10:06 07/10/2013

Bảo tồn “chúa sơn lâm” ở Trung Quốc

Sâu trong dãy núi ở phía đông bắc Trung Quốc, các nhà khoa học đang tìm cách bảo tồn loài hổ Amur, loài động vật thuộc họ mèo lớn nhất thế giới, đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Sâu trong dãy núi ở phía đông bắc Trung Quốc, các nhà khoa học đang tìm cách bảo tồn loài hổ Amur, loài động vật thuộc họ mèo lớn nhất thế giới, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân quan trọng khiến loài động vật này giảm số lượng là đói ăn và đang được các nhà bảo tồn giải quyết bằng cách thả hươu vào rừng để làm thức ăn cho những “chú mèo” khổng lồ này.

Nhân viên WWF mang hươu sao thả vào rừng làm mồi cho hổ Amur ở Cát Lâm. Ảnh: AFP/TTXVN


Hổ Amur, hay còn gọi là hổ Siberia, có tên khoa học là Panthera tigris altaica, nay chỉ còn khoảng 20 con trong môi trường tự nhiên. Trung Quốc từng là nơi có nhiều loài hổ sinh sống nhưng hiện nay, câu nói “nơi nào có núi, nơi đó có hổ” đã trở thành chuyện dĩ vãng.


Theo các nhà bảo tồn, sự xuất hiện ngày càng nhiều của con người, tình trạng chặt phá rừng, nạn săn bắn hổ để lấy các bộ phận dùng trong bài thuốc cổ truyền và thiếu động vật làm mồi là những lý do khiến dân số loài hổ giảm mạnh. Ông Rohit Singh thuộc Quỹ bảo vệ thiên nhiên hoang dã (WWF) cho biết: Số lượng con mồi cho hổ ở Trung Quốc rất thấp so với các nước khác.


Chính vì thế, WWF đã có một dự án nhằm tăng số lượng hươu ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Wangqing ở tỉnh Cát Lâm để cho các “chúa sơn lâm” có cái “lót dạ” và tiếp tục sinh sôi.


Năm 2012, có 37 con hươu bị thả vào khu vực bảo tồn này làm mồi cho hổ. Con số này tương đương số hươu làm mồi cho hổ trong tháng 8/2013. Tuy nhiên, chừng đấy hươu chưa “bõ bèn” gì với loài vật nổi tiếng ăn khỏe này. Mỗi năm, một con hổ cần săn được 50 con hươu hoặc lợn rừng để tồn tại. Do đó, cần gấp 10 lượng mồi như thế.


Sau khi thả hươu vào rừng, các nhà bảo tồn phải đảm bảo rằng những con mồi này không bị thợ săn hạ gục, rằng chúng có khu vực để sinh sôi và môi trường sống của chúng không bị xâm hại.

Một con hổ Amur trong sở thú ở Ukraine. Ảnh: AFP


Khu bảo tồn Wangqing là một phần của hành lang liên kết giữa loài hổ Amur ở Trung Quốc với hổ ở Nga. Hành lang này rất quan trọng đối với các “chúa sơn lâm”. Do đó, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm khai thác gỗ trong khu vực nhằm bảo tồn hổ. Các biện pháp gồm tạo nguồn thu nhập khác thay thế cho khai thác rừng như khai thác cá, nấm...


Nỗ lực bảo tồn hổ là vô cùng quan trọng trong bối cảnh số lượng hổ hoang dã trên toàn thế giới chỉ còn khoảng 2.700 đến 3.200 con, giảm mạnh so với con số 100.000 cách đây một thế kỷ. Còn ở Trung Quốc, hổ và báo ở khu vực đông bắc hiện giờ hiếm đến mức khó mà bắt gặp chúng.


Trong những năm 1970, số lượng hổ Amur ở Trung Quốc và Nga tương đương nhau, khoảng 150 con. Tuy nhiên, dân số hổ ở Nga tăng nhờ được bảo vệ tốt. Theo ông Joe Walston, giám đốc châu Á của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Hoang dã (WCS), nếu không nhờ Nga thì giờ Trung Quốc cũng không còn hổ trong tự nhiên nữa.


Trong những năm 1940, do nạn săn bắn bừa bãi mà hổ Amur đứng trên bờ vực tuyệt chủng khi chỉ còn hơn 40 con trong tự nhiên. Loài này được cứu khi Nga trở thành nước đầu tiên trên thế giới có quy chế bảo vệ toàn diện. Nhờ đó, đến những năm 1980, lượng hổ Amur đã tăng lên khoảng 500 con.


Vì thế, Trung Quốc cần phải xây dựng mô hình bảo tồn tốt. Điều quan trọng là Trung Quốc phải tránh các dự án cơ sở hạ tầng lớn gây phân chia và phá vỡ môi trường sống của hổ.


Bảo tồn loài hổ vì loài vật này quan trọng với sinh thái là lý do không phải bàn cãi. Còn theo ông Singh thuộc WWF, có một lý do nữa cũng khiến con người phải ra sức bảo vệ “chúa sơn lâm” là vì đó là một loài vật rất đẹp và “có sức lôi cuốn” nên không thể đánh mất khỏi tự nhiên.


Thùy Dương (theo AFP)