08:23 02/08/2012

Bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long: Vấn đề cũ - tầm nhìn mới

Làm thế nào để vừa bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long vừa phát triển du lịch? Đó là bài toán không chỉ của Quảng Ninh mà cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành hữu quan.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã được đặt ra từ cách đây 18 năm (từ năm 1994), khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Làm thế nào để vừa bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long vừa phát triển du lịch? Đó là bài toán không chỉ của Quảng Ninh mà cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành hữu quan.


Coi trọng bảo tồn


Do có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế, nên trên vịnh Hạ Long và khu vực ven bờ diễn ra nhiều hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển công nghiệp điện, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, giao thông hàng hải, cảng biển, vận tải thủy nội địa, đánh bắt, nuôi trồng chế biến hải sản, phát triển du lịch, đô thị hóa với tốc độ nhanh.

 

Bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Ảnh Internet.


Những lĩnh vực trên, mặc dù đã đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh, nhưng đều là các hoạt động nhạy cảm, có thể gây xung đột và phương hại đến môi trường của vịnh Hạ Long. Thực tế, hiện nay hệ thống rừng ngập mặn vốn là hàng rào bảo vệ cho Hạ Long ở ven bờ hầu như bị hủy hoại hoàn toàn. Tình trạng đổ thải chất cao tại các khai trường và mở rộng đô thị, phát triển các bến bãi thiếu kiểm soát cũng gây nên nguy cơ bồi lắng và thay đổi chất lượng nước ven bờ Hạ Long, làm suy kiệt các rạn san hô đang suy kiệt dần.


Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chia sẻ: “Tôi nghiêng theo hướng bảo tồn cần được coi là ưu tiên hàng đầu vì cảnh quan kỳ thú của Hạ Long có được phải qua nhiều triệu năm, làm hỏng nó thì không có cách gì khôi phục được. Hơn nữa, tâm lý người tham quan là muốn được cảm nhận cái nguyên sơ cổ kính chứ không phải những cái tân tạo, nhất là những sự tân tạo thô thiển. Bên cạnh đó, xu thế của thế giới và chủ trương của nước ta là “phát triển bền vững”, trong đó có việc bảo vệ môi trường, lẽ nào ta lại hủy hoại những báu vật đó chỉ vì những mối lợi trước mắt?”.


Tuy nhiên, xung quanh vấn đề bảo tồn di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, tại Quảng Ninh xảy ra mâu thuẫn giữa bảo tồn và nhu cầu phát triển về công nghiệp, dịch vụ du lịch. “Nếu đã thống nhất là bảo tồn thì không xây thêm bất kỳ gì trên các đảo của vịnh Hạ Long. Đồng thời di dời những cơ sở ô nhiễm vào sâu trong đất liền và phá bỏ những gì gây ô nhiễm trên vịnh. Tiếp đó, tỉnh Quảng Ninh nên kéo giãn sự phát triển đô thị ra. Thực tế là chúng ta đang phát triển túm tụm tại khu vực Bãi Cháy và đang gây quá tải khu vực này”, ông Vũ Khoan nhận xét.


Ông Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đưa ra ý kiến: "Quảng Ninh không thể không phát triển than, nhưng vấn đề là phải dung hòa giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thậm chí nếu làm tốt có thể khai thác tour tham quan hầm than, biến đây thành loại hình tour khám phá trải nghiệm thú vị. Tiếp đến là vấn đề môi trường. Nói đến vịnh là nói đến nước. Do đó, nếu không làm tốt vấn đề xử lý thì vịnh sẽ chết. Đồng thời là bảo vệ môi trường tự nhiên".

 

Nhìn từ phía biển


Theo các chuyên gia về di sản và du lịch, lâu nay chúng ta vẫn đứng trên bờ nói về vịnh Hạ Long, giờ "đổi chiều" bằng cách đứng từ dưới biển nhìn lên trên bờ và sẽ như thấy phải phát triển thành phố Hạ Long sao cho đẹp và xứng tầm. Đứng dưới biển nhìn lên có cả không gian văn hóa và lịch sử.


Ông Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Kiến trúc (Quy hoạch đô thị và nông thôn Bộ Xây dựng): Khi tôi hỏi những bạn trẻ Pháp tại sao họ lại chọn đi du lịch Thái Lan thì họ trả lời tại Pháp họ chỉ được tiếp cận với thông tin về Thái Lan, điều đó cho thấy chúng ta phải đẩy mạnh xúc tiến, truyền bá hợp lý. Gắn phát triển vịnh Hạ Long với quy hoạch tổng thể quy hoạch tỉnh dựa trên trục Hạ Long - Vân Đồn - Đông Triều tạo 1 quần thể rộng với sản phẩm du lịch phong phú. Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc sản phẩm Vietravel: Hạ Long cần có sự đầu tư sâu hơn cho việc phát triển sản phẩm du lịch mới, xây dựng những sản phẩm đặc thù, đa dạng, khai thác được đầy đủ những thế mạnh như vịnh biển, đảo đá, tài nguyên trong lòng vịnh, nét đẹp của văn hóa dân tộc… và tìm cách đưa các sản phẩm này đến tiếp cận với du khách, đặc biệt là các sản phẩm du lịch văn hóa, nghệ thuật, sản phẩm du lịch thể thao, giải trí, du lịch sinh thái và những điểm du lịch mua sắm nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Quảng Ninh với trung tâm là vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, ngành du lịch Quảng Ninh nên nhanh chóng chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng. Một số lĩnh vực còn yếu và thiếu phải tập trung đầu tư là các sản phẩm có chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế, các sản phẩm vui chơi giải trí, dịch vụ phụ trợ, nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách. Bởi thực tế cho thấy, thời gian lưu trú của khách trung bình chỉ khoảng 1,5 ngày/khách.

Đánh giá của các doanh nghiệp du lịch, ngành du lịch Quảng Ninh vẫn chưa có một nghiên cứu về thị trường khách đến Quảng Ninh, để từ đó có cách tiếp cận hiệu quả. Mỗi loại khách có đặc tính riêng, từ cách ăn, ở, cho tới giải trí, mua sắm. Không định hướng rõ thì rất khó thích ứng và việc quảng bá, thu hút khách cũng sẽ mất hướng. “Trong thời gian qua, khách Trung Quốc đến Quảng Ninh chủ yếu mới là khách từ các địa phương gần ta, thu nhập chưa nhiều, văn hóa chưa cao, do đó không đòi hỏi dịch vụ chất lượng cao, nhưng nếu muốn hút khách Nhật chẳng hạn thì yêu cầu lại khác hẳn, ngay từ món ăn đến nhà tắm, vệ sinh cũng phải khác. Khách Nga là đối tượng nhiều triển vọng, nhưng họ hướng tới miền Trung, còn ở Hạ Long rất ít”, đại diện doanh nghiệp lữ hành cho biết.


Trong thời gian qua, Hạ Long đã đạt được sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên về số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa. Tuy nhiên, chi tiêu của khách thấp và thời gian lưu trú hầu như không tăng. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn và dịch vụ chất lượng cao chưa nhiều. Cho đến nay, thành phố Hạ Long vẫn chưa có một khách sạn 5 sao đạt tiêu chuẩn. Doanh thu của toàn bộ hệ thống khách sạn 4 sao (trên 10 khách sạn) chỉ ngang với doanh thu của khách sạn 5 sao Metropole Hà Nội (khoảng 680 tỉ năm 2011). Điều này đã làm hạn chế hiệu quả kinh tế của hệ thống dịch vụ khách sạn tại Hạ Long. Do chất lượng cơ sở lưu trú không cao và thiếu các sản phẩm lưu chân du khách nên năm nay chúng ta đã chứng kiến một hiện tượng mới: Doanh thu du lịch của Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bình Thuận 6 tháng qua đã vượt qua Quảng Ninh, đạt từ 2.500 đến 2.800 tỷ đồng.


“Cách tổ chức hoạt động du lịch gắn với Hạ Long hiện nay cơ bản vẫn như 15 năm trước, ngoại trừ việc chất lượng tàu du lịch tốt hơn. Cách tổ chức khai thác tài nguyên du lịch như hiện nay vừa bán rẻ tài nguyên du lịch, vừa không hiệu quả. Trên thế giới hiện nay, không có điểm tham quan có đẳng cấp nào bán vé dưới 10 USD/người/lần tham quan. Việt Nam đã thực sự hội nhập và chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế ngay ở các nước láng giềng như Campuchia và Trung Quốc. Chỉ cần tổ chức lại hoạt động này thì Hạ Long sẽ tạo ra một nguồn tài chính đáng kể đầu tư nâng cấp hạ tầng, cải tạo cảnh quan và hoạt động quảng bá xúc tiến”, ông Nguyễn Văn Tuấn,Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết.