03:10 07/03/2011

Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng

Tỉnh Bình Định hiện có trên 100.000 đồng bào thuộc các dân tộc Bana K’riêm; H’rê và Chăm H’roi sinh sống chủ yếu tại các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh và một bộ phận tại các huyện trung du Tây Sơn và Hoài Ân.

Tỉnh Bình Định hiện có trên 100.000 đồng bào thuộc các dân tộc Bana K’riêm; H’rê và Chăm H’roi sinh sống chủ yếu tại các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh và một bộ phận tại các huyện trung du Tây Sơn và Hoài Ân.


Trong vốn văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc của người dân Bình Định có một nét đẹp được nhiều người ca ngợi là văn hóa cồng chiêng.

Vang vọng tiếng cồng chiêng và điệu múa của đồng bào dân tộc huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định). Ảnh: Viết Ý


Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 80 bộ cồng chiêng, được lưu giữ trong các nhà Rông và gia đình theo nghi thức truyền thống.


Trong đó, chiêng của người H’rê có khoảng 20 bộ; tiêu biểu là bộ chiêng ba, chiếc tum có đường kính 123 cm, chiếc vông 126 cm, chiếc toa 136 cm. Tiêu biểu cho bộ chiêng năm là chiếc lớn nhất có đường kính 108 cm, chiếc thứ hai có đường kính 106 cm; chiếc thứ ba, thứ tư và thứ năm có các đường kính tương ứng là 98 cm; 91 cm và 85 cm.

Còn chiêng của người Bana K’riêm hiện còn 48 bộ, tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Thạnh. Bộ cồng thường có 3 hoặc 5 chiếc và được chia làm 3 loại: Cồng mẹ có đường kính 0,64 cm; cồng chị có đường kính 0,45 cm và cồng con có đường kính từ 0,25 - 0,4 cm.

Cồng chiêng của người Chăm H’ Roi hiện còn 18 bộ, trong đó có ba bộ cồng 3 chiêng 12, đa phần là cồng ba chiêng năm.

Tiến sĩ sử học Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định cho biết: Cồng chiêng của các dân tộc miền núi Bình Định thường được dùng trong các lễ hội như mừng lúa mới; lễ bỏ mả; lễ hội đâm trâu và cưới hỏi gắn liền với phong tục tập quán của từng dân tộc.

Tuy nhiên trước sự bùng nổ của thông tin và sự giao lưu hội nhập quốc tế, một số nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, nhất là văn hóa cồng chiêng ngày bị mai một do nhiều nguyên nhân; một trong những nguyên nhân đó là sự “chảy máu”cồng chiêng do bị buôn bán.

Để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng (về cả vật thể và phi vật thể), tỉnh Bình Định đang triển khai xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của các đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đây là việc làm cần được sự quan tâm của các cấp, ngành, của địa phương và Trung ương, cũng như cần có sự giúp đỡ của các doanh nghiệp và những người có tâm huyết.

Mặt khác, Nhà nước cần xem xét và đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường Dân tộc nội trú những tiết học về lịch sử hình thành, phát triển cũng như cách sử dụng loại hình nghệ thuật văn hóa cồng chiêng cho học sinh đồng bào dân tộc.


Nếu không làm điều này, thì không xa nữa, khi các nghệ nhân qua đời sẽ không còn ai truyền dạy cho con cháu. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần nghiêm cấm và xử lý nặng các trường hợp mua bán cồng chiêng vào mục đích riêng; đồng thời cần khai thác, phát huy hiệu quả hơn văn hóa cồng chiêng trong các lễ hội của đồng bào dân tộc.

Viết Ý