01:11 03/01/2015

Bảo tồn thể thao vùng dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình luôn duy trì và phát triển các môn thể thao, trò chơi dân gian ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được coi là thế mạnh của địa phương như: Đua xe đạp, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co…

Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình luôn duy trì và phát triển các môn thể thao, trò chơi dân gian ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được coi là thế mạnh của địa phương như: Đua xe đạp, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co…

Là tỉnh cửa ngõ của Tây Bắc, Hòa Bình có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong nhiều năm qua, các môn thể thao và trò chơi vận động dân gian luôn là hoạt động không thể thiếu trong những ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình: Ném còn, bắn cung, bắn nỏ, đánh đu, đánh mảng, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền, đua xe đạp…

Tó má lẹ là trò chơi truyền thống phổ biến của phụ nữ người Thái trong đời sống hàng ngày và dịp lễ Tết.


Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình ông Đinh Danh Hạnh cho biết: Nhằm phát huy tốt các môn thể thao thế mạnh của mình, Hòa Bình luôn duy trì việc tham dự Ngày hội thể thao Tây Bắc, các hội thi thể thao dân tộc thiểu số khu vực I (khu vực miền Bắc). Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng tổ chức các giải kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy theo hệ thống giải chính của tỉnh...

Môn Tù lu của người Mông thể hiện sức mạnh, sự khéo léo, chính xác và tài phán đoán của người chơi.



Hàng năm giải phong trào quần chúng do Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức vẫn duy trì các môn dân tộc như: Đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co… Mỗi lần giải diễn ra, Hòa Bình luôn tham gia đầy đủ các nội dung của giải theo đúng tinh thần: “Hưởng ứng cuộc vận động toàn dân rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Các xã, huyện, thành phố ngoài việc tổ chức ở cơ sở và giải tỉnh, lực lượng vận động viên có thứ hạng cao luôn được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn để tham gia các giải cấp quốc gia. Điển hình là phong trào ở huyện Cao Phong.

Bắn nỏ là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mông.


Hàng năm, huyện Cao Phong vẫn hướng dẫn các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao và các trò chơi dân gian trên địa bàn, thu hút đông đảo bà con nhân dân tham gia hưởng ứng. Huyện cũng xây dựng kế hoạch, điều lệ và phát động phong trào ở cơ sở chuẩn bị tổ chức giải thi đấu các môn thể thao. Cùng với việc tổ chức giải thể thao các cấp theo chương trình Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hòa Bình lần thứ V năm 2014, Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Cao Phong đã tập huấn cho các vận động viên đi tham dự các giải thể thao do tỉnh tổ chức như: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, bơi vượt sông truyền thống, điền kinh, giải bóng chuyền nữ phụ nữ - nông dân.

Môn đẩy gậy thể hiện sức mạnh của vận động viên.



Với phương hướng đề ra năm 2015, bên cạnh công tác đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực văn hóa, du lịch thì huyện Cao Phong tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà nước, phấn đấu số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 25%; số người đạt chế độ rèn luyện theo tiêu chuẩn đạt trên 3.000 người; số hộ gia đình thể thao đạt gần 2.000 hộ…

Trong các lễ hội, trò chơi truyền thống đánh cầu lông gà được đưa vào nội dung thi đấu thể thao, thu hút nhiều khán giả xem và cổ vũ.



Hòa chung bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình vẫn luôn coi trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc mà trong đó các môn thể thao, các trò chơi dân gian luôn là dòng chảy đầy sức sống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con.

Bài: Nguyễn Quốc Trị; Ảnh: Việt Hoàng