người Thái trắng sẽ trở thành điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu và khám phá.Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Sa Pa một thời thu hút du khách bởi tiểu vùng khí hậu rất đặc biệt, cảnh quan sơn thủy hữu tình, nhiều di tích lịch sử văn hóa cổ, thì nay không gian văn hóa bị phá vỡ vì những công trình xây dựng không theo một quy hoạch nào, mạnh ai người ấy làm, miễn là lợi cho mình. Để làm đường phục vụ du lịch, họ phá tan những khối đá cổ lưu giữ cả một kho tàng vô giá về văn hóa của tổ tiên…

Chỉ điểm qua một số khu du lịch ở Tây Bắc, ta cũng thấy những giá trị văn hóa dân tộc cũng đang bị mai một dần do sự phát triển du lịch. Đi suốt một dải, từ Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình… chỉ còn lác đác đây đó bóng hoa ban trắng mà ngày xưa là rừng nối rừng, hoa trải thảm trên ngàn, hương thơm vấn vít từng áng mây ngọn gió và đã trở thành biểu tượng của Tây Bắc. Những khu du lịch đua nhau mọc lên như nấm nhưng lại thiếu đi nét đặc trưng của dân tộc, vùng miền. Đứng trước một ngôi nhà sàn văn hóa, dẫu xây cất bằng vật liệu gì du khách cũng không thể phân biệt được đó là nhà sàn của dân tộc nào, của người Tày, người Mường, người Thái hay của người Khơ Mú...

Trong các buổi biểu diễn hoặc giao lưu văn nghệ các vũ công người Mường lại xòe và hát Thái… Ngay các điệu xòe Thái vốn tinh tế và uyển chuyển trong điệu khèn điệu “pí” - (sáo) hay đàn tính từng say lòng bao du khách trong và ngoài nước, nay cũng bốc lửa hơn bởi những động tác dậm chân và lắc hông trong tiếng nhạc xập xình. Còn các lễ hội dẫu bỏ ra bao nhiêu tiền, do cấp nào tổ chức thì cũng nặng tính sân khấu biểu diễn, xa rời vốn cổ. Đấy là những cái chung, chưa nói đi vào những nét cụ thể của văn hóa dân tộc thì không sao kể hết cái đã bị hòa tan, bị lệch lạc, thậm chí mất đi nét đẹp là tinh hoa văn hóa tự bao đời.

Các phong tục tập quán và lễ hội, do sự hiểu biết và năng lực còn hạn chế của cán bộ chuyên trách, lại chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nghệ nhân và các nhà sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian nên có lúc tổ chức còn nửa cổ nửa kim. Các nghệ nhân thì ngày một già yếu và mất dần. Trong khi họ là người nắm hầu hết vốn liếng tài sản tinh thần của cộng đồng về những lĩnh vực nhất định. Chúng ta đã làm gì, tạo những điều kiện như thế nào để cùng các nghệ nhân gấp rút sưu tầm, truyền dạy giá trị văn hóa ấy cho đồng bào, đồng thời tôn vinh chăm sóc “báu vật nhân văn sống” của mỗi tộc người?

Khai thác “ăn xổi ở thì”

Các địa phương khác trong cả nước, mức độ có thể khác nhau nhưng đều giống nhau ở việc tổ chức, quản lý và khai thác du lịch theo kiểu ăn xổi ở thì, chạy theo lợi nhuận, gây ra những tác hại không nhỏ cả về môi sinh, môi trường cùng việc “chết mòn” các giá trị văn hóa mà nhiều tác giả có tâm đã thể hiện quan điểm cùng nỗi xót xa trong rất nhiều bài báo và công trình nghiên cứu.

Các nước có ngành du lịch phát triển, cũng từng phải trả giá không nhỏ cho những điều tưởng như nhỏ nhặt kia. Song họ nhanh chóng biết rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời, bởi vậy tự thân các sản phẩm du lịch của họ, trong đó có văn hóa dân tộc, tỏa ra một sức hút đến say lòng du khách trong và ngoài nước. Cứ nhìn sang các nước láng giềng như Thái Lan… khởi điểm của họ cũng như ta, chưa nói có những yếu tố tự nhiên nhiều cái không bằng ta, vậy mà bao giờ chúng ta mới theo kịp họ. Mãi vẫn dậm chân ở dạng “tiềm năng”.
Việc đầu tư khai thác du lịch của chúng ta bây giờ giống như việc “hớt váng mỡ” trong thùng nước lèo. Đấy cũng là những nguyên nhân cơ bản sau những “Tuần văn hóa du lịch” với những tên gọi mỹ miều được tổ chức rầm rộ và tốn rất nhiều tiền của, thì những địa phương đó lượng du khách lại rơi vào cảnh èo uột, ngày một ít đi. Các di tích và thắng cảnh đang dần xuống cấp và mất dần.

Hàng năm ngành du lịch báo cáo số lượng du khách tăng lên bao nhiêu phần trăm, mà chưa hề có một cuộc khảo sát: du lịch đã góp phần “bóp chết” hồn cốt bao nhiêu giá trị văn hóa, chỉ còn lại cái vỏ hào nhoáng.

Ngày nay hoạt động du lịch đang đem lại một nguồn lợi không nhỏ, được coi là ngành "công nghiệp không khói", có tác dụng như một đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế, văn hóa…. Song muốn lâu bền, phải chăng một trong những điều cần thiết là phải giữ được văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, thu hút được du khách ngày một đông hơn. Làm thế nào để văn hóa dân tộc mãi giữ được cái hồn cốt riêng ấy. Đó là câu hỏi lớn dành cho các cấp, các ngành có chức năng tổ chức, quản lý và khai thác du lịch, mà một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy du lịch là: Tăng cường bảo vệ các di sản văn hóa song song với môi trường du lịch.

Trần Vân Hạc