02:11 28/02/2014

Bảo tồn Cố đô Huế: 'nguyên trạng' hay 'thích nghi'

Những năm qua, di sản văn hóa Huế đã thực sự trở thành chiếc cầu nối đưa hình ảnh và con người Cố đô đến với du khách, với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành du lịch, dịch vụ.

Ngày 28/2, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức đối thoại trực tuyến với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn về chủ đề "Bảo tồn di sản, phát triển du lịch và Festival Huế 2014". Chương trình được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế tại địa chỉ www.thuathienhue.gov.vn và được phát sóng trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thừa Thiên - Huế (TRT).

Trả lời về những nỗ lực không ngừng để xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là Trung tâm văn hóa, du lịch và dịch vụ, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, hệ thống thành quách, cung điện, miếu, đền đài, lăng tẩm, chùa ...




Khách du lịch tham quan di tích Cố đô Huế.


Tuy nhiên, việc phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang đứng trước những thách thức: nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ các di sản văn hóa chưa cao; kinh phí dành cho những hoạt động trùng tu, bảo tồn còn hạn hẹp; tài nguyên du lịch chưa được đầu tư khai thác tối đa, đặc biệt là các tài nguyên du lịch tự nhiên (du lịch biển, du lịch đầm phá, du lịch nghỉ dưỡng) và một số tài nguyên lịch sử - văn hoá (du lịch tìm hiểu văn hoá dân tộc ít người, tham quan các di tích cách mạng, phố cổ, lễ hội cung đình, lễ hội dân gian...); sản phẩm dịch vụ chưa phong phú, các dịch vụ phục vụ nhu cầu giải trí còn nghèo nàn...


Về công tác bảo tồn di sản Cố đô Huế, hiện đang tồn tại hai quan điểm không tương đồng là: Bảo tồn nguyên trạng và bảo tồn thích nghi. Và hiện nay, nhiều di tích đang lạm dụng quan điểm bảo tồn theo hướng thích nghi gây hậu quả hiện đại hóa di tích. Là những cơ quan quản lý về mặt nhà nước công tác bảo tồn di sản, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết về vấn đề này như sau: Mục đích của hoạt động bảo tồn là gìn giữ tối đa các giá trị nguyên bản của di sản chứ không phải bảo tồn nguyên trạng. Mỗi công trình di tích kiến trúc sau khi trùng tu đều trông mới mẻ hơn, đó là điều tất nhiên. Tuy nhiên, hình hài và cấu trúc nguyên thủy của nó thì phải được gìn giữ một cách nguyên vẹn.


Cảnh thao diễn thuỷ binh trên sông Hương trong Festival Huế 2012.


Ngoài ra, để công trình tồn tại tốt hơn, có thể dùng những giải pháp kỹ thuật mới, những điều kiện thiết bị mới để khắc phục những yếu điểm tự thân của di sản. Ví dụ, tất cả các di tích kiến trúc hoặc cụm kiến trúc có chiều cao lớn thì phải lắp đặt hệ thống chống sét để tránh những rủi ro thiên tai có thể xảy ra. Ở Nhật Bản, người ta còn phải dùng đến kỹ thuật chống động đất cho các công trình hiện đại để ứng dụng trong việc trùng tu bảo tồn di sản. Đó hoàn toàn không phải là hiện đại hóa di tích mà là bảo tồn thích nghi...


Đối với Festival Huế 2014, đây là lần thứ 7 tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ hội này. Qua mỗi kỳ đều có những thành công nhất định, đã tạo thêm động lực thúc đẩy công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, phát triển du lịch dịch vụ, góp phần phát triển toàn diện hơn đối với đô thị Huế, để Huế xứng đáng là đô thị hạt nhân trong tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế khẳng định như vậy.



Tin, ảnh: Quốc Việt