10:00 22/10/2011

Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số: Cần nâng cao năng lực tự bảo vệ cho đồng bào

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có 11 dân tộc có số dân dưới 5.000 người và 6 dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Do tác động của kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập, giờ đây văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số đã bị mai một.

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có 11 dân tộc có số dân dưới 5.000 người và 6 dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Do tác động của kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập, giờ đây văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số đã bị mai một.
Trước thực trạng này, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc ít người, đặc biệt là Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Tuy nhiên, làm thế nào để đề án được thực hiện có hiệu quả là một việc không đơn giản.


Văn hóa truyền thống các dân tộc: Ngày càng mai một

Theo ông Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai thì ngôn ngữ, tiếng nói là một tiêu chí quan trọng để xác định thành phần tộc người. Đồng thời tiếng nói cũng là một thành tố cơ bản của văn hóa. Nhưng hiện nay nhiều dân tộc không còn tiếng mẹ đẻ.

Lễ đâm trâu của người Giẻ Triêng. Ảnh: Anh Tuấn- TTXVN

Dân tộc Bố Y có 2.273 người, có 2 nhóm địa phương là Tu Dí (ở Lào Cai) và Bố Y (ở Hà Giang). Đồng bào dân tộc Bố Y ở Lào Cai hầu như không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan hỏa (tiếng Hán phương Nam), còn người Bố Y ở Hà Giang lại chủ yếu nói tiếng Giáy và tiếng Tày. Hay người Phù Lá có 10.934 người, gồm 2 ngành Pu Là và Xa Phó. Người Xa Phó còn giữ được tiếng mẹ đẻ nhưng toàn bộ gần 5.000 người Pu Là không nói được tiếng mẹ đẻ và cũng chuyển sang sử dụng tiếng Quan hỏa. Tương tự như vậy, người Cờ Lao đỏ ở Hà Giang cũng không còn nói được tiếng mẹ đẻ. Ở vùng Tây Bắc, các dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao dịch. Ngôn ngữ mẹ đẻ của dân tộc La Ha chỉ còn một số từ vựng cơ bản trong các bài cúng cổ. Ngay các bài hát dân ca của người Kháng, người Xinh Mun cũng có tới 70 – 80% là tiếng Thái.

Không riêng ngôn ngữ, mà các thành tố văn hóa khác như trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội… của các dân tộc này đều đã mai một nghiêm trọng. Lên thăm vùng Tây Bắc bây giờ, chỉ có các nhà dân tộc học hoặc những người am hiểu sâu sắc về văn hóa tộc người mới phân biệt được nhà sàn của người Kháng, người La Ha khác với người Thái thế nào. Khi tham dự một số lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng của người Kháng, người La Ha, người Xinh Mun…, không ít người lại nghĩ đó là sinh hoạt văn hóa của người Thái… Có thể thấy, xu hướng “Thái hóa” kết hợp với xu hướng “Kinh hóa” đang làm bào mòn một số di sản văn hóa còn sót lại của đồng bào các dân tộc ít người này.

Một ví dụ khác như dân tộc Ơ Đu, dân số hiện chỉ còn khoảng 300 người, cư trú đông nhất ở huyện Tương Dương (Nghệ An). Hiện nay, dân tộc Ơ Đu, từ nhà cửa, trang phục, cưới hỏi, ma chay… đều pha trộn, vay mượn của người Thái và người Khơ Mú trong vùng. Ngay cả tiếng nói, họ cũng dùng các tiếng Khơ Mú, tiếng Thái làm công cụ giao tiếp hàng ngày.
 
Đó chỉ là những điển hình rất nhỏ cho thấy tình trạng mất dần bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. Trên thực tế, có nhiều dân tộc chỉ còn lại khoảng vài chục người già biết tiếng của dân tộc mình. Ngay cả những lễ hội truyền thống, những tục lệ đẹp nhiều khi chỉ còn trong trí nhớ của già làng, trưởng bản mà thôi.

Mười năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2001- 2010, đã hỗ trợ, bảo tồn, phục dựng được 54 lễ hội truyền thống tiêu biểu; hỗ trợ bảo tồn 20 làng truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số… Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với thực trạng văn hóa truyền thống của đồng bào, đặc biệt là ở một số dân tộc ít người đang ngày càng mất dần bản sắc như hiện nay.