08:10 04/08/2011

Bão tố và bình yên trong "Nhà có 5 anh em trai"

Sau "Nhà có ba chị em gái", giờ đến "Nhà có 5 anh em trai" được Đoàn kịch I- Nhà hát Tuổi trẻ cho ra mắt khán giả. Vẫn là một vở kịch tâm lý, với sự trở lại của ê kíp: Kịch bản Nguyễn Thu Phương, đạo diễn NSƯT Anh Tú...

Sau "Nhà có ba chị em gái", giờ đến "Nhà có 5 anh em trai" được Đoàn kịch I- Nhà hát Tuổi trẻ cho ra mắt khán giả. Vẫn là một vở kịch tâm lý, với sự trở lại của ê kíp: Kịch bản Nguyễn Thu Phương, đạo diễn NSƯT Anh Tú, vở diễn được nhiều người quan tâm vì được cảm tác từ truyện ngắn "Không có vua" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên, chỉ là "cảm tác" mà thôi, còn nội dung vở diễn thì là một câu chuyện hoàn toàn mới: Về ngũ hổ của gia đình chuyên bán giò chả. Ở đó, 5 người con trai, mỗi người mỗi tính cách, cách sống, tạo nên "Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ" tương sinh, nhưng lại cũng tương khắc với nhau...

Một cảnh trong vở diễn.


Người dẫn chuyện, cũng là người kết nối ngũ hổ chính là Xuân- cô gái thôn quê vừa về làm dâu, vợ của người anh cả tên Sĩ. Xuân, với bản chất hiền lành, chân chất của mình, đã nhẫn nại thực hiện cái nghĩa vụ mà người mẹ chồng đã trao cho cô trong ngày cưới, khi đeo vào tay cô chiếc vòng gia bảo 9 đời: Đó là giữ sự bình yên trong gia đình. Nhưng Xuân nào có thể làm được ngay công việc ấy, khi cô chính là con sóng dội tới, làm cơn bão chất chứa trong gia đình này bùng lên. Sự xuất hiện của Xuân, và niềm hạnh phúc của cô với người chồng tên Sĩ đã ngoài 40 tuổi, lại cũng chính là nỗi "ẩn ức" của 4 người em trai còn lại trong nhà, là cơ hội cho mâu thuẫn đến, cho những phần "con" bột phát. Tình, chàng trai khôi ngô nhất nhà, được ăn học tử tế, nhưng rồi bị dính vào một vụ ăn cắp, đi tù. Sau 5 năm ra khỏi tù biến thành một kẻ cay nghiệt, bất mãn và tự cho phép mình được sống tệ hại. Tình thích Xuân ngay từ buổi đầu, và đã nhiều lần làm những việc có lỗi với chị dâu. Tình cũng chính là nguyên nhân dẫn tới bi kịch của gia đình với cái chết của Phúc - người em trai bị tật nguyền, cái chết cũng giống như sự cảnh tỉnh, khiến mọi thành viên trong căn nhà cùng tìm lại sự bình yên. Bên cạnh Tình là Đức, đứa em út trong nhà, một sinh viên đại học cũng lầm đường, vì muốn chơi bời đã đang tâm lấy trộm cả tiền mừng cưới của anh trai cả.

Ở "chiến tuyến" bên này, là Dân - chàng xe ôm nghĩa khí, là Phúc - người em trai tật nguyền nhưng có tâm hồn thánh thiện. Họ đã ra sức bảo vệ Xuân, cũng là bảo vệ hạnh phúc và bình yên của gia đình mình...

"Cuộc sống như một dòng sông không ngừng chảy, chỉ cần sơ sảy là bị sóng cuốn đi". Chính con sóng đó đã làm nên cơn bão trong gia đình, nhưng cũng chính con sóng đó đã khiến sau sự "sơ sảy" là bình yên trở lại. Những người con trong gia đình, trừ Phúc đã phải chết vì tội lỗi của những người anh, đã làm lại cuộc đời. Dòng sông của căn nhà bình yên trở lại. Vẫn là vậy, cái thiện dù nhiều khi bị che khuất, nhưng vẫn luôn tìm được con đường để trở lại trong mỗi con người, và trong cuộc đời này. Đó, có lẽ cũng chính là thông điệp mà ê kíp thực hiện vở diễn muốn gửi gắm tới khán giả.

P.V