08:08 20/08/2021

Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số

Phú Thọ là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Mường, Dao, Mông và Cao Lan sống chủ yếu ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng và Thanh Thủy.

Những năm qua, Phú Thọ đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đất Tổ, trong đó có văn hóa các dân tộc thiểu số. Cùng với đó, đồng bào các dân tộc thiểu số đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau. 

Chú thích ảnh
Biểu diễn múa khèn dân tộc Mông tại các ngày hội lớn. Ảnh minh họa: baophutho.vn

Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú như tiếng nói, chữ viết, kho tàng tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ… Trong đời sống hiện đại ngày nay, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số đã bị mai một do các yếu tố tác động tiêu cực. Trước thực trạng này, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hay để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Điển hình, huyện Tân Sơn với việc triển khai “Đề án Bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn, giai đoạn 2019-2022, định hướng đến năm 2025”; huyện Yên Lập có đề tài khoa học “Điều tra, nghiên cứu và đề xuất giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa, phát huy giá trị một số lễ hội dân gian tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường huyện Yên Lập” và đề tài “Tư liệu hóa và phục dựng một số di sản văn hóa truyền thống điển hình của người Dao Quần chẹt huyện Yên Lập”...

Theo thống kê, gần 60% dân số ở huyện Thanh Sơn là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mường chiếm tỷ lệ cao nhất. Bởi vậy, huyện đã triển khai hiệu quả “Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Sau 4 năm thực hiện, huyện đã thành lập và duy trì hoạt động 126 Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường tại các khu dân cư, trường học; bảo tồn 634 chiếc chiêng, 123 bộ nhạc cụ, hàng nghìn bộ trang phục, 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng và nhiều đồ dùng, công cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường.

Đặc biệt, huyện Thanh Sơn đang tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Khả Cửu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào các dân tộc vùng núi Thanh Sơn và thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Là người con của dân tộc Mường, ông Bùi Ngọc Hà - Chủ tịch UBND xã Khả Cửu cho biết, năm 2018, xã thành lập được 16 Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường. Các Câu lạc bộ thường xuyên mời nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy điệu múa, hát đặc trưng của dân tộc Mường; tổ chức chương trình giao lưu, giới thiệu về di sản trong hoạt động ngoài giờ ở các trường học của xã… Những hoạt động này từng bước làm thay đổi nhận thức, tư duy, hành động của cộng đồng đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Trong những cách làm hay còn phải kể đến việc thực hiện mô hình “Trường học gắn với văn hóa truyền thống địa phương - không gian văn hóa Mường” của thầy trò Trường Tiểu học Tân Sơn, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn. Cán bộ, giáo viên nhà trường đã vận động phụ huynh, người dân trong và ngoài xã ủng hộ các đồ dùng, công cụ lao động, trang phục đặc trưng của người Mường; sưu tầm tài liệu liên quan đến văn hóa truyền thống địa phương, chép lại lời bài hát, truyện cổ… để trưng bày trong thư viện trường. Cùng với đó, thầy cô còn mời nghệ nhân đến dạy hát Ví, hát Rang cho học sinh trong các hoạt động ngoài giờ, giúp các em hiểu thêm về bản sắc văn hóa Mường.

Là người dân tộc Dao, Bí thư Đảng ủy xã Nga Hoàng (huyện Yên Lập) Triệu Tiến Xuân cho biết: Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số. Nhiều hoạt động bảo tồn thiết thực như: Truyền dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Dao, phục dựng và truyền dạy một số nghi lễ đặc trưng (Lễ cấp sắc, Lễ tạ mộ tổ)…

Đặc biệt, trong năm 2021, cộng đồng người Dao ở xã Nga Hoàng đã phục dựng, tổ chức Lễ cúng Bàn Vương, với sự tham gia của các họ người Dao tại xã, các họ người Dao trên địa bàn tỉnh và huyện lân cận của tỉnh Yên Bái. Nghi lễ này được coi là sợi dây liên kết cộng đồng người Dao, tạo nên sức mạnh để tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, thực tế công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: Nguồn lực đầu tư còn hạn chế; công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia chưa thường xuyên, sâu rộng. Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực và là người dân tộc. Ngoài ra, đa số nghệ nhân tuổi đã cao; việc tổ chức truyền dạy các loại hình văn hóa truyền thống chưa được bài bản, không có sách vở ghi chép chính thống, lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng. Việc tổ chức sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ các di sản chưa khoa học... 

Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết: Thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp điều kiện thực tế và từng giai đoạn. Cụ thể, tỉnh huy động nguồn tài chính từ xã hội hóa là chủ yếu; khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc đang có nguy cơ mai một. Tỉnh tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý văn hóa; từng bước thực hiện việc tư liệu hóa và số hóa các di sản.

Thông qua kiểm kê di sản hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia...

Trung Kiên (TTXVN)