10:07 06/10/2022

Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương

Từ lâu, Tân Cương đã được biết đến là vùng sản xuất chè nổi tiếng nhất của tỉnh Thái Nguyên và đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với người dân đẩy mạnh bảo tồn, phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, góp phần khẳng định vị thế cây đặc sản, sản phẩm chủ lực, thế mạnh của thành phố Thái Nguyên.

Chú thích ảnh
Một góc vùng chè Tân Cương, Thái Nguyên.

Đến thăm Hợp tác xã chè Thuỷ Toán, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, chúng tôi được chứng kiến sự thay đổi trong phương thức sản xuất với những ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong thâm canh, chế biến chè nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của chè Tân Cương.

Cùng với việc đưa các giống chè lai có chất lượng tốt, sản lượng cao vào canh tác, hợp tác xã còn giữ được 5 sào giống chè Trung du lá nhỏ đã 70 năm tuổi. Ông Lê Văn Toán, Giám đốc hợp tác xã chia sẻ: Mặc dù diện tích chè Trung du già cỗi cho năng suất thấp, nhưng chúng tôi vẫn giữ lại, tích cực chăm bón, nhân giống… bởi đây là giống chè đặc sản tạo nên thương hiệu chè Tân Cương và được cấp chỉ dẫn địa lý Tân Cương. Thời gian vừa qua, Hợp tác xã đã mở rộng được thêm 300 m2 giống chè này từ việc chọn lọc, nhân giống từ những cây chè Trung du cổ lá nhỏ.

Chú thích ảnh
Sản xuất chè đặc sản tại HTX chè Hảo Đạt, Tân Cương, Thái Nguyên.

Theo đại diện UBND thành phố Thái Nguyên, vùng chè đặc sản Tân Cương gồm 6 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng, Phúc Hà với tổng diện tích hơn 1.400 ha, năng suất bình quân đạt 150 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 20.300 tấn./năm. Các sản phẩm trà từ vùng chè đặc sản Tân Cương luôn có giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cao hơn các vùng chè khác trong tỉnh và trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, diện tích vùng chè đặc sản Tân Cương không tăng, sản lượng chè còn khiêm tốn. Đặc biệt, diện tích chè Trung du lá nhỏ, giống chè tạo nên thương hiệu cho vùng chè Tân Cương, đang giảm sút nghiêm trọng do già cỗi, năng suất thấp, người dân cải tạo trồng thay thế bằng các giống chè khác nên diện tích hiện chỉ còn 10,6%, còn lại là các giống chè lai. Bên cạnh đó, tại vùng chè đặc sản Tân Cương, tỷ lệ sản xuất chè theo quy trình VietGAP còn thấp, tỷ lệ chế biến công nghiệp, cơ giới hoá chưa nhiều, chưa đa dạng về sản phẩm và chưa thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến chè công nghệ cao cho xuất khẩu….

Ông Lê Quang Minh, Phó chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên cho biết: Bảo tồn vùng chè đặc sản Tân Cương, bảo vệ và mở rộng diện tích chè, chú trọng về năng suất, chất lượng, giá trị sản suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm vùng chè đặc sản Tân Cương, là mục tiêu then chốt của ngành nông nghiệp thành phố Thái Nguyên, đã đặt ra trong đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, giai đoạn 2021- 2025”.

Theo đó, thành phố Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích chè lên 1.700ha, năng suất chè búp tươi đạt 155 tạ/ha; giá trị thu nhập đối với mỗi ha đất trồng chè đạt trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố sẽ chú trọng công tác bảo tồn, phát triển giống chè Trung du với việc  xây dựng vườn chè Trung du đầu dòng phục vụ hom giống để trồng thay thế và trồng mới ít nhất 300 ha chè Trung du, phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè Trung du đạt trên 30% tổng diện tích chè trên địa bàn thành phố…

Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố Thái Nguyên cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con canh tác chè theo hướng an toàn hữu cơ, VietGAP, đồng thời, phấn đấu 100% sản phẩm chè do doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn  an toàn có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, có tem truy xuất ngồn gốc. Thành phố cũng xây dựng kế hoạch đến năm 2025 tại vùng chè đặc sản Tân Cương có 70 sản phẩm từ chè được chứng nhận đạt chuẩn OCOP….

Chú thích ảnh
Không gian văn hóa trà Tân Cương, Thái Nguyên.

Để các mục tiêu bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương đạt hiệu quả, thành phố Thái Nguyên cũng xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ sản xuất chè.

Trong đó, hỗ trợ giá giống chè Trung du cho việc trồng mới, trồng thay thế; hỗ trợ 100% kinh phí  chứng nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ lần đầu; hỗ trợ 40% chi phí phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho chè; và hỗ trợ 50% giá máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản chè. 

Bên cạnh đó, các ngành chức năng của thành phố, của tỉnh cũng tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chè xây dựng thương hiệu, xúc tiến quảng bá sản phẩm, thị trường tiêu thụ và hướng dẫn các quy trình sản xuất chè an toàn nâng cao năng suất, chất lượng; bảo tồn, phát triển vùng chè đặc sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng../.

Hoàng Nguyên - Trần Trang