12:08 25/12/2013

Bảo tồn trang phục dân tộc truyền thống - Bài cuối: Bảo tồn bằng nhiều cách

Việc bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức to lớn.

Việc bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức to lớn.

 

Theo TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, không chỉ có chức năng bảo vệ sức khỏe, trang phục còn là bản sắc văn hóa của tộc người, để phân biệt giữa tộc này với tộc khác. Trong mỗi bộ trang phục truyền thống đều mang những giá trị nghệ thuật cao, từ trang phục truyền thống, người ta có thể nhận biết xu hướng, khả năng sáng tạo thẩm mỹ của mỗi cộng đồng văn hóa. Ngoài ra, mỗi bộ trang phục đều có những dấu ấn lịch sử, văn hóa của dân tộc đó thông qua các hoa văn trang trí... Với những ý nghĩa to lớn đó, việc bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc là việc cần thiết phải làm ngay.

 

Chị Cil Múp K'Chem (bên phải) người Cil (một trong các nhóm địa phương thuộc dân tộc K'ho) dạy nghề dệt thổ cẩm cho con gái. Vũ Sinh – TTXVN


TS Trần Hữu Sơn cho rằng, muốn bảo tồn được trang phục truyền thống của đồng bào, trước hết, cần nâng cao nhận thức của đồng bào trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Làm sao để đồng bào nhận thức được việc giữ gìn văn hóa chính là giữ gìn bản sắc, dấu ấn văn hóa và là niềm tự hào của dân tộc mình. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ làm nghề thủ công, làm nguyên vật liệu để dệt vải, thêu thùa, vừa có chính sách bắt buộc để thể hiện bản sắc văn hóa. Ví dụ, cần phải bảo tồn nghề trồng bông, trồng lanh dệt vải. Dù công nghiệp có phát triển đến mấy, mỗi gia đình cũng cần dành một diện tích nhỏ để trồng bông dệt vải và phải giữ gìn, trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch tổ chức quảng bá thu hút khách tham quan, bán hàng ngay tại làng nghề, tạo thu nhập cho đồng bào. Chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, bảo hộ thương hiệu cho những bộ trang phục thổ cẩm của đồng bào dân tộc để không lai tạp, không làm đồ giả, đồ nhái... Cũng cần có chính sách khuyến khích mặc trang phục truyền thống rất cụ thể. Ví dụ, có thể quy định, mỗi một người dân tộc thiểu số phải có ít nhất một bộ trang phục truyền thống và mặc trang phục trong tất cả các ngày lễ, Tết, trong các phiên chợ, trong ngày cưới...


Còn PGS Đoàn Thị Tình cho rằng, để bảo tồn, trước hết cần nâng cao nhận thức, sự tự hào về trang phục truyền thống cho đồng bào các dân tộc, nhất là giới trẻ. Các làng, bản có thể xây dựng quy ước việc mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, Tết, ngày hội... Song song với đó, cần khuyến khích khôi phục phát triển nghề dệt thổ cẩm và mỹ nghệ trang sức.


Theo ông Vi Hồng Nhân, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH,TT&DL) việc bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số là việc cần làm ngay. Bảo tồn có nhiều cách: Bảo tồn tĩnh trong bảo tàng, thư viện là cần và cũng đã khó, song bảo tồn trong cuộc sống là bảo tồn có phát huy, phát triển còn khó hơn, nhưng việc làm đó đáp ứng được nguyện vọng chung của cộng đồng các dân tộc. Để làm được điều đó, cần tạo điều kiện, tạo môi trường văn hóa, không gian phù hợp để đồng bào thường xuyên có dịp mặc trang phục truyền thống. Theo ông Nhân, không gian, môi trường văn hóa giúp trang phục truyền thống có “đất sống” chính là lễ hội truyền thống, những ngày văn hóa dân tộc, những câu lạc bộ giao lưu văn hóa trong từng cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng với nhau...


Ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc cho biết, trong các chính sách bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc cho đến nay chưa có một chính sách cụ thể nào để khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nếu không nhanh chóng có giải pháp kịp thời, phù hợp thì mỗi dân tộc sẽ tự đánh mất bản sắc văn hóa của chính mình. Ông Hậu cũng cho rằng, việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là hành trình không hề giản đơn, rất cần sự quan tâm, góp sức của cả xã hội.


Phương Lan